“Làn sóng hồng” trong bầu cử Mỹ

Thứ năm, 08/11/2018 12:52

Một số lượng kỷ lục phụ nữ ở Mỹ chạy đua cho chiếc ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này, trong bối cảnh xã hội nước này bị chia rẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Với số lượng lớn nữ nghị sĩ được bầu, bộ mặt của Quốc hội Mỹ có thể thay đổi đáng kể.

Được mệnh danh là “Làn sóng hồng”, cuộc bầu cử lần này thu hút đến 476 phụ nữ tranh cử Hạ viện, tăng so với kỷ lục trước đó là 298 người vào năm 1992. Hơn nữa, 235 phụ nữ, chủ yếu là từ đảng Dân chủ, đã giành được đề cử  cho chiếc ghế tại Hạ viện, so với mức cao kỷ lục 167 trước đó vào năm 1992.

Và đặc biệt hơn, gây chú ý hơn nữa là việc hai nữ tín đồ Hồi giáo đầu tiên trở thành nghị sĩ Quốc hội Mỹ, đều thuộc đảng Dân chủ. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một nước với quan điểm chống Hồi giáo đang gia tăng có nữ nghị sĩ là tín đồ Hồi giáo. Đó là bà Ilhan Omar, người tị nạn gốc Somalia. Bà đã giành được một ghế tại Hạ viện Mỹ đại diện cho một quận ở thành phố Midwestern, bang Minnesota. Người tiền nhiệm của bà Ilhan Omar là ông Keith Ellison - là người theo đạo Hồi đầu tiên trúng cử vào Quốc hội Mỹ. Người thứ 2 là bà Rashida Tlaib, một người làm công tác xã hội, sinh ra tại Detroit. Bà đã giành được một ghế Hạ viện tại bang Michigan, nơi bà không có đối thủ từ đảng Cộng hòa.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2016, với chiến thắng dành cho ông Trump và lo ngại về chính sách rút lui từ thời ông Obama có vẻ như là một chất xúc tác và động lực để nhiều phụ nữ tham gia chính trị vào năm 2018. Với một Quốc hội ngày càng chia rẽ, nghị sĩ quốc hội sẵn sàng hành động theo chính sách lưỡng đảng và có nhiều định hướng hơn để thay đổi các quyết sách của Tổng thống Trump.

Một khi số lượng lớn phụ nữ được bầu, nó sẽ có tác động lớn đến chính sách của Mỹ. Quốc hội chú ý nhiều hơn đến các vấn đề phụ nữ và hợp tác hơn sau khi một số phụ nữ được bầu vào năm 1992. Và giờ đây, nữ nghị sĩ có thể sẽ tập trung nhiều hơn đến các chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, quấy rối tình dục.

THANH VĂN