Làn sóng nông dân biểu tình lan rộng ở nhiều quốc gia châu Âu

Thứ bảy, 03/02/2024 15:27
Biểu tình của nông dân đã diễn ra ở Pháp, Đức, Ba Lan, Romania, Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha... trong những tuần gần đây. Họ phản đối chi phí sản xuất tăng, EU siết chính sách quản lý môi trường và thực phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Nông dân ném trứng trong cuộc biểu tình ở Bỉ ngày 30-1. Ảnh: AFP
Nông dân Pháp lái máy kéo tham gia cuộc biểu tình trên cao tốc, phía nam Paris ngày 29-1. Ảnh: AFP

Hiệu ứng "domino"

Ngày 29-1, nông dân Pháp bắt đầu di chuyển tới Paris, đe dọa chặn các cao tốc lớn và phong tỏa thủ đô nhằm kêu gọi chính phủ cải thiện các điều kiện lao động. Họ tập trung tại các điểm tập kết để bắt đầu tuần hành về Paris. Vào khoảng 14 giờ 00 chiều cùng ngày họ đã thiết lập 8 chốt chặn dọc các tuyến đường huyết mạch dẫn tới thủ đô. Chính phủ Pháp đã ra lệnh triển khai 15.000 cảnh sát và hiến binh trong thành phố.

Ngày 1-2, nông dân Bỉ đã đưa khoảng 1.000 máy kéo đến chặn ở hầu hết các khu phố Âu của Brussels, từ phố Rue de la Loi nhỏ đến Rue Belliard qua Place du Luxembourg. Những tuyến đường này đã bị cấm lưu thông theo quyết định của cảnh sát. Nhiều nông dân trẻ từ miền Nam Bỉ, đặc biệt là từ các vùng Seneffe, Tournai hoặc Liege, cũng như từ Flanders, đã đến thủ đô Brussels để hưởng ứng cuộc biểu tình. Nhiều người nước ngoài cũng tham gia cuộc biểu tình này. Tại quảng trường Place du Luxembourg trước Nghị viện châu Âu (EP), người biểu tình đã đốt lửa, đốt rác thải, gây ra khói đen dày đặc tại khu vực này. Họ cũng ném trứng vào tòa nhà của EP. Hoạt động biểu tình của nông dân đã khiến giao thông tại Brussels bị gián đoạn. Khu vực Place du Luxembourg và các tuyến phố lân cận cũng bị phong tỏa. Cảnh sát cho biết để đề phòng những cuộc bạo động, đường hầm Reyers-Centre cũng sẽ bị đóng cửa.

Tương tự nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), nông dân Malta cũng biểu tình trong ngày 2-2 nhằm phản đối một số chính sách hiện tại và những tham vọng tương lai của khối đang đe dọa sinh kế của họ. Trong tuyên bố ngày 1-2, Hiệp hội Nông dân Malta nêu rõ cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của lao động thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương.

Các cuộc biểu tình tương tự đang được tổ chức trên khắp EU trong tuần này. Nông dân cũng đã làm tạm dừng giao thông ở Italy trong một loạt cuộc biểu tình phản đối chính sách của EU. Trước đó, ngày 29-1, nông dân đã đưa máy kéo gần Nghị viện EU ở Brussels. Một nhóm nông dân chặn một quảng trường ở trung tâm thủ đô Brussels bằng máy kéo cho biết họ sẽ ở lại đây ít nhất cho đến ngày 1-2, khi các nhà lãnh đạo chính phủ của EU triệu tập tại thành phố này.

Nông dân ném trứng trong cuộc biểu tình ở Bỉ ngày 30-1. Ảnh: AFP

Nỗi tuyệt vọng của nông dân

Các quy định về đất bỏ hoang là một phần nguyên nhân gây bất bình dẫn đến các cuộc biểu tình trong những tuần gần đây. Ngày 1-2, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhận định EU đã sai khi buộc nông dân bỏ hoang cánh đồng để cắt giảm lượng khí thải gây ảnh hưởng đến khí hậu, cho phép nông sản nhập khẩu giá rẻ của Ukraine vào EU và ban hành một loạt chính sách khác trừng phạt ngành nông nghiệp.

EU cho rằng hệ sinh thái tự nhiên của khối đang suy giảm mạnh, với 81% diện tích môi trường sống tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là hoạt động canh tác nông lâm nghiệp như việc sử dụng thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến những loài sinh vật tự nhiên. Do đó, Nghị viện châu Âu năm 2023 đã thông qua Luật Phục hồi Thiên nhiên, với kỳ vọng luật này sẽ là tiền đề để các nước thành viên EU khôi phục hệ sinh thái đa dạng trong khu vực. Một trong những nội dung của luật này yêu cầu các nước EU đưa ra các biện pháp nhằm phục hồi 20% diện tích đất và biển vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều nông dân các nước EU cho rằng những quy định như vậy ảnh hưởng đến các hoạt động canh tác nông nghiệp trong khi EU chưa cung cấp đủ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Ngoài ra, nông sản nhập khẩu từ Ukraine, quốc gia được EU miễn áp hạn ngạch và thuế từ khi Nga phát động chiến sự vào tháng 2-2022, cùng các cuộc đàm phán ký kết thỏa thuận thương mại giữa EU và khối Nam Mỹ Mercosur, khiến nông dân châu Âu bất bình vì cho rằng các mặt hàng đường, ngũ cốc và thịt của họ đang bị cạnh tranh không lành mạnh.

Các biện pháp mới của chính phủ Pháp

Hai nghiệp đoàn nông dân lớn tại Pháp đã kêu gọi ngừng phong tỏa các tuyến đường vào chiều 1-2 sau khi chính phủ nêu thêm nhiều điều khoản hỗ trợ và viện trợ cho nông dân nước này nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal, các bộ trưởng kinh tế và nông nghiệp công bố hàng loạt biện pháp mới nhằm xoa dịu nỗi bất bình của nông dân nước này. Trong số các biện pháp mới có việc lập tức cấm nhập khẩu rau và hoa quả từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) nếu những mặt hàng này sử dụng thuốc trừ sâu Thiaclopride; gói hỗ trợ 150 triệu EUR (162 triệu USD) để giúp các chủ trang trại nuôi gia súc; giảm thuế đối với các trang trại có sự chuyển giao thế hệ... Chính phủ Pháp cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm xử phạt những tập đoàn công nghiệp và siêu thị trả giá không công bằng đối với sản phẩm nông nghiệp của người nông dân. Mức phạt có thể chiếm tới 2% doanh thu bán hàng. Trước đó, ngày 26-1, Chính phủ Pháp đã hủy bỏ kế hoạch tăng thuế đối với dầu diesel nông nghiệp và công bố một số bước đi khác nhằm giảm áp lực tài chính và hành chính cho nông dân.

AN BÌNH