Lần theo dấu vết tội phạm (6)

Thứ sáu, 20/07/2012 00:00

>> Lần theo dấu vết tội phạm (5)

* Kỳ cuối: Tâm sự của người phá án

(Cadn.com.vn) - Tham gia cách mạng từ năm 1970, từng 3 năm bị giam cầm trong lao tù của Mỹ - ngụy, đến nay Đại tá Huỳnh Đức Cường đã có 37 năm công tác trong ngành CA. Với gần 20 năm làm công tác điều tra phá án, đặc biệt là thời gian dài phụ trách mảng trọng án, Đại tá Cường đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, từng là đại biểu đầu tiên của lực lượng CA tỉnh Quảng Nam đi dự Đại hội Thi đua toàn quốc năm 2000. Mặc dù đã chuyển sang phụ trách công tác khác, nhưng nhắc lại những năm tháng gian nan phá án, Đại tá Cường vẫn tâm huyết lắm...

Đại tá Huỳnh Đức Cường kể lại vụ án mà anh cùng các ĐTV điều tra khám phá cách đây gần 14 năm, nhưng anh vẫn còn ám ảnh: 17 giờ ngày 6-8-1998, anh Đào Đức Đồng (1971, quê Quảng Lĩnh, Quảng Xương, Thanh Hóa) làm thuê tại vãi vàng Năm Tiên, Phước Thành, Phước Sơn (Quảng Nam) có việc phải về TT Khâm Đức cách đó 60km. Bình thường sau hơn 3 tiếng đồng hồ từ bãi vàng sẽ ra tới nơi, nhưng đêm đó người quen của anh Đồng đợi mãi vẫn không thấy anh ra. Hôm sau, rồi hôm sau nữa vẫn không thấy. Nhắn hỏi vào bãi vàng Năm Tiên thì bảo anh không có trong bãi, điện về quê nhà cũng bảo anh không về nên sự việc được báo cho CAH Phước Sơn. Lực lượng CA đã kiểm tra kỹ dọc tuyến đường từ bãi vàng Năm Tiên ra Khâm Đức và ngược lại nhưng không thấy có điều gì bất thường. Qua công tác nắm tình hình, chỉ biết được vào thời điểm chiều tối 6-8-1998, tại bãi vàng Năm Tiên có xảy ra đánh nhau, sau đó mọi người giải tán và cũng không rõ anh Đồng có liên quan đến vụ việc này không. Sự mất tích của anh Đồng trở nên bí hiểm và nhận thấy đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, CAH Phước Sơn đã chuyển hồ sơ lên Phòng CSĐT CA tỉnh Quảng Nam để thụ lý, điều tra theo quy định pháp luật.

Đại tá Huỳnh Đức Cường. 

Qua đánh giá thông tin ban đầu, lãnh đạo Phòng và các ĐTV nhận định, sự việc anh Đồng mất tích có nhiều nghi vấn, đây rất có thể là một vụ án mạng... Tiếp tục thu thập thông tin, các TS nắm được, chiều 6-8-1998, khi anh Đồng rời lán của mình khoảng 30 phút, thì ở lán Giang Úc trên đường anh Đồng đi qua có xảy ra đánh nhau và đối tượng cầm đầu là Nguyễn Thùy. Ngay sau vụ đánh nhau, những người làm vàng ở lán Giang Úc và nhiều lán bên cạnh trong đó có Nguyễn Thùy bỗng dưng bỏ bãi vàng về xuôi ngay trong đêm, một số sang làm ở bãi vàng khác...

Trung tá Huỳnh Đức Cường - Phó trưởng Phòng CSĐT và ĐTV Kiều Việt Vương cùng một số cán bộ điều tra khác tiến hành thụ lý điều tra vụ án. Vấn đề đặt ra là anh Đồng đi đâu hay đã chết, chết vì lý do gì và ai đã sát hại? Anh Đồng có liên quan đến vụ đánh nhau chiều 6-8 không? Công việc đầu tiên là phải xác minh nhân thân Nguyễn Thùy, đối tượng cầm đầu vụ đánh nhau. Xác định được Nguyễn Thùy (1972, quê thôn 3, Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam), các ĐTV khẩn trương phối hợp với CAH Quế Sơn xác minh về Thùy.

Trung tá Mai Ngọc Đẳng (hiện công tác tại CAH Nông Sơn, Quảng Nam), thời điểm đó đang là ĐTV Đội CSĐT CAH Quế Sơn kể lại: Lâu nay người dân ở địa phương vẫn biết Thùy là người đi làm vàng ở Phước Sơn có vẻ ăn nên làm ra, tiền bạc rủng rỉnh, nay bỗng đột ngột trở về quê và lại có ý định vào các tỉnh phía Nam làm ăn, đây quả là sự việc bất thường. Kết hợp với thông tin từ các ĐTV Phòng CSĐT CA tỉnh thu thập từ những nhân chứng và thành phần tham gia vụ đánh nhau, CQĐT nhận định: anh Đào Đức Đồng là nạn nhân của vụ đánh nhau, Nguyễn Thùy có dấu hiệu phạm tội nên đang tìm cách bỏ trốn nên ngày 21-8-1998, CQĐT quyết định bắt khẩn cấp y. Tại CQĐT, lúc đầu Thùy quanh co chối tội, nhưng trước những chứng cứ mà CQĐT đã thu thập, Thùy đã phải khai nhận sự thật: Chiều 6-8-1998, Thùy cùng Nguyễn Thương, Lê Công Phố, Giang Úc tổ chức uống rượu tại lán Giang Úc thì nghe 2 tiếng nổ và đó là lúc anh Đồng vừa đi tới. Cho rằng anh Đồng là người gây ra tiếng nổ, Thương cầm gậy lao tới đánh anh Đồng. Anh Đồng phân bua mình không liên quan gì tới tiếng nổ, nhưng Thùy vẫn lấy gậy đánh liên tiếp vào đầu, tay, chân, miệng anh Đồng; Phố và Úc cũng xông tới đánh khiến anh Đồng gục chết tại chỗ. Đánh chết anh Đồng, Thùy cùng Phố dùng dây tời xác anh Đồng xuống hầm vàng sâu 10m, đẩy vào ngách sâu hơn 3m, đổ đất đá xuống rồi lấy vòi nước xả xóa sạch dấu vết.

Hồ sơ hàng trăm trang trong một vụ trọng án. Ảnh: H.T 

Đại tá Huỳnh Đức Cường nhớ lại: để khai quật xác nạn nhân, CQĐT, VKSND, các cán bộ Phòng Kỹ thuật Hình sự cùng hàng chục nhân công đã phải mất gần 10 ngày hành quân lên bãi vàng Năm Tiên, đào hàng trăm khối đất đá dưới độ sâu hơn 10m mới phát hiện được xác nạn nhân đang trong thời kỳ phân hủy. Các ĐTV đã phải dùng mặt nạ, bình khí oxy mới tiếp cận được xác nạn nhân đưa lên phục vụ công tác khám nghiệm... Trong vụ án ngày, Nguyễn Thùy đã phải lãnh án tử hình, các đối tượng liên quan cũng phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Đây chỉ là một trong nhiều vụ trọng án mà Đại tá Huỳnh Đức Cường cùng các ĐTV đã tham gia khám phá thành công trong những năm tình hình ANTT vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam cuối thế kỷ XX.

Trong gần 20 năm làm công tác điều tra phá án của mình, Đại tá Cường đã tham gia phá nhiều vụ án phức tạp như triệt phá băng nhóm chuyên trộm cắp tại các khách sạn từ Quảng Trị vào tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TPHCM; băng nhóm trộm cắp trên các tuyến hàng không; băng nhóm dùng thủ đoạn gây mê trộm cắp trên xe khách đường dài; băng nhóm trộm cắp dây chuyền ở các chợ Đà Nẵng và khu vực miền Trung; hàng chục vụ cướp của, giết người tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Với bề dày, kinh nghiệm của người làm công tác phá án, anh tâm sự: "Đối với người làm công tác điều tra phá án, trước hết phải làm tốt công tác tổng hợp tình hình, điều tra cơ bản, nắm được đối tượng gây án không những ở địa phương mình mà còn ở địa phương khác. Đặc biệt, công tác khám nghiệm hiện trường cần phải tiến hành tỉ mỉ, chính xác, làm tốt công tác điều tra ban đầu, mở rộng các hướng điều tra... Làm tốt công tác nhận định về đối tượng gây án, tổng hợp tính chất vụ án. Muốn được như thế, tất cả các TS, ĐTV phải nhiệt tình, hết mình vì công việc. Phải tạo được mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng CA với nhân dân, bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động của mình làm cho người dân tin tưởng, sẵn sàng cung cấp những thông tin cần thiết, kịp thời khi có vụ việc xảy ra... Suy cho cùng, sức mạnh của lực lượng CA không chỉ là chuyên môn nghiệp vụ, mà phải biết dựa và dân, hết lòng phục vụ nhân dân, Tổ quốc”.   

Chúng tôi kết thúc loạt bài “Lần theo dấu vết tội phạm” đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND 20-7 như một món quà thể hiện sự cảm phục sâu sắc, lời chúc mừng đối với lực lượng CSND nói chung, lực lượng CSND CATP Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng về những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các anh vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Ghi chép: Hồng Thanh