Lần theo những giai thoại

Thứ năm, 01/01/2015 16:39

(Cadn.com.vn) - Vùng đất phía tây của H. Đại Lộc (Quảng Nam) đầy ắp những giai thoại kể về cha ông thời đi mở đất, trong đó có nhiều giai thoại kể về cuộc hành trình gian khó của vị Chúa cuối cùng ở Đàng Trong là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và con trai, công tử Nguyễn Phúc Ánh, những ngày “nằm gai nếm mật” trốn chạy quân Tây Sơn để mưu đồ nghiệp bá cho vương triều của mình.

Chiếu chỉ của vua Thành Thái triều Nguyễn niên hiệu thứ 11 (1899), cho phép lấy một phần đất đai của huyện Diên Khánh và phủ Điện Bàn để thành lập huyện mới Đại Lộc- có nghĩa là “lộc lớn”- phải chăng để ghi ơn con người, đất đai nơi đây đã từng cưu mang, bảo vệ vị Chúa cuối cùng của Đàng Trong?

TỪ TÊN ĐẤT...

Sát chân núi phía Bắc từ nhánh rẽ Trường Sơn trải xuống đồng bằng có  cánh đồng tên là Cửa Trại, có người còn gọi là “Đồng Canh Quan Trại”. Sát nách đồng Cửa Trại còn có Hóc Tộc, Hóc Lầy, Miếu Ông Lương; rồi Hóc Tướng, Gò Tôn Vương,...

Từ những câu chuyện truyền miệng trong dân gian vùng Đại Lãnh, Đại Sơn; và qua nhiều di chỉ còn sót lại, có thể hiểu ra rằng, mỗi tên đất, tên đồng ấy đều có một truyền thuyết nói về cội nguồn, xuất xứ và là một câu chuyện dài khá lý thú.

Bao đời nay, người dân ở các làng Hà Dục, Tịnh Đông, Đại An, Hà Tân... của xã Đại Lãnh, trong ngôn ngữ ứng xử thường có câu nói cửa miệng “Tây Sơn hy hữu” (hy hữu như quân Tây Sơn) mỗi khi gặp một điều gì đó làm người ta kinh ngạc. Theo lời kể lại của các bậc cao niên, rằng ngày xưa vùng đất này từng là nơi được quân Tây Sơn do nữ tướng Bùi Thị Xuân chỉ huy đồn trú rất lâu.

Quân Tây Sơn đã lấy của cải, ruộng đất của nhà giàu chia cho dân nghèo, được nhân dân tin yêu, kính trọng. Câu nói “Tây Sơn hy hữu” với hàm ý rằng không ai có thể làm được một điều đáng quý, đáng kinh ngạc như Tây Sơn, và trải qua bao đời nay, mãi cho đến bây giờ, hễ gặp một việc gì ngoài sự tưởng tượng, thì họ lại buộc miệng “đúng là Tây Sơn hy hữu!”.

Trong kho tàng văn nghệ dân gian vùng tây Đại Lộc có câu hát ru:

Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mượn ba chú lính đưa cô về nguồn

Cô về cô chẳng về không

Ngựa ô đi trước ngựa hồng đi sau

Mâm trầu lại có mâm cau

Có con nhỏ nhỏ đi sau quạt hầu...

Câu hát miêu tả đám rước dâu của một ông quan đô đốc thời Tây Sơn. Điều đó chứng tỏ rằng, quân Tây Sơn trong lịch sử đã từng đồn trú, chinh chiến nơi này.

Người ta kể lại rằng, vào tháng Giêng năm Ất Mùi (triều Lê Cảnh Hưng thứ 30), Đàng Trong bị chúa Trịnh chiếm mất  Phú Xuân, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng con trai Nguyễn Phúc Ánh phải chạy và Quảng Nam bằng đường bộ thì gặp cánh quân của Tây Sơn do nữ đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy đóng tại Đồng Canh Quan Trại truy sát. Tàn quân chúa Nguyễn men theo triền núi phía Bắc của một con sông nhỏ (sau này là sông Con) lên đến núi Dương Thành có Gò Tôn Vương, Hóc Tướng.

Tại nơi đây, ông phong cho con trai Nguyễn Phúc Ánh làm Đông cung thế tử. Tên Gò Tôn Vương, Hóc Tướng phù hợp với truyền thuyết này. Người dân vùng Trúc Hà đã lưu truyền từ đời này sang đời khác rằng, cứ đêm về thường nghe tiếng ngựa hí, quân reo, người già thường không cho trẻ nhỏ đi chăn trâu hoặc nô đùa nơi đây vì rất linh thiêng.

Khi quân chúa Nguyễn bị truy đuổi gắt gao, từ Hóc Tướng vượt qua sông thì gặp một cánh đồng (thuộc làng Trúc Hà bây giờ), có 5 người phụ nữ đang cấy lúa trên ruộng. Quân Chúa Nguyễn hỏi đường thì được họ chỉ đi theo hướng tây để thoát nạn. Đoàn quân Tây Sơn từ Đồng Canh Quan Trại vượt qua Hóc Lầy, nơi có những vũng sình sâu đến lút đầu người. Do không để ý, một vị đô đốc họ Lương bị sa ngựa và tuẫn mạng tại đây (sau này người dân lập miếu thờ, gọi là Miếu Ông Lương, đến nay còn di tích).

Nói về quân Tây Sơn khi chạy tới hỏi đường những người đàn bà thì họ lại chỉ sang hướng khác. Truy tìm quân chúa Nguyễn không có kết quả, biết đã bị đánh lừa, quân Tây Sơn quay lại giết chết 5 người đàn bà trước khi tiếp tục cuộc truy đuổi. Sau này khi thống nhất giang sơn, nhớ ơn kẻ đã cứu mạng mình, vua Gia Long sắc phong cho 5 bà là Ngũ hành Tiên nương; cho xây một ngôi miếu có kiểu kiến trúc như Ngọ Môn quan ở kinh đô Huế và cho dân làng hàng năm vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch tổ chức cúng tế long trọng.

Quả Nam trân (Lòn Bon). 

...ĐẾN “CON ĐƯỜNG GIA LONG”...

Làng Hội Khách đến Đồng Chàm, Mũi Lợn, Đầu Gò... thuộc xã Đại Sơn nằm dựa lưng vào một nhánh núi đổ dài qua ngã Đại Lãnh nối với những địa danh trong câu chuyện Chúa Nguyễn lánh nạn. Trên đỉnh của ngọn núi còn có một con đường mòn mà chẳng biết tự khi nào, dân địa phương gọi là “đường Gia Long”. Dọc theo ngã sông Vu Gia lên thượng nguồn ta gặp các tên gọi: Bãi Trạnh, bãi Quả, Cửa Vườn, thác Ông, thác Bà... và câu chuyện kể về cuộc lánh nạn của chúa Nguyễn lại tiếp tục...

Người ta kể rằng: Sau khi được 5 người đàn bà chỉ đường, tàn quân của chúa Nguyễn men dọc theo cánh đồng chạy về phía tây, họ gặp một dãy núi chắn ngang. Thời gian quá nguy cấp, chúa Nguyễn lệnh cho thuộc hạ vượt núi lên đỉnh. Nhờ ngọn núi không cao lắm nên chỉ một thời gian ngắn, đám tàn quân của ông đã lên tới đỉnh đồi và theo đường dốc đổ qua ngõ sông Cái, vừa đến một bãi cát ven sông thật rộng thì trời tối mịt nên buộc phải dừng lại dựng trại trú qua đêm.

Đêm ấy, trong giấc chiêm bao, Nguyễn Phúc Ánh nằm mơ thấy vị thần núi hiện ra và bảo rằng: “Ngươi có chân mệnh Thiên tử. Cứ theo đường núi về phía tây sẽ thoát nạn. Thần linh sẽ trợ giúp ngươi!”. Sáng ra, lúc quân Tây Sơn gióng trống chiêng thúc đuổi phía sau, Chúa Nguyễn cho thuộc hạ tìm thuyền qua sông thì chẳng có. Chặt nứa kết bè thì không kịp. Đứng bên mép sông, Chúa Nguyễn ngửa mặt lên trời than rằng: “Chẳng lẽ mệnh đế vương của dòng họ ta đã đến lúc cáo chung rồi sao?”. Đang lúc sắp rơi vào tay quân Tây Sơn thì trời nổi cơn gió lớn, hàng chục con trạnh (một loại sinh vật họ rùa sống ở các dòng sông đầu nguồn) lớn như những chiếc nong phơi lúa nổi lên làm thuyền đưa mọi người qua sông vừa lúc quân Tây Sơn ập tới. Qua đến bên này sông, Chúa Nguyễn cho quân tiếp tục tiến về phía tây như điềm báo mộng.

Sau này, người dân địa phương đặt tên nơi Chúa Nguyễn trú qua đêm là “bãi Quả Nhân” tức là “bãi vua”. Lâu ngày người ta nói gọn lại là Bãi Quả. Còn bên kia sông là Bãi Trạnh, đến nay địa danh vẫn còn. Tiếp tục cuộc hành trình của Chúa Nguyễn, khi vượt đường rừng áng chừng nửa ngày đường thì bị lạc vào một vùng núi rậm rạp toàn những cây cao, thân có trái chín từng chùm màu vàng óng, hương thơm lan tỏa khắp rừng. Chúa Nguyễn lệnh cho thuộc hạ hái xuống, ông lấy móng tay bấm thử thấy vỏ mềm, cơm trắng; nếm thử mùi vị ngọt lịm.

Biết là trái quý, nên cho quân hái ăn qua cơn đói dài ngày, lấy lại sức lực trước khi tiếp tục cuộc hành trình may rủi. Sau này, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh ban cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ là Nam Trân (trái quý ở phương Nam), được khắc hình vào một trong “Cửu Đỉnh” ở kinh đô Huế. Cũng từ truyền thuyết này, người ta còn cho rằng trên trái lòn bon còn in dấu móng tay của Nguyễn Phúc Ánh bấm vào lúc trái còn trên thân cây.

Trở lại chuyện “bôn tẩu” của Chúa Nguyễn, sau khi được thỏa cơn đói từ vườn trái lòn bon, Định vương Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Ánh hướng về phía tây để thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ thù. Đến một ngã ba sông, họ rẽ theo nhánh bên phải có tên là sông Bung và gặp nhiều thác lớn. Tên “thác Ông”, “thác Bà” mà người dân địa phương thường gọi cho đến bây giờ vẫn còn lưu truyền rằng, gọi thác Bà vì nơi đây có một bà phi của Chúa Nguyễn bị chết đuối khi vượt thác; còn thác Ông là nơi Chúa Nguyễn trượt chân, được thuộc hạ cứu, nhưng cây gậy trúc của ông còn cắm bên bờ thác, sau này mọc lên thành một bụi trúc rất to đến nay vẫn còn.

VÀ CÂU CHUYỆN CỦA HÔM NAY...

Truyền thuyết, giai thoại có thể có thật, có thể là sự hư cấu trong dân gian để làm cho đời sống tinh thần của con người thêm phong phú. Tuy vậy, theo thiển ý của người viết, câu chuyện trên đây cùng với những địa danh, di chỉ có thực trên vùng đất phía tây Đại Lộc xoay quanh những sự kiện cốt lõi có thật trong lịch sử cũng là điều đáng quan tâm!

Ngoài việc sưu tầm, xác minh, nghiên cứu bổ sung những giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau; việc đầu tư phát triển sự nghiệp du lịch thông qua một chuỗi dài truyền thuyết bằng những câu chuyện hấp dẫn ly kỳ của vùng đất - con người và lịch sử hình thành của nó sẽ đem lại hiệu quả thiết thực về phát triển kinh tế, lành mạnh về văn hóa, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, quê hương trong thời đại mới.

Nguyễn Hải Triều