Lan tỏa hào khí Lam Sơn

Thứ năm, 05/10/2023 07:48
Mang ý nghĩa hết sức đặc biệt với người dân xứ Thanh, Lễ hội Lam Kinh năm 2023 gắn liền với 3 sự kiện quan trọng gồm: Lễ kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Lễ hội nhằm tri ân, tôn vinh công lao sự nghiệp của người anh hùng dân tộc Lê Lợi cũng như các tướng sĩ, các tầng lớp nhân dân đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và phục hưng dân tộc.
Nghi môn, Ngọ môn (cửa phía Nam) của điện Lam Kinh.
Hình ảnh về lễ hội Lam Kinh diễn ra hàng năm tại Thanh Hóa (ảnh minh họa).

Đến với Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) những ngày trung tuần tháng 8 âm lịch, du khách sẽ được đắm chìm vào không gian cổ kính, tôn nghiêm của hàng chục công trình kiến trúc - nghệ thuật, vừa đậm nét cung đình vừa mang nét dân gian. Được khởi dựng từ những thập kỷ đầu thế kỷ XV, song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời hậu Lê - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên nhà hậu Lê, là nơi an nghỉ của các vua và hoàng hậu.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được dành nhiều nguồn lực đầu tư để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều hạng mục công trình tại nơi đây đã được phục dựng như các tòa Thái miếu, Nghinh môn, Chính điện, hệ thống các lăng mộ, nhà bia, đường tham quan, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đền thờ vua Lê Thái Tổ... cùng hệ thống cảnh quan tạo ra sự hài hòa trong một không gian kiến trúc gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Trải qua gần 600 năm tồn tại, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa. Sau thời gian khó khăn do COVID-19, từ khi du lịch mở cửa trở lại, du khách đến với Lam Kinh ngày càng đông. Chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2023, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã đón trên 208.000 lượt khách đến dâng hương, tham quan, vãn cảnh.

Là con cháu dòng họ Lê, năm nào gia đình ông Lê Văn Quỳnh (chi Lê tộc tỉnh Hưng Yên) cũng cùng gia đình về Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh vào dịp chính hội để được thành kính dâng nén tâm nhang lên tiên tổ. Ông Lê Văn Quỳnh cho biết: "Nhân ngày giỗ tổ của dòng họ Lê Việt Nam, cả gia đình chúng tôi lại tề tựu về đây để con cháu, anh em được đoàn tụ, cùng nhau tri ân các bậc tiền nhân, từ đó thêm phần tự hào về truyền thống của dòng tộc mình". Chị Nguyễn Minh Phương (du khách đến từ Nghệ An) cho biết: "Tôi đã nhiều lần đến với Lam Kinh, nhưng mỗi lần đến đều thấy nơi này còn quá nhiều điều mình chưa khám phá hết. Tôi tin rằng với những giá trị đặc biệt của Di tích cùng với sự quan tâm giữ gìn, phát huy của chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh sẽ luôn là điểm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và của quốc gia".

Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Lam Kinh năm 2023 cũng đang đi vào giai đoạn nước rút. Tại sân điện Lam Kinh, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội vào sáng 6-10 (tức 22-8 âm lịch tới đây), các đơn vị thi công đang khẩn trương lắp đặt ma-két, trang trí pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền, dựng sân khấu… Công tác sơ duyệt, tổng duyệt chương trình nghệ thuật và các phần việc liên quan đang được tỉnh Thanh Hóa hoàn tất những công đoạn cuối cùng.

Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Lam Kinh 2023 sẽ tái hiện và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hào khí Lam Sơn, xuyên suốt chiều dài lịch sử đến công cuộc đổi mới hiện nay. Trong đó điểm nhấn của Lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật mang chủ đề "Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ" được dàn dựng công phu với sân khấu thực cảnh có sự kết hợp giữa cảnh dựng trước hiện trường với hình ảnh từ màn hình LED và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại... Chương trình quy tụ số lượng lớn các nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Câu lạc bộ Trò diễn Xuân Phả (H.Thọ Xuân)...

Trong khuôn khổ lễ hội, cùng với các hoạt động chính diễn ra tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh sẽ có các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú khác như: Trò chơi, trò diễn, múa dân gian; biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc; trưng bày, thuyết minh, giới thiệu về giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long (thời Hậu Lê); tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa...

Nghi môn, Ngọ môn (cửa phía Nam) của điện Lam Kinh.

Bà Bùi Ánh Tuyết - Phó Trưởng ban quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia Lam Kinh cho biết: "Để chuẩn bị cho ngày hội lớn, chúng tôi đang khẩn trương tu bổ, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, công tác trưng bày cũng như phối hợp với các ban ngành liên quan đảm bảo các điều kiện cần thiết về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường, điện lưới, mạng Internet... để tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi về với Lam Kinh".

Gần 6 thế kỷ trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, Lam Kinh, biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn giữ nguyên giá trị. Nhằm tôn vinh, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật hào hùng ấy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang tập trung hướng tới một Lễ hội Lam Kinh năm 2023 thành công, để Lễ hội Lam Kinh không chỉ là lễ hội của riêng Thanh Hóa mà còn trở thành lễ hội mang tầm quốc gia.

Duy Hưng - Hoa Mai