Lan tỏa như tuyên truyền lưu động

Thứ sáu, 28/10/2022 18:29
Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh Quảng Nam năm 2022 đã để lại nhiều dấu ấn hấp dẫn ghi nhận sự sáng tạo, đổi mới trong công tác tổ chức của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam cũng như sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các Đội tuyên truyền lưu động đến từ các địa phương cùng lực lượng tuyên truyền viên trong toàn tỉnh...
Các tiết mục của những địa phương miền núi mang đến sắc màu riêng.
Xe tuyên truyền cổ động tham gia diễu hành.

Tham gia Liên hoan năm nay là các tuyên truyền viên Đội tuyên truyền lưu động của 13/18 huyện, thị xã, thành phố gồm: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Tây Giang, Quế Sơn, Nam Trà My, Phước Sơn, Phú Ninh, Tiên Phước, Nông Sơn, Tam Kỳ và Núi Thành. Liên hoan thực sự là ngày hội lớn của những người làm công tác tuyên truyền thông tin từ tỉnh đến cơ sở, hội tụ các sắc màu văn hóa phong phú từ miền núi đến đồng bằng xứ Quảng. Tại Liên hoan, nội dung thi xe tuyên truyền cổ động diễn ra sôi nổi, đặc sắc, 13 xe tuyên truyền cổ động được các địa phương thiết kế công phu, trang trí rực rỡ sắc màu với những tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa mang tính mỹ thuật cao.

Với phần triển lãm ảnh, mỗi đơn vị chọn 8 tác phẩm ảnh để giới thiệu những tiềm năng, thành tựu tiêu biểu về văn hóa - kinh tế - xã hội - du lịch của địa phương. Phần chủ đạo của Liên hoan là trình diễn trên sân khấu, bên cạnh các tiết mục văn nghệ (hát- múa) thì có các tiểu phẩm với nội dung tập trung vào các chủ đề: Tuyên truyền về luật phòng, chống bạo lực gia đình; Tác hại của rượu bia và nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông; Luật An ninh mạng và những tác động 2 chiều của Internet cũng như các mạng xã hội khác đối với tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh…

Từ huyện miền núi Tây Giang, những sắc màu đại ngàn được tô đậm hơn qua các tiết mục văn nghệ: Nỗi đau đại ngàn (đơn ca), Khát vọng vùng cao (múa), Lời của rừng thiêng (tốp ca) và tiểu phẩm Món quà yêu thương. Chương trình của Đội tuyên truyền lưu động huyện Tây Giang ca ngợi đại ngàn- rừng thiêng- có ý nghĩa gắn bó với con người, và đem đến một thông điệp "Lời của rừng thiêng" về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Cách tổ chức dàn dựng chương trình từ lời hát, giọng ca, các điệu múa, trang phục truyền thống, lối ứng xử nhân văn… đã thực sự cuốn hút người xem và khám phá thêm một vùng đại ngàn Tây Giang với những chủ trương đường lối phù hợp với người dân, từ đó càng có ý nghĩa nâng cao nhận thức của người dân bản địa về mảnh đất mình đang sống và gắn bó hơn từ những việc làm cụ thể.

Thị xã Điện Bàn đem đến cho Liên hoan một thông điệp "nóng" phù hợp với ngày chuyển đổi số quốc gia năm nay (10-10). Với tiểu phẩm "Công dân thời công nghệ", các tuyên truyền viên như Trung Kiên (vai ông Tư), Ngọc Hà (vai bà Tám), Chế Minh (vao ông Nhiều) đã tạo ra nút thắt về sự mập mờ trong cách hiểu và ứng dụng vào công nghệ số hiện nay. Bằng lối diễn xuất linh hoạt và vận dụng các làn điệu dân ca xứ Quảng, các tuyên truyền viên đã đem đến cho người xem một cách giải thích nhuần nhuyễn về hiệu quả của việc chuyển đổi số qua đó làm "mềm hóa" những chủ trương và dễ dàng đi vào đời sống của người dân. Huyện Núi Thành với tiểu phẩm "Chung tay bảo vệ môi trường Du lịch xanh", giới thiệu tiềm năng và các điểm đến du lịch của địa phương, đồng thời gắn với các nhân vật về thông điệp chung bảo vệ môi trường du lịch xanh. Huyện Thăng Bình lại có cách tuyên truyền lưu động mang sắc thái hấp dẫn cao về một đề tài rất "nóng" trong thực tế đời sống hiện nay như cái tiên của tiểu phẩm dự thi "Hãy nói không với tín dụng đen".

Các tiết mục của những địa phương miền núi mang đến sắc màu riêng.

Với việc phân chia làm hai tuyến nhân vật: chính diện và phản diện, tiểu phẩm đã chỉ ra những ngón làm ăn phi pháp của tín dụng đen và hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến từng gia đình và trật tự xã hội. Bên cạnh những nội dung các nhân vật thể hiện, Đội Thông tin tuyên truyền huyện Thăng Bình còn sử dụng các bảng chữ, thông số ngắn gọn, dễ hiểu bằng sự sáng tạo trực quan trong cách sắp xếp, bài trí sinh động minh họa gây ấn tượng với người xem. Anh Ngô Văn Anh (trong vai Tư Tò Tò - người cho vay nặng lãi) bộc bạch: "Tiểu phẩm gióng lên hồi chuông báo động về những hệ lụy xấu tất yếu xảy ra cho người dân nhận thức sâu sắc về một vấn nạn "tín dụng đen" đang đe dọa đến đời sống người dân, giúp họ tỉnh táo nhận ra và không dùng phương thức tín dụng đen trong cuộc sống"…

Mỗi địa phương đem đến một "sắc màu" cho Liên hoan nên chương trình dự thi phong phú. Nhiều tiểu phẩm để lại ấn tượng với người xem như Nó sẽ đến (Nông Sơn), Nhỏ mà không nhỏ (Quế Sơn), Chuyện xóm giềng (Đại Lộc), Bảo vệ môi trường phát triển vùng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), Mồ chôn hạnh phúc (Duy Xuyên)… Ông Nguyễn Công Trung- Nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng ban giám khảo liên hoan nhận xét: Các đơn vị dự thi đã chú trọng khai thác hiệu quả các hình thức nghệ thuật ca múa nhạc lồng ghép với nghệ thuật tuyên truyền sân khấu để tạo tính hấp dẫn, phong phú và hài hòa dễ đi vào lòng người với phương châm cung cấp thông tin dễ hiểu, dễ tiếp nhận và dễ nhớ. Nhiều tuyên truyền viên thể hiện tốt vai trò nhập vai khắc họa tính cách nhân vật phản ánh để hỗ trợ tốt cho nội dung tuyên truyền.

Bà Nguyễn Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam, Trưởng ban tổ chức Liên hoan cho biết: Đây thực sự là ngày hội lớn của các Đội tuyên truyền lưu động trên toàn tỉnh, khẳng định ý nghĩa thiết thực trong việc tạo ra sân chơi bổ ích để các tuyên truyền viên học hỏi, cọ xát, trau dồi kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng tuyên truyền. Đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của các đội Tuyên truyền lưu động nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tế xã hội góp phần tuyên truyền kịp thời, hiệu quả và thiết thực nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân ở cơ sở. Từ Liên hoan này đã lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa cho cuộc sống của người dân…

QUYÊN QUYÊN