Lan tỏa tình yêu với sách
Mặc cho đổi thay của cuộc sống, những không gian nhỏ đâu đó vẫn đang âm thầm lan tỏa tình yêu sách đến với cộng đồng. Ở những góc đơn sơ ấy không chỉ tồn tại mối quan hệ giữa độc giả và tác giả mà xa hơn nữa còn là câu chuyện văn hóa, nơi sách không chỉ mang sứ mệnh chuyên chở tri thức mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng. Trong hình hài của một vùng đất mở, văn hóa đọc sách của người dân TP Hội An cũng rất đặc biệt. Và những nhà sách đầy ắp ngoại văn ấy đã gói ghém biết bao câu chuyện văn hóa, đi ở của vùng đất đô hội này.
Ông Nguyễn Đình Cừ bên tủ sách đầy ắp sách ngoại văn của mình. |
Đổi sách lấy sách
Có lẽ không một nhà sách nào trên cả nước có một số lượng sách với các thể loại phong phú như những tiệm sách ở Hội An. Và ở Hội An, ngoài những tiệm sách giáo khoa đơn thuần cho học sinh cũng vắng bóng dáng những nhà sách truyền thống. Ngược lại, những tiệm sách không tên trong ngõ hẻm quanh co giản dị lại chứa đựng số lượng sách ngoại văn khá nhiều nhờ dịch vụ đổi sách (Book Exchange). Ra đời nhờ sự "thích nghi" với thị trường đó là đọc nhanh, biết nhiều, dịch vụ đổi sách ở Hội An rất hữu ích cho du khách nước ngoài bởi họ có thể đổi những cuốn sách cũ, đã đọc để lấy những cuốn sách khác, vừa mở mang kiến thức mà lại đỡ tốn kém. Dịch vụ đổi sách cứ xoay vòng như vậy thì họ không cần bỏ tiền ra để mua sách mới và lượng khách Âu Mỹ là những khách hàng trung thành với dịch vụ này nhất. Nhờ thế mà các chủ hiệu đổi sách có được nhiều cuốn sách ngoại văn nguyên tác với giá rất rẻ mà không dễ gì tìm mua được trên thị trường.
Ông Nguyễn Đình Cừ (trú 43- Phan Bội Châu, TP Hội An) cho biết ông đã kinh doanh dịch vụ đổi sách được hơn 10 năm. "Tủ sách nhà tôi bây giờ giống như một thư viện, mỗi lượt khách đến và đi đều để lại những cuốn sách mà họ trân trọng và mang đi những kiến thức mới. Khách tây họ không thích những cuốn sách mới xuất bản mà thích đọc những loại sách về văn hóa, sách kinh điển đã được kiểm chứng qua thời gian. Những cuốn sách đã qua sử dụng đối với họ lại càng có giá trị", ông Cừ chia sẻ. Hơn 5.000 đầu sách ông đang có tại tiệm cũng là hàng ngàn câu chuyện khác nhau về chủ nhân của nó. Mỗi cuốn sách đều có giá trị riêng bởi nó đã vượt đại dương từ khắp địa cầu hội tụ tại đây. "Tôi vui vì nhờ có dịch vụ đổi sách này mà mình kết nối được nhiều người có nhu cầu đọc sách lại với nhau. Riết rồi chỗ của tôi không phải là tiệm sách nữa mà thành điểm dừng chân, điểm tham quan của những người yêu sách. Ở đây họ không chỉ có những trải nghiệm theo từng cuốn sách mà còn là một trải nghiệm chung về văn hóa", ông Cừ chia sẻ. Thú vị nhất đối với ông Cừ là khi có những khách hàng vô tình tìm thấy những quyển sách họ lùng sục nhiều năm liền mà không có, có khi còn là nguyên tác. Từ những trải nghiệm thú vị ấy mà dịch vụ đổi sách trở nên "hot" tại Hội An và trở thành "chất" riêng của những nhà sách này. Thú vị nhất ở tiệm sách ngoại văn này là cuốn Truyện Kiều được ông Cừ đặt giữa nhà, nơi chỉ cần bước chân qua cửa, du khách đã nhìn thấy. Ông Cừ chia sẻ Truyện Kiều có lẽ là cuốn sách tiếng Việt duy nhất có ở tiệm ông. Dù có trong tay rất nhiều sách kinh điển ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức nhưng chỉ riêng Truyện Kiều mới tạo cho ông cảm giác yêu thích việc đọc thực sự. "Tôi đọc Truyện Kiều mỗi ngày. Dù đã già tôi vẫn thấy cuộc sống còn nhiều điều thú vị cần suy tư. Khách hàng tới đây nhìn thấy Truyện Kiều họ cũng tò mò về văn học Việt, khi ấy tôi sẽ giới thiệu cho họ biết đất nước chúng ta dù không có nhiều tác phẩm đồ sộ nhưng vẫn có thể lay động bao thế hệ độc giả", ông Cừ khẳng định.
Chị Khiếu Thị Hoài (giữa) tại buổi tìm hiểu nét đẹp áo dài truyền thống kết hợp trưng bày sách của Không gian đọc Hội An tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. |
Một không gian mở
Hội An vốn là bến cảng từ hàng trăm năm trước vì vậy tinh thần giao lưu văn hóa đã trở thành máu thịt của vùng đất này. Chính sự trầm mặc đan xen với náo nhiệt, cổ điển và hiện đại hòa quyện với nhau đã biến Hội An tuy nhỏ bé nhưng trở thành một không gian mở cho tất cả mọi người bất kể quốc gia hay vùng lãnh thổ. Và trong không gian văn hóa đó, có một Không gian đọc Hội An ra đời để làm sứ mệnh mang văn hóa từ những trang sách trở thành những câu chuyện thực tế. Tháng 12 này là tròn 5 năm kể từ ngày Không gian đọc Hội An ra mắt. Nghĩ tới Không gian đọc, có thể người ta sẽ nghĩ đến một không gian yên tĩnh hoặc một thư viện mini. Thế nhưng Không gian đọc đã làm được hơn thế. Chị Khiếu Thị Hoài - Chủ nhiệm Không gian đọc Hội An cùng các cộng sự của mình đã biến mỗi buổi giao lưu về sách trở thành một câu chuyện hấp dẫn. Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một địa điểm để độc giả lui tới mà Không gian đọc Hội An đã vượt ra ngoài giới hạn của một không gian dành cho sách. Bằng tình yêu với sách, kinh nghiệm của mình với việc đọc sách, chị Khiếu Thị Hoài và CLB Không gian đọc Hội An đã có nhiều buổi giao lưu kết hợp quảng bá văn hóa với việc đọc sách. Đơn cử như buổi trò chuyện chủ đề áo dài với tình yêu văn học hay gặp gỡ với bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc để trò chuyện về chủ đề hạnh phúc trong đời sống hiện đại... Cứ thế, bằng cách riêng của mình, Không gian đọc đã mang đến cho mọi người, đặc biệt là trẻ em sự trải nghiệm mới về việc đọc sách. Từ đó, những trang sách không còn khô khan, giáo điều mà trở thành niềm thích thú đầy lôi cuốn.
Nếu như đọc sách được xem là một điểm nhìn của văn hóa thì tôi cho rằng văn hóa đọc sách của Hội An là văn hóa di động. Nó không ngừng biến đổi để thích nghi với thị trường và còn thích nghi với chính những đổi thay theo năm tháng của vùng đất ấy, bởi văn hóa Hội An là văn hóa của sự bồi đắp. Mỗi một góc nhỏ ở Hội An đều có thể ghi dấu một câu chuyện bất kỳ về kiến trúc, lịch sử, văn hóa. Mỗi một con hẻm ở Hội An đều có thể gợi biết bao sự liên tưởng. Và những góc nhỏ như Không gian đọc, Book Exchange dù "sinh sau đẻ muộn" so với những nét văn hóa trăm năm tuổi nơi đây nhưng chắc chắn rằng trong tương lai, những góc nhỏ ấy sẽ hòa mình vào câu chuyện Hội An, trở thành một phần trong bức tranh "Hội An nhân tình thuần hậu" mà thành phố này đang hướng tới.
Hà Dung