Lan tỏa văn hóa áo dài Huế trên nghị trường Quốc hội
Các địa phương tặng quà cho các đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp là chuyện bình thường và phổ biến. Nhưng việc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định tặng đến 170 đại biểu nữ 170 bộ áo dài Huế, mỗi bộ trị giá 3 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa là món quà ý nghĩa, gửi gắm qua đó nhiều thông điệp.
Trước hết, quà áo dài là những “tình cảm Huế”, đặc trưng Huế. Ngoài ý nghĩa vật chất đơn thuần còn là những giá trị tinh thần mang yếu tố truyền thống sâu lắng, không thể đong đếm hết của một vùng đất.
Món quà, còn là sự gửi gắm mong ước về sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tà áo dài Huế, áo dài Việt Nam trên nghị trường Quốc hội trong bối cảnh Huế đang hoàn tất các phần việc để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Và đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” đã và đang có những bước đi xa và vững chãi sau khi được phê duyệt hồi tháng 3 năm nay.
Điều này thể hiện ở việc các hoạt động quảng bá mang lại hiệu quả. Có rất nhiều bài viết, thông tin được các báo chí chính thống và mạng xã hội đưa tin, tạo nên hiệu ứng cao và thiết thực, thương hiệu Huế - áo dài ngày càng trở nên nổi tiếng. Và bây giờ nói đến Huế là người ta bắt đầu đã nghĩ ngay đến áo dài, xứ sở của áo dài...
Các hoạt động liên quan đến áo dài do UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và các sở, ngành khác tổ chức đều có hiệu ứng cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người, nhất là cộng đồng nhân dân. Tiêu biểu là: Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2023 thu hút không chỉ cộng đồng địa phương mà còn có nhiều hội, nhóm từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định... vào cùng tham dự. Lễ trao chứng nhận Học sinh danh dự toàn trường (386 em) năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức thì gần 100% đại biểu và học sinh tham dự đều mặc áo dài...
Đề án cũng đã tạo ảnh hưởng đối với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên khi nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, cuộc thi đại sứ văn hóa đọc... các em đã lựa chọn đề tài về áo dài, mặc áo dài (cả nam và nữ) tham gia với tình yêu, sự tâm huyết rất cao
Đặc biệt, theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” bước đầu đã mang lại hiệu quả thực tế cho ngành du lịch, dịch vụ. "Hiện nay, khoảng 75-80% du khách người Việt đến Huế đều hỏi may, thuê, mượn áo dài để check-in tại các điểm di tích, danh thắng. Khách nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... cũng thuê, mượn áo dài để check-in. Điều này vừa đem lại lợi nhuận thiết thực cho cộng đồng nhân dân địa phương, cho ngành du lịch, vừa có sức quảng bá mạnh mẽ, nhất là qua mạng xã hội”, ông Hải cho biết.
Và thương hiệu áo dài Huế có ảnh hưởng quốc tế ngày càng tốt hơn. Qua việc hồi tháng 8 năm nay, Hiệp hội xúc tiến di sản Hàn Quốc đã đề nghị Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế ký kết hợp tác giữa áo dài và hanbok (Hàn phục) để cùng hỗ trợ nhau phát triển thương hiệu và tầm ảnh hưởng.
Trở lại với chuyện món quà áo dài. TS. Phan Thanh Hải hy vọng: “Từ các nữ đại biểu, vẻ đẹp áo dài Huế chắc chắn sẽ lan tỏa ra toàn Quốc hội. Và đến một lúc thích hợp, Thừa Thiên Huế sẽ tặng áo dài cho tất cả các đại biểu nam”.
Tặng áo dài cho nam đại biểu Quốc hội, ngoài yếu tố lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa yếu tố văn hóa truyền thống từ Huế, còn hướng đến việc bình đẳng trong trang phục.
“Áo dài Huế là loại áo ngũ thân, được chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế cho cư dân Đàng Trong từ năm 1744, thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã quy định đây là loại trang phục dành cho mọi tầng lớp nhân dân trong toàn quốc. Trong khoảng hơn 100 năm, nó đã thực sự là quốc phục của người Việt Nam. Vậy nên đại biểu mặc áo dài ngũ thân trong các buổi lễ trang trọng của Quốc hội cũng là một cách để thực hiện sự bình đẳng giới trong trang phục”, TS. Phan Thanh Hải nói.
Theo TTH