"Làng chài tỷ phú" giữa vòng vây nợ nần

Thứ năm, 12/09/2019 10:58

Xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) vốn được biết đến là làng chài tiền tỷ, bởi câu chuyện tàu cá mỗi năm thu về vài tỷ đồng nhiều vô kể, trở thành niềm khao khát của ngư dân khắp các tỉnh miền Trung... Thế  nhưng, cả xã Nghĩa An giờ đây chìm trong nợ nần, nhiều người phải bỏ làng đi các nơi làm ăn...

Làng chài Nghĩa An.

Vốn là chủ tàu, thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng từ việc đi biển, nhưng giờ đây, công việc hàng ngày của anh Dương Minh Tiến là phụ vợ bán bánh bèo, trứng vịt lộn kiếm ăn từng bữa để tranh thủ trông coi tàu. Tuy nhiên, con tàu sau nhiều tháng nằm bờ, gỗ nứt, nước ngập khoang máy, chìm, anh cũng chỉ đủ sức trả tiền công cho bà con hỗ trợ trục vớt, còn không tính đến chuyện sửa chữa. "Đồ thì để vậy thôi, còn cái máy thì mình mua nhớt cũ đổ vô, chứ bây giờ làm gì có tiền để mua", anh Tiến, chia sẻ.

Tình cảnh trên không chỉ đến với riêng anh Tiến. Xưởng sản xuất lưới của Nghĩa An vốn nhộn nhịp đã đóng cửa im lìm từ thời điểm ra Tết. Hầu hết tàu thuyền của xã đã nằm bờ nhiều tháng. Có những tàu đã không hoạt động hơn 1 năm trời. Nhiều ngôi nhà đóng cửa, chủ nhân bỏ đi, mang theo con  cái. Theo ông Đỗ Hồng Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã khởi kiện 18 trường hợp vay quá hạn không trả, tổng số tiền 45 tỷ đồng. Với tình hình hiện nay của ngư dân Nghĩa An, con số chắc chắn sẽ phải nhiều hơn thế. "Riêng Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi làm việc với địa phương dư nợ là 350 tỷ đồng. Nợ xấu là 20%, nợ gần xấu là 30%. Tình hình này bà con không có khả năng trả vốn và lãi cho ngân hàng được. Theo thống kê dự kiến của địa phương, trên địa bàn xã nợ các ngân hàng trên dưới 1 ngàn tỷ đồng", ông Minh thông tin.

1 ngàn tỷ đồng, con số nợ của ngư dân ở một xã miền biển khiến bất cứ ai cũng giật mình. Vậy, tại sao lại có con số nợ khủng khiếp đó, và lối thoát nào cho ngư dân xã Nghĩa An?

Bao đời nay, người dân xã Nghĩa An sống nhờ biển, trong đó chiếm 70 đến 80 phần trăm tàu thuyền đánh bắt bằng nghề giã cào. Đây là phương thức khai thác tận diệt nguồn thủy hải sản. Tàu đi tới đâu thì hầu như không còn con gì ở đó có thể thoát khỏi. 3- 4 năm đổ về trước, công việc làm ăn hết sức thuận lợi. "Ví dụ như 3 tỷ, mình được 1, 8 tỷ, chi chung ra một năm mình kiếm được 1 vài tỷ, dư ra mình lại đóng lớn lên. Nói chung là những năm trước làm được", anh Tiến giải thích.

Làm ăn được, anh Tiến cũng như hầu hết ngư dân ở xã Nghĩa An vay thêm tiền để nâng cấp tàu, đóng tàu mới công suất lớn. Cả xã từ 600 chiếc tàu năm 2015, đến nay đã hơn 1.000 chiếc. Trị giá của mỗi cặp tàu từ 7 đến 10 tỷ đồng, bình quân vay 3 đến 4 tỷ đồng... Việc trả nợ không có gì phải suy nghĩ nếu công  việc đánh bắt vẫn thuận lợi như những năm trước đây. Thế nhưng, thời kỳ hoàng kim đó không kéo dài. "Năm trước, đầu năm 2018, bắt đầu ngành biển đánh bắt suy sụp, rồi nó suy sụp luôn", trong tâm trạng buồn chán, anh Tiến nói.

Cảnh ngư dân thất nghiệp vì tàu thuyền không ra khơi. 

Mặt khác, trong cuộc đua nâng cấp tàu, ngư dân xã Nghĩa An chuyển đổi từ dùng máy Nhật sang máy Trung Quốc bởi công suất lớn, đánh bắt được nhiều hơn. Nhưng máy Trung Quốc tiêu tốn rất nhiều nguyên liệu, chỉ cần sản lượng kém là đã dễ đổ bể. "Máy Nhật mình đi 1 ngày chỉ khoảng 800 lít thôi, nhưng máy Trung Quốc là từ 1.000 đến 1.500 lít, có tàu 2.000 lít, tiêu tốn rất nhiều", bà Võ Thị Kim Cúc, cũng là người dân xã Nghĩa An cho biết. Còn anh Trần Văn Hùng, cùng xã Nghĩa An thì khẳng định: "Nguồn tài nguyên bị cạn kiệi, máy lớn tiêu tốn nguyên liệu, dầu mỡ, thu không đủ chi".

Và cái khó chưa dừng lại ở đó. Thời kỳ làm ăn được thì ăn chia theo chuyến, giờ khó khăn, bạn thuyền đòi trả lương theo ngày. Tối thiểu 500 ngàn đồng một ngày, chưa kể việc vay mượn trước hàng chục triệu đồng mỗi người. Bà Cúc cho biết thêm: "Trả tiền lương là mình lỗ chắc rồi. Mỗi chuyến đi 300-400 triệu đồng, đi 10 ngày, trả cho 10 người dưới tàu là 50 chục triệu đồng. Là lỗ 50 triệu đồng, rồi bồi bổ ghe lưới". Trong tâm trạng tuyệt vọng, anh Hùng buồn rầu tâm sự: "Bây giờ 10 người thì chết hết 7 rồi, còn lại thì cũng cầm cự thôi".

Khó khăn chồng chất khó khăn. Mà suy cho cùng, những khó khăn đó xuất phát trước hết từ việc khai thác tận diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên. Trước tình hình trên, theo ông Võ Quang - Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, TP đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan làm việc với các xã ven biển thống kê toàn bộ tàu thuyền đánh bắt giã cào. "Sau khi có thông tin thành phố sẽ giao cho các phòng làm việc, bàn để có các giải pháp giãn nợ, khoanh nợ, nếu ngân hàng đồng ý. Đồng thời kiến nghị với tỉnh chuyển đổi ngành nghề- tức là chuyển đổi ngành nghề đánh bắt chứ không phải là chuyển đổi ngành nghề khác", ông Quang cho biết thêm.

Nếu vẫn sống bằng nghề biển, không còn cách nào khác, ngư dân Nghĩa An sẽ phải thay đổi ngành nghề, tất nhiên là với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp một cách thấu đáo, quyết liệt... bởi ngư dân cần được khoanh nợ, và cần được hỗ trợ tiền để chuyển đổi. Thế nhưng, cái giá của việc nhận ra để phải thay đổi ấy là quá đắt. Đây cũng sẽ là bài học cho ngư dân ở bất cứ làng chài nào: cần phải khai thác ngư trường cũng như phát triển tàu thuyền một cách bền vững.

TRUNG THÀNH