Làng “Chan Chu” ngày ấy - bây giờ

Thứ tư, 09/03/2016 10:50

(Cadn.com.vn) - Cơn bão Chanchu năm 2006 đã cướp đi biết bao sinh mạng của những người đàn ông vùng ven biển H. Thăng Bình (Quảng Nam). Xã Bình Minh là một trong những địa phương của huyện phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão. Thiệt hại về nhà cửa, phương tiện sinh kế là rất lớn, nhưng mất mát lớn nhất của người dân nơi đây là vợ mất chồng, con mất cha, người mẹ già côi cút…làng chài ngày ấy khi nhắc đến ai cũng phải ngậm ngùi nước mắt.

Men theo con đường Thanh Niên ven biển, chúng tôi tìm đến thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh. Nơi đây được biết đến với tên gọi “xóm Chanchu” hay làng “góa chồng” bởi nhiều người đàn ông là trụ cột của gia đình đã không bao giờ trở lại đất liền sau cơn bão lịch sử. Sau một lúc hỏi đường, chúng tôi tìm đến gia đình của chị Vương Thị Khương, ở tổ 2 thôn Bình Tịnh. Trong căn nhà cấp 4 chật chội, đập vào mắt chúng tôi là một dãy giấy khen của các con chị đạt được trong những năm học gần đây. 3 đứa con chị đều học giỏi. Hỏi ra mới biết, chị Khương đang điều trị bệnh tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, hiện các con chị đang được bà nội chăm sóc. Mặc dù, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng điều mà chúng tôi cảm nhận được là sự ân cần, chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ và một sự hy vọng vào tương lai của các cháu trên khuôn mặt đầy vết chân chim của người bà. “Từ hồi ba tụi nhỏ mất, mẹ con cũng nương tựa nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn để nuôi cháu, mong sao cho các cháu được học hành đến nơi, đến chốn”, bà bộc bạch.

Chi hội phụ nữ thôn Bình Tịnh sinh hoạt ngày 8-3.

Đã gần 10 năm khi cơn bão Chanchu đi qua, vùng đất Bình Minh bây giờ một phần nào đó đã thay đổi, những mất mát, đau thương ít nhiều cũng đã nguôi ngoai theo năm tháng. Với đặc thù là vùng ngang ven biển, là một xã thuần ngư, kinh tế phụ thuộc vào những người đàn ông là chính. Khi không còn người chồng, người cha là trụ cột nữa, những người phụ nữ đơn thân ngày ấy đã nghị lực vượt lên số phận, chịu đựng mọi khó khăn để chăm lo cho con cái có được một tương lai tươi sáng hơn. Chị Hoàng Thị Nguyệt, ở tổ 2 thôn Bình Tịnh là một trong những người như thế. Chồng mất để lại 6 đứa con thơ, khi chị mang thai đứa con út mới chỉ 6 tháng tuổi. Chị Nguyệt bồi hồi kể lại: “Lúc nhận được tin báo là không tìm được tàu của chồng sau trận bão nữa, lúc đó tôi rất hụt hẫng, nhiều lúc muốn từ bỏ tất cả, nhưng nhìn lại 6 đứa con thơ đang ở tuổi ăn tuổi lớn là nước mắt tôi lại cứ rơi”.

Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, những năm gần đây chị mở một sạp bán rau quả tại chợ thôn Bình Tịnh. Với chị, những ngày tết kể từ khi vắng bóng người chồng cũng trở nên ảm đạm, đến tận ngày 30 tết, khi mà người người, nhà nhà đang tất bật mua sắm cho cái tết thì chị phải chờ tới 8,9 giờ tối để bán hết mớ rau còn lại. Thu nhập từ việc bán rau cũng một phần nào đó giúp chị trang trải cho cuộc sống, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện tại, hai con đầu của chị đều đã tốt nghiệp Đại học, cao đẳng và đã có việc làm ổn định. Chị Nguyệt chia sẻ: “Nhận thấy sự khó khăn, vất vả của những chị em phụ nữ đơn thân, trong những năm qua, các cấp chính quyền, đoàn thể, chi hội phụ nữ địa phương đã thực hiện nhiều chương trình, tổ chức thăm hỏi, động viên các phụ nữ đơn thân trên địa bàn xã. Tổ chức tập huấn kiến thức, sáng kiến nhiều mô hình thiết thực như: nuôi heo đất, mô hình hũ gạo tình thương, để giúp chị em có điều kiện vay vốn, trang trải cho cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”-bà Trương Thị Lâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh cho biết.

Song song với việc chăm lo cho đời sống vật chất, giúp chị em phụ nữ đơn thân trên địa bàn xã phát triển kinh tế. Trong những năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ nhằm tạo cho chị em phụ nữ có một sân chơi lành mạnh, vui vẻ hơn sau những ngày lao động vất vả.

Tạm biệt vùng đất Bình Minh, trên con đường nhỏ đầy dãy hoa xương rồng trên những cồn cát trải dài, chúng tôi ra về trong sự hy vọng. Đã gần 10 năm qua đi từ cơn bão định mệnh, cuộc sống người dân nơi đây sẽ thay đổi từ chính thế hệ trẻ, thế hệ con cái của những người phụ nữ đơn thân như chị Nguyệt, chị Khương. Và lại càng thêm khâm phục nghị lực vươn lên số phận của những người phụ nữ như họ, số phận họ có lẽ cũng giống như loài hoa kia, hoa xương rồng mọc trên cát.

Thành Châu - Văn Toàn