Lắng đọng từng giọt phù sa
Xuất bản tập thơ đầu tay "Tạ lỗi cùng quê" cách đây 6 năm, với những câu thơ mộc mạc, giản dị của một tâm hồn xa quê: "ta về tạ lỗi cùng quê/ hôn vạt cỏ dại bờ đê cuối làng/ tạ ơn sông núi mây ngàn/ cho ta uống giọt thi đàn trăm năm", tác giả Trần Phước Ninh vừa ra mắt độc giả tác phẩm mới "trăng nở đầy tay" (NXB Hội nhà văn quý IV, 2017).
|
Giữa dòng đời xuôi ngược với biết bao bộn bề, âu lo, thật đáng quý khi được cầm một thi phẩm đẹp, thuần khiết, đong đầy nghĩa tình. Nhất là vần thơ viết về quê hương, dẫu được chưng cất ngàn đời nay, nhưng khi được cất lên tự sâu thẳm tâm hồn biết vị tha, rung cảm thì tự thân lấp lánh nỗi niềm khó tả, rưng rưng xúc động. Bao nhiêu lần ngược xuôi dòng Thu trầm tích, đi qua mùa cạn cũng như mùa lũ, đều ẩn chứng trong nó những mảnh đời, những mảng màu, những tiếng nấc nghẹn ngào, khắc khoải. "Vườn Đào ngày ấy vẫn còn xanh/ Đợi anh về hái mộng lành câu thơ/ Sông quê bồi lở đôi bờ/ Người đi biền biệt giấu mơ vào lòng/ Quê hương mình đất Xuyên Đông/ Cây đa đồng ruộng với dòng sông Thu/ Thuở ấu thơ mẹ hát ru/ Bãi Trà Dung tiếng chim cu lẻ bầy", câu thơ thấm đẫm dòng Thu ngọt lành cây trái, tắm mát cõi lòng người con xa xứ, neo cõi lòng về với cội nguồn. Từ mảnh đất của tình quê, tình người, tình đất, tiếng thơ ấy lặng lẽ cất lên và hòa dòng sông tình yêu, dạt dào sóng vỗ. Dẫu biết đôi khi dòng sông ấy nhiều khi chẳng hiền hòa bao dung như lòng mẹ, nhưng đã ôm trọn tấm lòng, neo giữ hồn thi sĩ tắm gội lớp áo phong sương nhuốm màu thời gian. Đọc lại những vần thơ được viết trong chiều ba mươi Tết trên đất Sài thành hoa lệ mà rơm rớm nước mắt, khi hình bóng mẹ già còm cõi chờ mong, còn đứa con bơ vơ mưu sinh, lòng chợt bâng khuâng trong tiếng pháo giao thừa:
Tết năm này con không kịp về đâu
Thương đôi mắt mẹ già mòn mỏi đợi
Giữa phố xá đông người con chới với
Đành nhủ lòng phải kiếm sống mẹ ơi
(Chiều ba mươi)
Chất ca dao thấm trong huyết quản được anh phác họa qua con mắt lãng tử, đa tình và chân thật. Người quê mình "ăn cục nói hòn" mà nên vần nên điệu, lắng đọng hồn thơ trong từng giọt phù sa. Tôi chợt nhớ đến cái "dòng sông thi sĩ" ngày ấy thân thương làm sao, cái nơi được nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên ngày đêm phiêu du theo ngọn gió, nâng niu chén men tình mà say sưa lãng du theo kiểu "giang hồ vặt". Trần Phước Ninh, anh cũng giang hồ bụi bặm lắm chứ, cũng yêu người con gái "mắt em xanh thẳm buổi này" đắm đuối lắm chứ, và anh lặng lẽ thêu dệt bến sông Thu huyễn hoặc đầy mộng, đầy trăng: "Đất nằm dưới những bàn chân/ Lá vàng thu rũ ái ân tình nồng/ Thuyền về trăng đậu đầy sông/ Ai khua bến nước giữa dòng vỡ tan". Lục bát, hồn vía của dân tộc nhập thân vào đất nước, để biết bao cảnh đời biết "vịn câu thơ" mà đứng dậy. Thời phổ thông đang đi học bình thường cùng bạn bè đồng trang lứa thì cơn bạo bệnh ập đến, từ đó anh đi đứng khó khăn, nói năng cũng không tròn vành rõ chữ, nhưng cuộc đời không lấy mất hoàn toàn của ai cái gì. Cuộc đời đã nhắn nhủ anh biết yêu mình và biết thương mọi người, dẫu trần ai chưa tìm được người chung chăn gối nhưng tình thơ lại ăm ắp dâng đầy. Đọc đi đọc lại bài thơ "Thương lắm Quảng Nam" mà giọt lệ lặng lẽ rớt giữa trang thơ, quay quắt nỗi nhớ quê nhà:
Quảng Nam ơi
Tịch tình tang
Thương sao điệu lý hò khoan quê mình
Thương từng ngọn cỏ điêu linh
Thương sao Đất Quảng dáng hình gian
(Thương lắm Quảng Nam)
Tôi còn thương, thương nhiều lắm, thương dòng Thu bên lở bên bồi, thương con nước lũ những ngày mưa trắng trời, thương chén rượu Hồng Đào đắm say môi mềm, thương lời ru của mẹ những ngày tháng êm đềm... Và thương từng giọt phù sa nuôi dưỡng cây lúa trên đồng, thương lời ru của mẹ văng vẳng mỗi khi đêm về. Thương anh chàng Phước Ninh ngày ngày "uống giọt thi đàn trăm năm" để hồn thơ bay cao giữa đời.
PHAN NAM