Làng gốm Thanh Hà - nét xưa lưu giữ

Thứ ba, 15/05/2018 10:34

Ký ức tuổi thơ

Hồi nhỏ còn học tiểu học ở Hội An, một lần vào dịp nghỉ hè, chúng tôi được nhà trường tổ chức đi tham quan làng gốm Thanh Hà cách trung tâm phố Hội không xa. Băng qua những con đường đất khúc khuỷu, cạnh dòng sông Thu Bồn, chúng tôi vào nhà của các gia đình lâu đời sản xuất đồ gốm. Điều thú vị nhất, đó là lần đầu tiên, chúng tôi được nhìn thấy tận mắt cách thức chế tác từ bàn tay của những người thợ để làm nên những vật dụng quen thuộc với đời sống hàng ngày như: lu, hủ, nồi, niêu, chén bát,  bùng binh (heo đất)... và các loại đồ chơi nho nhỏ dành cho trẻ con.  Ngoài những lò gạch lớn rải rác cách xa nhau thì hầu như mỗi gia đình nơi đây đều có những lò gốm nhỏ nằm trong sân vườn. Các sản phẩm thường nằm chất đống ngổn ngang chờ phân loại cho khách hàng đến mua, phân phối cho các chợ Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng và các địa phương khác... Một điều thú vị khác, là bọn học trò nhỏ chúng tôi được thoải mái nghịch vọc, mày mò làm nên những sản phẩm theo ý mình dưới sự hướng dẫn của những người thợ quê.

Đó có lẽ cũng là kỷ niệm duy nhất khó quên về bài học lao động, tình yêu thiên nhiên của tôi từ làng quê thanh bình này trong thuở ấu thơ.

Một nghệ nhân cao tuổi làng gốm Thanh Hà.

Làng gốm bây giờ 

Thế rồi, suốt một thời gian dài sau ngày đất nước hòa bình, hoạt động làng gốm Thanh Hà gần như bị quên lãng vì sản xuất ít ỏi, hàng gốm không cạnh tranh kịp với các hàng dân dụng công nghiệp. Mãi đến khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999), chính quyền thị xã mới bắt đầu triển khai chú trọng đầu tư, khôi phục làng nghề và đưa làng gốm Thanh Hà vào danh mục tour du lịch. Ngoài ra, hằng năm, cứ đến ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch, người dân làng gốm lại trang trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ nghề tại khu miếu Nam Diêu tri ân công đức tổ tiên đã gầy dựng, truyền nghề cho con cháu, với nhiều nghi thức độc đáo được bảo tồn hàng trăm năm qua, thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước tham gia. Mới đây, trong dịp theo đoàn công tác báo chí TP Hồ Chí Minh về thăm làng gốm Thanh Hà, thực tế sinh động nơi đây cho thấy còn bất ngờ hơn những gì tôi từng biết qua thông tin báo chí.

Theo sự hướng dẫn của người địa phương, chúng tôi đổ xe ở chợ Cá Thanh Hà. Lúc này, trời đã xế chiều, nhưng vẫn còn đông đúc các đoàn khách du lịch đứng chờ xe trung chuyển để vào làng gốm cách đó chừng 1 km. Việc đưa xe trung chuyển này mới áp dụng từ tháng 3-2018. Giá vé tham quan cũng vừa điều chỉnh là 35.000 đồng/khách từ ngày 1-5-2018.  Cùng với việc thay đổi giá, làng Gốm Thanh Hà chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có, cải thiện cảnh quan du lịch và tiếp tục bổ sung các loại hình mới để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Cụ thể, khi mua vé tham quan Làng Gốm Thanh Hà, du khách sẽ được đảm bảo các quyền lợi sau: Xem các nghệ nhân trình nghề chuốt gốm; Tham gia trải nghiệm "Thử tài là nghệ nhân chuốt gốm"; Nhận quà lưu niệm là 1 con thổi bằng đất nung;  Được trung chuyển bằng xe điện miễn phí từ bãi đỗ xe vào trong làng (2 chiều)...

Dù ngày nay, làng gốm Thanh Hà đã khang trang hơn rất nhiều so với ký ức trong tôi thời thơ ấu, nhưng những người thợ gốm vẫn là người dân quê có nụ cười hồn hậu, chân chất ngày xưa. Vẫn với đôi bàn tay khéo léo cùng chiếc bàn xoay đơn giản,  các sản phẩm chủ yếu của làng  vẫn là đồ dùng thân thuộc hàng ngày. Khác hơn là kiểu dáng giờ đây khá  đa dạng và phong phú về màu sắc. Nhất là để đáp ứng cho nhu cầu của khách du lịch, làng cũng đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm lưu niệm bằng gốm rất đẹp mắt như mặt nạ gốm, phù điêu, gạt tàn, tò he...

Bên cạnh việc tham quan, thưởng thức tài hoa trong nghệ thuật chế tác, điều du khách càng thích thú hơn là được các nghệ nhân hướng dẫn để tự tay làm nên các sản phẩm gốm chỉ với đất sét. Đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia,  làng gốm Thanh Hà vẫn sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống, trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá về nghề gốm cổ truyền của Hội An nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Công viên đất nung 

Đặc biệt từ năm 2015, với sự ra đời Công viên Đất nung Thanh Hà (còn gọi là Công viên gốm Thanh Hà hay Bảo tàng gốm Thanh Hà), làng gốm Thanh Hà ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Được khởi công xây dựng từ năm 2011, sau hơn 4 năm xây dựng, Công viên  Đất nung chính thức đi vào hoạt động với diện tích hơn 6.000m2, cấu thành bởi gạch và đất nung, được đánh giá là lớn nhất và "độc" nhất cả nước hiện nay. Đây là nơi gìn giữ những nét đẹp của làng nghề, là giấc mơ chung của những người con Thanh Hà, đồng thời, là ngôi nhà chung của các nghệ sĩ từ khắp nơi hội tụ về thỏa ước mơ với đất và lửa để sáng tạo. Công viên gốm Thanh Hà được kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế, không gian cấu trúc gồm 9 khu riêng biệt: khu lò gốm, khu Bảo tàng làng nghề, khu sản phẩm làng, khu chợ đất nung, khu thế giới thu nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh - Chăm, khu các làng nghề truyền thống, và khu triển lãm. Hai tòa nhà chính trong Công viên Đất nung Thanh Hà biểu trưng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà. Nhà bên trái biểu trưng cho "lò úp" dùng để trưng bày lịch sử, các hiện vật cổ của làng gốm Thanh Hà với ý nghĩa bảo tồn và giữ gìn truyền thống. Nhà bên phải biểu trưng cho "lò ngửa" - nơi trưng bày và triển lãm các sản phẩm gốm Thanh Hà và của một số làng nghề khác như Bát Tràng, Phù Lãng, Vĩnh Long... Giữa công viên là một hồ nước bao quanh khoảnh sân tròn - biểu trưng cho chiếc bàn chuốt. Một cây cầu gỗ bắc ngang thể hiện cho việc người xưa đã lợi dụng sức nước, kết củi thành mảng và chuyển về làng nung gốm. Điểm nhấn của Công viên Đất nung Thanh Hà là khu thế giới thu nhỏ và Bảo tàng làng nghề gốm. Nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của nhân loại được tái hiện một cách rõ nét và sinh động nơi đây như: tháp nghiêng Pisa (Italia), đền Taj Mahal (Ấn Độ), nhà hát Sydney (Australia)... Không chỉ là công viên đất nung nơi đây còn là Bảo tàng nghề gốm của Việt Nam với hàng nghìn sản phẩm gốm, hiện vật gốm, tranh ảnh,... liên quan đến lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc gốm của người Việt. Công viên Đất nung Thanh Hà được đề cử trong top 10 công trình kiến trúc ấn tượng nhất của Việt Nam năm 2016.

TRẦN TRUNG SÁNG