Lắng nghe để thấu hiểu!

Thứ bảy, 29/11/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Tại cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu TP Đà Nẵng với những người làm công tác văn hóa nghệ thuật (VHNT) TP đầu tuần qua, mới nghe qua hàng loạt kiến nghị với lãnh đạo TP về vấn đề tăng mức kinh phí đầu tư để hoạt động, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Làm VHNT sao không nói về định hướng phát triển VHNT của TP trong thời gian tới, lại đề cập toàn về vấn đề đầu tư kinh phí? Nhưng khi lắng nghe bằng cả tấm lòng, mới thấy những tâm tư, nguyện vọng mà giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng trình bày lãnh đạo TP thật trăn trở biết nhường nào!

Thật ra, ngoại trừ mức đề nghị đầu tư kinh phí 500 triệu đồng thành lập Quỹ "Hỗ trợ sáng tác VHNT", duy trì giải thưởng VHNT TP 5 năm mới tổ chức một lần với kinh phí từ 1,76 tỷ lên 2 tỷ đồng, thì các kiến nghị về đầu tư kinh phí phát sinh hay nâng kinh phí đầu tư cho VHNT hoạt động hàng năm tăng chưa đến 400 triệu đồng so với tổng kinh phí đầu tư hàng năm trước đây (trong đó có gần 100 triệu đồng là kinh phí xin đầu tư do mới phát sinh). Đây là một con số thật khiêm nhường so với một thành phố đô thị loại 1 có tốc độ phát triển như Đà Nẵng thời gian qua. Nói như Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, mới nghe qua thì thấy có vẻ... nhiều nhưng tính ra, tổng mức chi phí xin được tăng thêm và phát sinh thêm chưa đến 400 triệu đồng thì không có gì là "ghê gớm cả".

Sự hỗ trợ này thật ra cũng chỉ là sự hỗ trợ nhỏ mang tính  tượng trưng, có ý nghĩa động viên, khích lệ về mặt tinh thần để những người làm công tác VHNT tiếp thêm nguồn cảm hứng, tiếp tục sáng tạo, công hiến. Vì sao, đề nghị "không có gì ghê gớm" nhưng  từ nhiều năm nay, việc chi ngân sách đầu tư cho lĩnh vực được xem là nền tảng của sự phát triển bền vững của xã hội lại ít như vậy? Thực tế, không phải TP không hiểu nỗi lòng, không biết văn nghệ sĩ TP khó khăn, chật vật như thế nào khi xin kinh phí để hoạt động, tuy nhiên, vì chỗ nào, đơn vị nào cũng cần tiền, cũng xin kinh phí hỗ trợ, đầu tư, trong khi đó, ngân sách TP thì có hạn nên phải cân đối để hỗ trợ, cấp kinh phí cho hợp lý. Phải chăng, vì hiểu rõ vấn đề này nên khi đưa ra những kiến nghị này với lãnh đạo TP, những người làm công tác VHNT TP đã cân nhắc, không dám "xin" quá nhiều?

Một đại biểu cho rằng cuộc gặp gỡ lần này có thể được xem là "Hội nghị Diên Hồng" của ngành VHNT, là "cuộc gặp mặt lịch sử" bởi đã quá lâu rồi mới được người đứng đầu TP ghé thăm, lắng nghe tâm tư... Không trăn trở sao được khi mở đầu của hàng loạt kiến nghị về kinh phí là 3 kiến nghị liên quan đến việc đề nghị lãnh đạo TP quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của VHNT TP (như mời lãnh đạo TP phải dự gặp mặt định kỳ với giới văn nghệ sĩ, trong đó nhấn mạnh đến việc lãnh đạo TP gặp mặt chúc mừng khi văn nghệ sĩ TP được vinh dự phong tặng các giải thưởng, danh hiệu cao quý nghề nghiệp, dự các hoạt động quảng bá tác phẩm; đề xuất nếu các cá nhân nào được nhận giải thưởng quốc tế về VHNT không kèm tiền thưởng thì phải được thưởng từ ngân sách TP bằng mức thưởng cho HSG đạt trong các kỳ thi quốc tế của ngành GD-ĐT...). Những yêu cầu xem ra không có gì quá đáng, to tát ấy, lại là những điều đau đáu bấy lâu nay của những người làm VHNT... Dù  không trực tiếp làm ra cơm áo gạo tiền như lĩnh vực kinh tế, nhưng văn hóa nói chung, lĩnh vực VHNT nói riêng là lĩnh vực bao trùm trên mọi vấn đề, là chiều sâu, phông, nền tảng tạo đà cho KT-XH phát triển.

"Có thực mới vực được đạo". Dù khát khao cống hiến đến bao nhiêu, nhưng nếu không có kinh phí thì mọi dự định to tát cũng đành gác lại. Tuy nhiên, người viết rất đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến khi cho rằng, TP sẽ không tiếc tiền để đầu tư, hỗ trợ những tác phẩm có giá trị chất lượng tốt, đích thực, nhưng đổi lại, những người làm VHNT Đà Nẵng cũng phải không ngừng tự đổi mới, sáng tạo, năng động, để VHNT TP ngày càng khởi sắc, ngang tầm với hai đầu đất nước. Thiết nghĩ, đó là một đòi hỏi chính đáng.

P.Thủy