Lắng nghe doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư

Thứ năm, 26/07/2018 08:09

Với mong muốn cải tạo môi trường đầu tư, nâng cao Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngày 25-7, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã gặp gỡ để lắng nghe các góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi gặp mặt DN.

Phải xóa bỏ chi phí "bôi trơn"

Phần lớn doanh nghiệp (DN) đều đề cập tới 3 chỉ số tụt hạng nghiêm trọng của Đà Nẵng trong Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh  năm 2017 (PCI 2017) là Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình nói: Chi phí không chính thức nói thẳng ra là thước đo tham nhũng của chính quyền trong giải quyết công việc với DN. Nó thường bắt nguồn từ việc công chức gây khó dễ, nhũng nhiễu nhằm gợi ý hoặc DN tự đưa để được việc của mình. Để xóa bỏ việc này, ông Bình cho biết, trước hết những qui định phải không có kẽ hở, phải được minh bạch, thủ tục phải thật đơn giản. TP cần ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)  vào việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để giảm thời gian, chi phí, hạn chế thấp nhất việc người dân gặp trực tiếp cán bộ giải quyết công việc. Cần công bố cam kết của cán bộ không vòi vĩnh, đòi phong bì, nhất là cán bộ ở các vị trí nhạy cảm, đồng thời có cơ chế kiểm tra, xử lý thật nghiêm vi phạm, làm sao để muốn tham nhũng cũng không được. Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị TP không phân biệt đối xử trong thu hút các nhà đầu tư, cần xây dựng 1 cửa trong việc tiếp nhận nhà đầu tư, không để nhà đầu tư chạy lòng vòng, được hay không phải trả lời rõ ràng.

Trong khi đó, ông Takizawa - Chủ tịch Hiệp hội các DN Nhật Bản tại Đà Nẵng nói, sự mất cân bằng giữa ngành công nghiệp và các ngành dịch vụ tiêu biểu như CNTT và du lịch ngày càng trở nên rõ rệt với Đà Nẵng. Bởi trên phương diện duy trì nguồn nhân lực, các nhà quản lý và nhân lực giỏi chủ yếu tập trung ở các ngành phát triển. TP vẫn còn tiềm năng phát triển hơn nữa về nguồn nhân lực bằng cách mở rộng các chính sách đào tạo nhân tài, đầu tư hoàn thiện môi trường sinh hoạt cho người lao động để có thể thu hút được nguồn lao động đầy đủ cả về chất lẫn lượng. Cũng theo ông Takizawa, trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, Chính phủ coi trọng cho các dự án lớn về CNTT, song chính các DN nhỏ mới là bệ đỡ cho DN lớn. Vì thế Đà Nẵng cần quan tâm đầu tư môi trường để DN nhỏ có thể đầu tư dễ dàng.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng Phan Hải nêu, hiện nay việc tiếp cận thông tin, giải quyết TTHC quá lâu, TP cần lập tổ chuyên sâu về vấn đề này, nếu cần Hiệp hội DN sẽ tham gia giám sát. DN sẽ giám sát các sở ngành thực hiện giải quyết thủ tục cho DN bằng công cụ riêng nhằm tạo áp lực cần thiết cho các sở ngành. Ngoài ra, ông Hải cũng cho biết, để thu hút đầu tư, Đà Nẵng cần thực hiện mô hình Sáng– xanh - sạch. Đà Nẵng phải là trung tâm sáng tạo, hiện TP vẫn chưa có một trung tâm thương mại điện tử để cung ứng cho DN nhỏ và vừa. Phải quyết tâm xây dựng TP môi trường. Cuối cùng, phải là nơi đầu tư sạch đúng nghĩa, phải minh bạch từ quy hoạch, chi phí, tiếp cận đất đai... Nếu thực hiện được những việc đó, Đà Nẵng sẽ thu hút đầu tư rất tốt. “Đà Nẵng không còn quỹ đất rộng để tạo ưu thế thu hút, nhưng Đà Nẵng còn con người”- ông Hải nói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói, các chi phí không chính thức, thủ tục rườm rà ở khâu nào, đơn vị nào cần chỉ thẳng thắn, TP sẽ giải quyết ngay. “Ví dụ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định 19 đến 20 ngày, anh muốn lấy nhanh để kịp giao dịch được giá ngoài thị trường nên chạy đến gặp cán bộ đưa 5-10 triệu đồng để làm nhanh. Cái này là phổ biến, xử lý thế nào? DN cần nói thẳng ở địa chỉ nào, sở ban ngành nào, khu vực nào có hiện tượng đó. Tương tự, cấp giấy phép kinh doanh chỗ nào chậm trễ, nhũng nhiễu, phải chỉ cụ thể, mạnh mẽ mới đấu tranh được. Không đi vào cụ thể nhóm nào, khu vực nào, mà cứ nói xã giao chung chung rất khó”, ông Thơ nói.

Chủ tịch Hiệp hội các DN Nhật Bản tại Đà Nẵng nêu những kiến nghị.

Nói thẳng và làm mạnh

Ông Lê Minh Phúc - Giám đốc Vinacapital cho biết, TP cần thực hiện rút ngắn thời gian cấp phép dự án, nếu để thời gian triển khai dự án lâu DN phải chịu chi phí quản lý cao, giảm thiểu khả năng cạnh tranh, đánh mất cơ hội đầu tư. Khi làm các dự án, nhà đầu tư đều thuê tư vấn, nhưng tư vấn không hiểu hết quy định, thủ tục, để hiểu cần nhiều thời gian. Vì thế cần đào tạo các tư vấn chuyên ngành chuyên nghiệp ở các lĩnh vực như cấp phép đất đai, xây dựng, đánh giá tác động môi trường, quy hoạch... ngay tại các sở. Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền sòng phẳng trả cho các tư vấn này, miễn là rút ngắn được thời gian triển khai dự án. “Làm sao đánh giá tác động môi trường trên 1 tháng, cấp phép đầu tư hơn 1 tháng, các thủ tục khác tổng cộng khoảng 3 tháng có thể đầu tư dự án là tốt nhất. Hiện nay, với dự án khoảng 1.500 tỷ đồng, chúng tôi phải mất thời gian lo thủ tục tới 9 tháng. Kéo dài như vậy chưa nói mất cơ hội đầu tư mà các chi phí chủ đầu tư phải trả rất tốn kém, riêng thuê mỗi chuyên gia cũng mất vài chục ngàn USD/tháng. Rút ngắn thời gian là rút ngắn chi phí”, ông Phúc nêu quan điểm.

Theo bà Huỳnh Khánh Vân - Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, năm 2017, chỉ số cạnh tranh bình đẳng trong PCI của Đà Nẵng tụt 19 bậc, xếp ở vị trí thứ 37. Để cải thiện tình trạng này, trước hết đất đai phải được giao cho nhà đầu tư thực sự để sản xuất kinh doanh chứ không giao cho DN thân quen đầu tư trục lợi. Phải chấm dứt tình trạng ém thông tin hoặc công khai thông tin không còn giá trị. Cuối cùng, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT để DN tiếp nhận, thực hiện thủ tục kinh doanh, đầu tư dễ dàng. Bà Vân cũng đề xuất TP nghiên cứu thử mô hình trung tâm hành chính công, giải quyết chuyên nghiệp hơn theo nguyên tắc 4 tại chỗ, thay vì chuyển nhiều nơi, tốn nhiều thời gian.

Bà Lê Thị Nam Phương, đại diện Hội nữ doanh nhân TP cho biết, ở trên lãnh đạo TP rất quyết tâm, nhưng ở dưới còn vướng rất nhiều, những cái khó không được cải thiện. Theo bà Phương, việc tiếp cận đất đai ở Đà Nẵng hiện có nhiều rào cản, trước tiên là mặt bằng đất đai đang cao, và bị đẩy lên cao, chi phí đầu tư tiếp cận đất đai cao, giảm cơ hội đầu tư của DN. Hơn nữa, đất đai biến động, rủi ro cho đầu tư. Bà Phương nói, TP không nhất thiết phải giao đất 50-70 năm, chỉ cần giao 10-30 năm, tương đối ổn định trong kinh doanh, nhưng cấp sổ đỏ để DN có thể thế chấp vay vốn đầu tư. “Tôi xin hỏi thẳng, mục đích việc đấu giá đất của TP là cần tiền hay cần tạo ra giá trị để DN sản xuất kinh doanh, đóng góp bền vững vào tăng trưởng? Xin hỏi bao nhiêu lô đất đấu giá thực hiện đúng mục đích như ban đầu? Đà  Nẵng có là TP an toàn đầu tư hay không? Nếu có thì bao giờ thực hiện, có được đưa vào trong năm thu hút đầu tư này hay không?”, bà Phương nêu hàng loạt câu hỏi.   

Trả lời câu hỏi Đà Nẵng có là TP đầu tư an toàn hay không, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói, cái mất an toàn với DN là vấn đề TP đang phải giải quyết. Việc đấu thầu đất nhằm cả 2 mục tiêu thu tiền cho TP, đồng thời đất phải được chọn lựa cho dự án xứng đáng. Dự án đã được đấu thầu phải được đầu tư đúng mục đích. Ví dụ đã đấu thầu làm trường học thì phải là trường học, không ai được vào đó đầu tư khác. TP đang nỗ lực tạo môi trường đầu tư lành mạnh, an toàn cho DN.

Sau khi lắng nghe kiến nghị từ cộng đồng DN, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã nói có 5 nhóm vấn đề TP cần tập trung giải quyết. Trước tiên cần quyết liệt cải cách hành chính, năm 2017 tụt xuống thứ 4, đang chững lại, vì thế UBND TP cần nhìn lại nghiêm túc, có giải pháp mạnh mẽ, đặc biệt lĩnh vực ảnh hưởng tới DN như thuế, tài nguyên, xây dựng. Giải pháp để cải cách hành chính theo ông Nghĩa là đẩy mạnh ứng dụng CNTT thông qua thủ tục công trực tuyến. Kế tiếp, TP cần quan tâm đội ngũ cán bộ tác nghiệp, nhất quán giữa chủ trương của lãnh đạo với người thừa hành. Cần sớm nghiên cứu có cơ chế khơi nguồn sáng tạo, quyết liệt của cán bộ đồng thời có biện pháp xử lý cán bộ trì trệ, nhũng nhiễu.  Bộ máy công quyền phải được đổi mới tinh gọn, hiệu quả, cầu thị, gần dân, sát cánh cùng doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Nghĩa cũng yêu cầu chính quyền TP phải cải thiện tính minh bạch, tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, bình đẳng giữa các DN. TP cũng cần điều chỉnh quy hoạch khoa học, đầu tư theo quy hoạch, không để quy hoạch chạy theo đầu tư, tiềm ẩn lợi ích nhóm. Trong năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, ông Nghĩa nêu quan điểm không đặt nặng mục tiêu thu hút được bao nhiêu dự án mà quan trọng là tạo tiền đề thật tốt, để có thể thu hút đầu tư bền vững trong thời gian tới.

HẢI QUỲNH