Làng nghề giấy dó Phong Phú
(Cadn.com.vn) - Không ai còn nhớ làng nghề giấy dó Phong Phú (xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) có từ bao giờ. Những người già trong làng chỉ nhớ rằng khi mình sinh ra đã được nghe tiếng chày đập niệt, đập dó rầm rập mỗi đêm. Ngày ấy nhà nhà làm giấy, người người làm giấy. Cả làng cứ như là một giàn trống khổng lồ suốt ngày đêm không ngơi tiếng chày nện trên thớt đá để chuẩn bị nguyên liệu cho một mẻ giấy mới.
Phong Phú xưa...
Cách đây khoảng chừng 50 năm, nghề làm giấy dó Phong Phú rất phát triển. Mặc dầu làm giấy dó là cả một quá trình hết sức vất vả, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên là lên rừng tìm chặt cây niệt, cây dó đem về. Riêng công đoạn này đã ngốn ít thì vài ngày, nhiều thì đến nửa tháng. Sau đó niệt sẽ được tuốt bỏ lá chỉ chừa lại phần thân, cành. Tiếp đó người ta cạo đi lớp vỏ lụa bên ngoài, tách lấy phần thịt, vứt phần lõi cứng bên trong. Phần thịt đã chọn sẽ được tước mỏng ra nhồi với nước vôi rồi nấu trong một ngày. Sau khi nấu xong vớt ra ngâm trong nước lạnh một ngày nữa để xả hết nước vôi. Phần vỏ niệt sau khi được làm sạch, ngâm cho mềm sẽ chuyển sang giai đoạn đâm, giã.
Ở đây người ta không dùng chày và cối để giã mà từng nắm nguyên liệu sẽ được đặt trên một tảng đá và dùng chày gỗ để đập thành một thứ bột ướt màu nâu. Thứ bột ấy sẽ được hòa với nước để lọc bỏ bã sau đó người ta cho thuốc tẩy vào để làm trắng nước. Tùy vào ý định sản xuất giấy để làm quạt, quấn hương mà bỏ thuốc tẩy vào. Người ta lấy vỏ cây bìm bìm ngâm lấy nước hòa chung với nước niệt đã được tẩy trắng thành một hợp chất nhờ nhờ, sền sệt. Múc thứ nước ấy tráng lên một cái khuôn vải màn rồi đưa ra phơi nắng, khi khô hợp chất ấy sẽ thành 1 tờ giấy mỏng, màu trắng đục, trong và dai. Đó gọi là giấy dó.
Giấy dó Phong Phú được sử dụng để dán quạt, quấn hương trầm, dán lên mình cá biển... Giấy Phong Phú làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Giấy theo chân những người lái buôn đi khắp nơi từ Cửa Lò, Cửa Hội, Vinh, Nam Đàn, Thanh Chương và ngược lên mãi Quế Phong, Quỳ Hợp... Cả làng làm giấy, cả nhà làm giấy. “Khoảng 3 giờ sáng cả làng đã rộn lên tiếng chày đập đá. Sáng mai khung giấy được phơi chật cả đường không còn lối mà đi. Vườn tược, sân, đường đều được tận dụng làm sân phơi giấy” - anh Phạm Văn Khuy (xóm Phong Phú) nhớ lại thời “hoàng kim” của giấy dó Phong Phú.
Thời ấy giấy Phong Phú làm đến đâu, lái buôn đến mua đến đấy. Chả thế mà tiêu chuẩn chọn con rể của các gia đình trong xóm phải là những chàng trai khỏe mạnh, giã niệt dẻo dai, có thể làm ra thứ bột niệt mịn như giã giò ngày Tết; còn những cô con gái được xem là “có giá” khi biết đổ những khuôn giấy mỏng, đều và có thể gỡ giấy ra khỏi khuôn mà không bị rách... Cứ thế Phong Phú bình yên và no đủ trong tiếng chày giã niệt suốt đêm ngày.
Số nhà còn nhiều khung giấy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mai sau có còn một làng nghề độc đáo?
Tháng 12-2007, làng giấy dó Phong Phú được chính thức công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Trải qua hàng trăm năm trong nghề nhưng cuộc sống của bà con nông dân nơi đây vẫn chẳng khá lên được là bao. Cả làng có 114 hộ thì có đến 20 hộ nghèo, số hộ còn sản xuất giấy dó chỉ còn khoảng 50 hộ. Có nghề trong tay nhưng dân ở đây vẫn nghèo. Số hộ có thu nhập tương đối ổn định từ nghề làm giấy chỉ đếm trên đầu ngón tay như hộ của các ông Nguyễn Văn Sơn, Vương Văn Tâm, Vương Văn Kiên,... “Cha tui ngày xưa cũng là người làm giấy nổi tiếng ở cái đất này. Giấy dó ông làm còn mang ra tận Hà Nội bán.
Nhưng trong số 11 anh em nhà tui chỉ còn 1 người theo được nghề của cha”- anh Khuy con của một gia đình làm giấy dó nổi tiếng cho biết. Không còn ai mặn mà với nghề tổ tiên để lại nên cũng dễ hiểu, bởi Phong Phú chẳng có nổi một người được phong là nghệ nhân. Một khó khăn nữa là các công đoạn khá mất thời gian, công sức, nếu không tìm được phương thức mới trong sản xuất e rằng khoảng mươi năm nữa chẳng còn ai theo nổi nghề này.
Vất vả là thế nhưng thu nhập từ nghề giấy lại không được cao như những nghề khác. Nhà chị Nguyễn Thị Thủy chỉ có hai mẹ con với 30 khung giấy. "Một thùng bột giấy 60 lít chỉ làm được 30 tờ giấy loại 1 mét vuông. Mỗi tờ bán được 1.000 đồng. Hai mẹ con làm 3 ngày mới được 30.000 đồng, trừ chi phí một nửa, tính ra mỗi ngày chỉ được 5.000 đồng. Nghề này làm nhiều thì mới thấy lời. Vì thu nhập từ giấy quá thấp trong khi mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 sào ruộng lúa nên người dân nơi đây đành chọn nghề khác để mưu sinh.
Số người bán bánh mỳ, đồng nát, thợ xây hay đan lát các loại giần, sàng nhiều hơn số người làm giấy. “Chỉ có người già, trung niên và mấy đứa nhỏ tranh thủ những bữa không phải đến trường là còn làm giấy thôi. Lớp trẻ giờ chúng nó đi làm công nhân hay kiếm nghề khác. Chẳng có mấy đứa còn mặn mà với nghề giấy dó của cha ông nữa”- Bí thư Phạm Ngọc Chương buồn rầu nói. Nhà ông vốn có 6 đời làm giấy nhưng đến đời ông sản xuất giấy chỉ còn cầm chừng. Các con ông đã đi làm ăn xa, chẳng có người đi tìm niệt để làm giấy.
Một khó khăn nữa của làng nghề giấy dó Phong Phú đó là nguồn nguyên liệu. Cây niệt dùng để sản xuất giấy phải lên trên rừng để tìm. Các huyện miền núi phía tây Nghệ An như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn... nơi nào cũng có dấu chân người dân Phong Phú đi tìm niệt. Mỗi nơi chỉ khai thác được một lần sau đó phải đợi 7 năm sau mới có thể tái khai thác. “Sao mình không trồng niệt để chủ động nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất giấy?” - tôi hỏi Bí thư Phạm Ngọc Chương. Ông lắc đầu: “Khó lắm, quỹ đất nông nghiệp ở đây quá ít. Mỗi nhà chỉ có vài sào ruộng nếu chuyển sang trồng niệt thì không có đất trồng lúa. Còn về kế hoạch sản xuất, bảo tồn và phát triển làng nghề xã cũng đã trình ý kiến lên cấp trên rồi nhưng đến nay cũng chưa có câu trả lời”.
Làng nghề giấy dó Phong Phú đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Làm thế nào để duy trì, phát triển làng nghề. Làm thế nào để người dân có thể thoát nghèo từ chính nghề cha ông để lại. Câu hỏi ấy vẫn chưa có lời đáp.
Kế Hùng – Hoàng Lam