Làng nghề nước mắm Tam Thanh - hướng đi mới
Hiện nay, giữa muôn vị "chủng loại" nước mắm có mặt trên thị trường, thì hương vị đậm đà của nước mắm Tam Thanh thật khó lẫn vào đâu được. Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề nước mắm truyền thống ở xã Tam Thanh (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đến nay vẫn giữ được thương hiệu nước mắm thơm ngon nổi tiếng, hương vị truyền thống đặc trưng...
Cá cơm đã được bà con mua tập trung đưa về làm mắm. |
Làng nghề nước mắm Tam Thanh hiện có hơn 40 hộ chế biến nước mắm, trong đó có 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất nước mắm với 16 thành viên. Hình thức sản xuất, chế biến theo quy trình thủ công truyền thống, không sử dụng bất cứ chất bảo quản hay chất phụ gia nào. Nguyên liệu để tạo nên nước mắm là cá cơm. Cá cơm sau khi thu mua tại biển Tam Thanh về được đưa vào vại muối với phương thức thủ công truyền thống. Trong năm 2019, sản phẩm nước mắm Tam Thanh của HTX nước nắm Tam Thanh tham gia sản phẩm "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và được tỉnh đánh giá sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, sản lượng nước mắm tiêu thụ trong năm 2019 đạt gần 240.000 lít. Ngay từ đầu năm 2020, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, lượng nước mắm đưa ra thị trường tiêu thụ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước, trung bình mỗi hộ chế biến từ 700 đến 800 lít, một số hộ có thương hiệu được nhiều khách hàng đặt mua thì lượng tiêu thụ lên tới 2.000 lít.
Nước mắm Tam Thanh đang được thị trường ưa chuộng do chất lượng nước mắm thơm ngon, không sử dụng hóa chất và chất bảo quản trong quá trình sản xuất. Thương hiệu nước mắm đang được các hộ sản xuất chú trọng đầu tư quảng bá, khu chế biến được tách thành khu riêng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhãn hiệu nước mắm Tam Thanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp phép CNDK số 197923, cấp theo Quyết định số 73619/QĐ-SHTT ngày 26-12-2012 và UBND tỉnh Quảng Nam công nhận danh hiệu làng nghề theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 11-1-2018. Làng nghề nước mắm Tam Thanh đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay xã Tam Thanh đã chọn sản phẩm nước mắm để triển khai OCOP với quyết tâm mở ra hướng đi mới nhằm lưu giữ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống này trong thời gian tới...
Một cơ sở sản xuất nước mắm tại xã Tam Thanh. |
Chị Trần Thị Ngọc Lan - chủ cơ sở nước mắm Ngọc Lan chia sẻ: "Để tạo ra nước mắm ngon đầu tiên phải chọn cá tươi, đều, vừa, không to quá cũng không nhỏ quá, sau đó phải chọn muối. Muối chọn hạt vừa, trắng, sạch thì nước mắm mới ngon rồi trộn đều với muối sau đó ủ vào chum, thời gian ủ từ 10 đến 12 tháng sẽ chuyển qua màu cánh gián thì khi ấy những mẻ nước mắm đầu tiên sẽ được mang ra chắt lọc và đưa vào chai thủy tinh loại chai từ 350ml đến 500ml, rồi cho vào máy đóng nắp và đưa vào đi tiêu thụ trên thị trường". Chị Lan cho biết thêm, hiện nay mỗi ngày cơ sở Ngọc Lan của chị sản xuất khoảng 200 lít nước mắm, với các loại nước mắm, tính trung bình giá bán 65.000 đồng/500ml. Ngoài sản phẩm nước mắm truyền thống, cơ sở Ngọc Lan cũng như nhiều hộ khác tại Tam Thanh còn có các sản phẩm khác như: mắm ruốc, mắm ngắn ngày, cá - mực khô các loại.
Ông Lê Ngọc Ty - Phó chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết "Làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh đã dần phát triển thương hiệu ra thị trường, nhờ vậy nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định và giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, nhiều hộ làm mắm Tam Thanh đã nắm bắt ý tưởng mới về kinh doanh, đổi mới mẫu mã, sản xuất nhiều chủng loại. Trong thời gian tới, các hộ sản xuất nước mắm trên địa bàn xã Tam Thanh phải quan tâm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm, cải tiến bao bì, mẫu mã, làm tốt công tác quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận và có chỗ đứng trên thị trường. Địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở nước mắm quảng bá hình ảnh mỗi khi có các sự kiện Hội chợ xuân, Hội chợ sản phẩm nông nghiệp, các hội thảo có liên quan... Đây cũng là một trong những kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm rất có hiệu quả đối với làng nghề nước mắm Tam Thanh.
THẢO NGUYÊN