Lãng phí chính sách trợ cấp sinh viên dân tộc thiểu số
(Cadn.com.vn) - Hàng trăm sinh viên (SV) người dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh TT- Huế được trợ cấp học tập nhưng sau khi ra trường thất nghiệp đã gây ra sự lãng phí.
Từ khi tỉnh TT-Huế có chính sách trợ cấp cho SV người DTTS, học sinh DTTS |
Chỉ khoảng 5% SV có việc làm
Trên địa bàn tỉnh TT- Huế có khoảng 49 ngàn người là đồng bào các DTTS, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới. Do đời sống của đồng bào DTTS nghèo, vì vậy điều kiện ăn học gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số 8d/2010 của HĐND tỉnh TT-Huế, ngày 27-8-2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2010 về việc trợ cấp cho SV người DTTS trên địa bàn theo học tại các trường ĐH, CĐ với mức trợ cấp bằng 80% mức lương tối thiểu. Đối tượng được hưởng trợ cấp là những SV theo học hệ đào tạo chính quy tại các trường ĐH, CĐ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, không bao gồm các trường quân đội và công an. “Khi biết thông tin tỉnh trợ cấp tiền cho con em đồng bào học CĐ, ĐH, bà con trong bản ai cũng mừng. Nếu không có chính sách này thì chắc chắn nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền”, ông Hồ Kin, một người có con theo học ĐH chia sẻ.
Một lãnh đạo huyện miền núi A Lưới khẳng định, chính sách trợ cấp này ra đời đã tác động lớn đến nhận thức của đồng bào các DTTS ở TT-Huế về vấn đề học tập. Vì vậy, những năm gần đây, số lượng SV người DTTS dự thi và trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ ngày càng tăng lên... Sau 5 năm triển khai chính sách trên, toàn tỉnh đã có hơn 600 SV DTTS được nhận trợ cấp với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn đã và đang xảy ra là có quá ít SV được thụ hưởng chính sách trên tìm được việc làm sau khi ra trường. Cụ thể, trong số hơn 600 SV đã tốt nghiệp đến nay mới chỉ có khoảng 30 người có việc làm, chiếm tỷ lệ khoảng 5%.
Hơn 2 năm nay, sau khi tốt nghiệp Đại học Huế, em Hồ Thị H. (trú TT. A Lưới, H. A Lưới) không kiếm được việc làm nên phải theo cha mẹ làm rẫy mưu sinh. “Nhà nước đã lãng phí tiền hỗ trợ em học ĐH, còn em lãng phí tuổi trẻ. Nếu biết ra trường không tìm được việc làm thì em đã không vào ĐH”, H. buồn bã nói. Một SV dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông cũng được thụ hưởng chính sách trên, sau hơn 1 năm ra trường nhưng không có việc làm nên mới đây đã xin làm công nhân dệt may. “Khi đi xin làm công nhân, em không dám khai đã học xong ĐH vì sợ phía công ty không nhận. Gia đình em quá nghèo, chạy ăn từng bữa nhưng nếu cứ ở nhà chờ xin việc thì ba mẹ phải tốn thêm một miệng ăn. Vì rứa, em quyết định rời quê xuống Huế đi làm công nhân”, em này cho biết.
Tuy nhiên, nhiều SV người DTTS sau khi học cao đã không xin được việc làm. |
Cần quy hoạch chuyên ngành đào tạo
Bà Nguyễn Thị Sửu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh TT-Huế cho biết, phần nhiều SV người DTTS ở tỉnh được hưởng chính sách trên không có việc làm sau khi ra trường đều ở nhà làm nông dân. Trong bối cảnh chưa cân đối được ngân sách nhưng tỉnh TT-Huế vẫn có chính sách hỗ trợ SV DTTS là một hoạt động rất ít địa phương trong nước thực hiện được. Tuy nhiên, tình trạng hầu hết SV thụ hưởng chính sách này ra trường không có việc làm đã gây ra sự lãng phí. Cũng theo bà Sửu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hầu hết SV thuộc diện trên thất nghiệp sau khi ra trường. Đó là trình độ, sức cạnh tranh của SV người DTTS thua kém con em người Kinh nên khó trúng tuyển khi thi tuyển vào các cơ quan, doanh nghiệp. Bộ máy hành chính ngày càng thu hẹp do tinh giản biên chế. Phần lớn con em người DTTS khi dự thi vào ĐH, CĐ không tìm hiểu cơ hội việc làm của ngành mình theo học sau khi tốt nghiệp...
Bà Sửu cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, vấn đề cần kíp hiện nay là phải quy hoạch lại chuyên ngành đào tạo cho các SV người DTTS. Phần lớn SV hưởng trợ cấp đều theo học các ngành khoa học xã hội nên cơ hội việc làm ít. Vì vậy, các chuyên ngành cần đào tạo cho SV này là công nghệ thông tin và kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp. Cũng theo bà Sửu, ngoài quy hoạch lại ngành nghề đào tạo, các cơ quan chức năng cũng cần ưu tiên giải quyết việc làm cho SV người DTTS sau khi tốt nghiệp, bên cạnh đó là phát triển các ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H. A Lưới cho biết, trước đây, do chạy theo phong trào, mỗi năm huyện có 200 đến 300 em theo học ngành mầm non; trong khi đó, mỗi năm huyện chỉ tuyển nhiều nhất khoảng 15 em. Vì vậy, tình trạng SV ra trường thất nghiệp ngày càng tăng cao. Trước thực trạng này, huyện cũng đã đến từng gia đình vận động, tuyên truyền cho các em học sinh hiểu rõ cơ chế chọn ngành, nghề cho phù hợp... Ông Hùng cũng thừa nhận, thực trạng SV được tỉnh trợ cấp học tập nhưng ra trường không có việc làm gây lãng phí ngân sách.
Ông Hùng cho rằng, nếu SV DTTS sau khi ra trường phải qua thi tuyển công chức thì rất khó vào được, bởi việc học là thật nhưng điểm khi nào cũng thấp hơn nên khó cạnh tranh. “Nên có cơ chế cho phép huyện tuyển dụng, bố trí các em vào làm việc theo dạng hợp đồng, có chế độ bảo hiểm... may ra lúc đó mới giải quyết một phần tình trạng SV người DTTS ra trường thất nghiệp”, ông Hùng nói.
Hải Lan