Lãng phí hơn 16 tỷ đồng!

Thứ hai, 09/09/2024 09:10

- Thời buổi kinh tế khó khăn, phải "thắt lưng buộc bụng" chớ Tư Hà Tĩnh.

- Vậy mà có nơi đầu tư xây dựng một ngôi trường khang trang với tổng vốn đầu tư 16,2 tỷ đồng rồi bỏ hoang, dẫn đến nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.

Một góc ngôi trường bị "lãng quên".
Một góc ngôi trường bị "lãng quên".

- Ở mô rứa?

- Trường THCS Hương Quang ở xã Quang Thọ (H. Vũ Quang, Hà Tĩnh). Dự án nhằm thực hiện chủ trương di dời và tái định cư cho người dân vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang thuộc H. Vũ Quang. Công trình Trường THCS Hương Quang được khởi công xây dựng năm 2011 với tổng kinh phí đầu tư 16,2 tỷ đồng, nhằm phục vụ nhu cầu học tập cho con em của hàng trăm hộ dân khi họ di dời về Khu tái định cư Hói Trung sinh sống. Ngôi trường được xây dựng khang trang, hiện đại này nằm trên diện tích hơn 1 héc-ta, tại trung tâm xã Hương Quang, bao gồm 3 dãy nhà cao tầng, nhà ở công vụ, nhà để xe, cổng, khuôn viên, tường rào và hệ thống đường nội bộ. Công trình được hoàn thành và bàn giao cho địa phương vào năm 2013, nhưng kể từ đó đến nay, trường bị bỏ hoang, không được sử dụng. Hiện tại, trường đang xuống cấp nghiêm trọng, nền gạch nứt nẻ, bong tróc, và nhiều phòng học cùng các thiết bị bị hư hỏng nặng.

- Lãng phí quá nhỉ!

- Thì đấy, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Việc xây dựng một cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại nhưng sau đó lại bị bỏ hoang không chỉ lãng phí mà còn thể hiện sự thiếu tầm nhìn trong quy hoạch của cơ quan chức năng.

- Nguyên nhân vì sao lại bỏ hoang vậy Tư?

- Theo chính quyền địa phương thì, ban đầu trường được xây dựng với dự tính sẽ phục vụ nhu cầu học tập của con em 518 hộ dân vùng lòng hồ khi họ di dời lên Khu tái định cư Hói Trung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương cho phép người dân di cư tự do, dẫn đến việc chỉ còn rất ít hộ dân chuyển về khu tái định cư, khiến cho ngôi trường không có học sinh theo học.

- Không lẽ cứ để ngôi trường "trơ gan cùng tuế nguyệt" vậy à?

- Chính quyền địa phương đã từng cân nhắc phương án chuyển trụ sở UBND xã vào trong trường học. Tuy nhiên, kế hoạch này không khả thi vì vị trí của trường không thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Ngoài ra, nếu chuyển trụ sở về đây, trụ sở xã hiện tại sẽ bị dư thừa.

- Như vậy, sau 11 năm được bàn giao, ngôi trường vẫn chưa một lần đón học sinh tới khai giảng năm học mới. Cũng từng đó thời gian, ngôi trường đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Bề Tui thiết nghĩ, chính quyền địa phương, các cấp các ngành ở Hà Tĩnh cần có phương án, giải pháp hữu hiệu để sử dụng tránh lãng phí.

BỀ TUI