Làng sinh thái Triêm Tây trước nguy cơ bị "xóa sổ"
Dù đã được kè mềm (loại kè bằng các loại cây, như: bói, bần...) khá vững chắc nhưng đợt lũ giữa tháng 11-2017, thủy thần vẫn "nuốt" của thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, TX Điện Bàn (Quảng Nam) hơn 1.000m2 đất. Vì thế, nỗi lo mất đất, mất làng của người dân Triêm Tây lại càng lớn. Theo số liệu đo đạc của cơ quan chức năng, năm 2001, tổng diện tích đất ở của thôn Triêm Tây là 40ha nhưng đến năm 2017 chỉ còn 12,8ha. Như vậy, qua 16 năm, đất ở của người dân Triêm Tây đã bị sông Thu Bồn "ngoạm" mất 27,2 ha...
Dù đã được kè mềm nhưng đợt lũ giữa tháng 11-2017 vẫn khoét sâu vào bờ làng sinh thái Triêm Tây. |
Nhìn ra dòng sông với ánh mắt hoài vọng, đưa tay chỉ về phía xa, nơi dòng nước đang cuồn cuộn chảy, ông Nguyễn Đình Nam bảo: "Nhà, vườn cũ của gia đình tôi ở đấy nhưng nay... còn đâu". Cùng cảnh ngộ với ông Nam còn rất nhiều gia đình khác. Mỗi năm, sông cứ lấn dần vào bờ nên người cũng nhường nhau phần đất trống còn lại để những hộ bị mất nhà vì nạn sạt lở có chỗ dựng lại tạm ngôi nhà làm nơi tá túc. Vì thế, họ cứ chen chúc nhau để sống, nhiều gia đình khá giả đã chọn cách "ly hương", tìm nơi ở mới. Theo ông Nguyễn Văn Bòng-trưởng thôn Triêm Tây, toàn thôn có 48 hộ với 758 nhân khẩu sinh sống. Trước đây, cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, từ năm 2015 đến nay khi Nhà nước có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng nên cuộc sống dần được cải thiện, với thu nhập đầu người bình quân khoảng 30 triệu đồng/năm. Trước niềm vui đó thì người dân Triêm Tây có nỗi buồn là không biết thời gian nào làng của mình sẽ bị... xóa sổ. Bởi năm nào xảy ra lũ lụt thì Triêm Tây bị mất đất nên người dân có một mơ ước duy nhất là được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kè bằng bê-tông để giữ lấy đất nhưng mãi vẫn chẳng thấy.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Dương Văn Ca-Phó chủ tịch UBND xã Điện Phương, cho biết: tình trạng sạt lở tại thôn Triêm Tây xảy ra từ lâu, các cơ quan chức năng đều nắm rất rõ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do thiên tai, mưa lũ bất thường. Bên cạnh đó là nhân tai, chỉ riêng khu vực giáp ranh giữa thôn Triêm Tây và xã Duy Phước, Duy Xuyên có 2 mỏ cát được cấp phép khai thác nhưng do chủ mỏ không quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số phương tiện lợi dụng khai thác "chui" gây nên tình trạng thay đổi dòng chảy, sạt lở bãi bồi ven sông...
Cũng theo ông Ca, năm 2014 phương án xây dựng bờ kè thôn Triêm Tây đã được phê duyệt, với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng nhưng do thiếu kinh phí nên 3 năm qua vẫn chưa triển khai. Theo tìm hiểu, hiện tại người dân Triêm Tây sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ du lịch sinh thái. Cùng với Hợp tác xã Nông nghiệp & Du lịch, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà cho khách du lịch thuê và có 2 công ty đầu tư, xây dựng trang trại trồng cây dược liệu. Hai công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng tổ chức trồng các loại cây, như: bói, tre, phi lao để chống xói lở. Tuy nhiên, hệ thống kè này không đảm bảo sự bền vững trước sự tàn phá của lũ dữ. Trước thực trạng mỗi năm phải nhìn từng tấc đất quý báu cuốn trôi theo dòng nước, nhiều người dân đều bày tỏ nguyện vọng Nhà nước sớm đầu tư, xây dựng hệ thống kè để họ có thể an cư, lạc nghiệp. Hy vọng, niềm mơ ước nhỏ nhoi đó sớm trở thành hiện thực để người dân Triêm Tây bớt đi nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến, lũ về.
M.T