Lặng thầm gieo chữ vùng cao
(Cadn.com.vn) - Thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, H. Krông Bông, Đắc Lắc) không điện, không sóng điện thoại, giao thông cách trở bởi núi đồi cao vút. Khó khăn là thế nhưng nhiều năm nay, các thầy cô giáo không ngại khó ngại khổ vào đây bám bản để dạy chữ. Những “mầm chữ” đã được gieo, hứa hẹn sẽ mang lại sự đổi thay ở bản nghèo.
Các thầy cô ở điểm trường Ea Rớt. |
Lớp học trên núi cao
Điểm trường Tiểu học Cư Pui 2 đóng tại thôn Ea Rớt được thành lập từ năm 2001, do người dân góp công và gỗ để xây dựng. Hiện điểm trường có gần 170 học sinh đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông..., với 7 thầy cô trực tiếp đứng lớp. Từ điểm trường chính lên đây phải băng qua 30km đường đồi dốc dựng đứng.
Dẫn lên điểm trường là đường mòn gập ghềnh, nhiều đoạn cao vút, vắt vẻo qua nhiều con đồi uốn lượn. Trời mưa, một số đoạn nhão nhoẹt. Xe chúng tôi mất 3 tiếng đồng hồ đánh vật với con đường “đau khổ” mới đến được điểm trường này. Điểm trường hiện ra trước mắt là dãy nhà 4 phòng nằm lọt thỏm giữa 4 quả đồi. 4 lớp học được dựng bằng những phên gỗ mỏng manh. Bên trên là tôn mỏng đã hư hỏng, thủng lỗ chỗ.
Buổi sáng, điểm trường này diễn ra 4 lớp học. “Đột nhập” vào lớp 1, chúng tôi thấy cô Mông Thị Hằng đang lom khom lấy sách tập đọc cho học sinh. Các em ngoan ngoãn đọc theo hướng dẫn của cô. Tiếng đánh vần í ới vang khắp núi đồi, đâm xuyên qua những làn sương lạnh lẽo. Ở phòng học lớp 5, cô Võ Thị Lệ Quyên hướng dẫn các em làm toán. Em Lý Sa Páo ra hiệu nhờ trợ giúp, cô Quyên bước đến bên cạnh hướng dẫn tận tình.
Nhắc đến điểm trường ở thôn, ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt hồ hởi: “Nhiều năm qua, điểm trường này đều duy trì ổn định số lượng các em theo học. Nhiều em học khá giỏi, được trường khen tặng, tuyên dương. Cái quý hơn nữa là nhận thức của phụ huynh đã thay đổi rất nhiều. Nhớ trước kia, nhiều phụ huynh không cho con đến lớp mà bắt đi làm rẫy phụ gia đình, nay họ khuyến khích con đến lớp. Chính thầy cô đã giải thích cho họ hiểu chỉ có đi học mới giúp con cái thoát nghèo. Cũng vì thế nên ở đây, dân bản ai cũng quý thầy cô”.
Cô Mông Thị Hằng hướng dẫn các em tập viết. |
Giáo viên vượt khó bám bản
7 người đứng lớp ở điểm trường Tiểu học Ea Rớt 2, người lớn nhất đã 34 tuổi, người nhỏ nhất mới bước sang tuổi 23. Có người lập gia đình, có người chỉ mới có người thương. Có thầy cô nhà cách điểm trường gần nhất 30km, có người xa nhất mất cả 2 ngày đêm đi xe. Cũng vì đường sá xa xôi nên đúng ngày đầu tuần, vào thời điểm con gà vừa mới cất tiếng gáy, 7 con người í ới gọi nhau tập trung dưới chân núi, rồi dắt díu nhau vượt núi cắm bản. Hành trang họ mang theo là gạo, thức ăn để sinh sống trong một tuần. Khu cư xá 7 người ở là căn nhà dựng bằng phên gỗ, mái lợp tôn có diện tích khoảng 60m2. Mùa mưa, gió, sương lùa vào các khe hở lạnh buốt, còn mùa nắng thì ngột ngạt nóng bức.
Ea Rớt không có điện, thầy cô phải thắp nến, nhiều bữa hên thì bắt ké vài tiếng điện năng lượng mặt trời của các hộ dân có điều kiện. Giếng nước các giáo viên sử dụng đục ngàu, mùa nắng thì khô, khi ấy phải cuốc bộ hàng cây số để gánh nước về sinh hoạt, riêng nước uống phải đi hàng chục cây số để chở về. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là vấn đề đường sá.
Cô Nguyễn Thị Trang chia sẻ: “Hồi đầu nhận quyết định công tác, mình nghĩ dù ở vùng xa nhưng chí ít đường sá cũng bằng phẳng. Nào ngờ ngày đầu nhận lớp, đi có 30km mà mất 3 tiếng đồng hồ. Cũng vì đường xấu nên té ngã liên tục, người để lại nhiều vết sẹo kỷ niệm. Xe máy cày ải liên tục nên nhiều lần hỏng hóc, hàng tháng đều chi tiền để bảo trì. Mùa mưa còn thảm hơn, lúc ấy đường lầy lội, cuối tuần không về nhà được phải ở lại, đồ ăn tích trữ thì hết, chỉ biết ăn cơm trắng với muối. Hôm mưa gió, đường sá chia cách, thầy cô nhớ gia đình nên đánh liều cuốc bộ cả ngày trời mới ra khỏi thôn”.
Điểm trường thôn Ea Rớt. |
Dạy chữ cho học sinh đồng bào trong điều kiện thiếu thốn đủ bề càng khó. Cô Nguyễn Thị Trang kể, hồi mới nhận lớp, cô phát hiện một số em không biết tiếng Kinh nên bản thân nói gì cũng không hiểu. “Vì thế, chúng tôi dạy tiếng Kinh cho các em trước. Trong các buổi học, giáo viên xếp xen kẽ các em biết tiếng Kinh ngồi cạnh em không biết để tự bày nhau. Khi các em thông thạo, chúng tôi mới bắt đầu dạy chữ. Do điểm xuất phát các em thấp nên chúng tôi phải điều chỉnh giáo án cho phù hợp với thực tế”, cô Trang nói.
Khó khăn bủa vây nhưng hằng năm, những “người gieo chữ” đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được ban giám hiệu trường khen thưởng. Nói về động lực vượt khó, cô Mông Thị Hằng kể: “Thật sự lúc đầu mới vào nhận lớp, chúng tôi cũng có tâm lý nản. Nản bởi nơi đây thiếu thốn quá nhiều thứ. Thế rồi hằng đêm ngồi nói chuyện, chúng tôi động viên nhau rằng số phận có duyên với bản nghèo nên phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Nói đến đây, thầy Lê Duy Hồng Ngọc chen ngang: “Mình cứ ám ảnh câu chuyện các em không biết chữ, hỏi gì không biết nên tự dặn lòng phải dạy chữ cho các em bằng được. Cũng may các em cũng ngoan và chịu khó học nên dù khó khăn chúng tôi cũng được an ủi”.
Do trời mưa, đường sá chia cách nên tối lên thăm trường, chúng tôi phải ở lại cư xá. Dưới ánh lửa, chúng tôi ngồi hàn huyên tâm sự. Có cô kể chuyện nhớ chồng, có thầy nhắc đến người thương dưới xuôi, cũng có người kể chuyện vừa đan chiếc áo len, định cuối tuần về mang tặng mẹ già. Có cô đau đáu chuyện học sinh đi học cả năm chỉ có một bộ đồ mặc, nhiều em chẳng có nổi chiếc áo ấm, đến khi vào lớp thì ngồi co ro. Họ lại nghĩ đến chuyện sắp tới phải quyên góp thêm áo quần cho các em.
Ngọc Giang