Lắng trong tiếng sóng Cửa Tùng

Thứ tư, 28/08/2024 13:40

Chẳng ai cắt nghĩa một cách rành rẽ, trong mỗi chúng ta ngoài nơi chôn nhau cắt rốn ra còn có bao nhiêu miền quê để nhớ. Mọi suy tư thôi đành để trong ngẫm ngợi.

Biển Cửa Tùng ngày tôi đến.
Biển Cửa Tùng ngày tôi đến.

Với riêng tôi, có lẽ Cửa Tùng - mảnh đất đầu tiên tôi đặt chân đến đã gợi trong tôi nhiều cảm xúc nghĩ suy, dù rằng với Vĩnh Linh - Quảng Trị cũng không xa lạ mấy khi nơi đây trở thành quê ngoại của các con tôi; và xa hơn đó là câu chuyện đau đáu người cha thân yêu phải sống trong cảnh 21 năm ngày Bắc đêm Nam vì cuộc chiến chia cắt đôi miền cách đây non nửa thế kỷ. Nhớ mẹ tôi hát bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp sao mà da diết đến vậy…

Một chiều đầy gió và nắng, tôi có mặt tại bãi biển Cửa Tùng, thuộc thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Anh tài xế taxi vui vẻ: Anh đi đâu cứ điện, bọn em chừ có lính nằm vùng cả. Tôi hiểu "nằm vùng" ở đây chừ là taxi thường trực tại địa phương. Biển Cửa Tùng chỉ cách trung tâm TP Đông Hà khoảng 30 km về phía Bắc. Cái nóng của gió Lào Quảng Trị cũng dần dịu đi khi thời điểm giao mùa từ hạ sang thu và hoàng hôn đang xuống. Khách du lịch không mấy đông đúc, từ hơi ngỡ ngàng về vẻ hoang sơ của một bãi biển ở miền Trung lần đầu tôi đến để dần dà cảm nhận: Vì sao nơi đây từng là địa điểm nghỉ mát của quan chức và binh lính Pháp khi sang Việt Nam đô hộ. Họ từng ví von nơi đây là nữ hoàng các bãi biển…

Nhìn về phía mênh mông gió biển tôi lại nghĩ về một dòng sông, một dòng sông có tên vĩ tuyến, nghĩ về những bến đò lặng lẽ, nghĩ về cuộc chia ly của đất nước với bao số phận, bao cảnh đời tang thương, trong đó có gia đình tôi… Chợt nhớ những địa danh lịch sử đâu chỉ nổi danh của mảnh đất Quảng Trị mà cả nước luôn nhắc nhớ như là một cầu Hiền Lương, một bến đò Tùng Luật, một địa đạo Vịnh Mốc, một Thành cổ Quảng Trị, một dòng xanh xanh Thạch Hãn… "đáy sông còn đó bạn tôi nằm"...

Và bãi biển Cửa Tùng nơi tôi ngồi đây chính là cửa của sông Bến Hải đổ về biển Đông nằm ngay ở vĩ tuyến 17. Chợt nhớ về một bài báo có tựa đề "Giấc mơ nơi cửa bể dòng sông" của nhà báo Lê Đức Dục đăng trên Tuổi Trẻ cách đây đúng 10 năm để kể về câu chuyện cảm động hy hữu. Đó là những năm đất nước còn chia cắt đôi bờ vĩ tuyến có nghệ sĩ Châu Loan (tên thật Bùi Thị Loan, người con của đất Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) là giọng ngâm thơ trác tuyệt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Em ruột của bà là Bùi Thị Diệp, nghệ danh Châu Phụng cũng giọng ngâm thơ tuyệt đỉnh của Đài Phát thanh Sài Gòn thuở ấy. Chuyện là bà Diệp những năm 1954-1956 khi cầu Hiền Lương chưa là giới tuyến cách ngăn, bà vẫn đi đi về về buôn bán hàng hóa từ Huế, Quảng Trị ra cửa Tùng, Vĩnh Linh. Cuối năm 1956, khi chuyện qua lại hai bờ bị ngăn cấm, bà Diệp bị kẹt lại bờ Nam. Vốn thừa hưởng chất giọng nhà nòi nên bà Diệp được nhận vào Đài Phát thanh Sài Gòn. Bởi vậy mới có chuyện khi bờ Bắc vang lên giọng ngâm thơ da diết của người chị Châu Loan trên đài ở bờ Bắc, thì phía bờ Nam người ta cũng có thể nghe giọng ngâm của người em thổn thức trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn…

Miên man dòng suy nghĩ, tôi chợt nhận ra một điều gì đó như duyên nợ của tôi với mảnh đất này. Cô chủ quán như một hướng dẫn viên du lịch cho tôi hay những điểm đặc biệt của cửa biển này. Đó là tại đây có tám mũi đất đỏ bazan màu đỏ nhô thẳng ra biển. Khi nhìn từ trên cao xuống, nó giống như một chiếc lược khổng lồ vậy. Doanh trại Đồn Biên phòng Cửa Tùng đóng doi đất khá cao, phía trước quán bún bò của đôi vợ chồng thường trực kiểu đứng bán. Nghe đâu, thời thuộc Pháp, họ đã khéo chọn nơi này làm trại lính. Đây là điểm cao nhất của cửa biển Cửa Tùng. Nhà thờ Di Loan bị đạn bom trong chiến tranh tàn phá nay đã không còn. Theo sử liệu thì nơi đây cũng đã ghi những dấu ấn rất đặc biệt trong những thời khắc lịch sử của dân tộc. Nếu ngày 9-10-1954, tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Hà Nội thì trước đó, ngày 25-8-1954, tên lính Pháp cuối cùng cũng đã rút khỏi cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh sạch bóng quân thù…Nhưng rồi cũng từ đây cầu Hiền Lương trở thành nơi ngăn chia đất nước.

Trong bút ký "Cầu ma", nhà văn Nguyễn Tuân đã từng quặn thắt gọi Hiền Lương là "cầu giả vờ" trên dòng "sông tuyến" bởi "tuyệt không có bóng bộ hành qua lại". Ngay cả màu sơn của cầu cũng bị… chia đôi đầy chua xót.

Ngày cha vợ tôi còn sống, ông giải thích điều khá thú vị, sông Bến Hải đổ ra biển ở Cửa Tùng cư dân phía thượng nguồn gọi với cái tên là sông Rào Thanh. Thổ ngữ nơi đây "rào" cũng có nghĩa là sông. Nghe đâu Bến Hải còn có tên sông Hời tức sông của người Chiêm Thành, sông Minh Lương. Đến năm 1820, Minh Mạng năm thứ nhất do húy kỵ chữ Minh tên vua nên đổi thành Hiền Lương…

Cái tên Bến Hải xuất phát từ Bến ông Hải trên đường thượng đạo của những nghĩa sĩ Cần Vương… và Bến Hải đã thành tên sông được ghi tại cuộc họp Trung Giã ngày 3-8-1954 giữa đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và đại diện Bộ Tổng Chỉ huy quân đôi liên hiệp Pháp đã đề ra quy chế về Chín cặp bến khác cùng với cầu Hiền Lương thành mười điểm được phép qua lại.

Cho tới sau này, hết thời hạn 300 ngày tập kết, hai năm sau theo quy định tổng tuyển thì Mỹ Diệm ngang nhiên phá bỏ hiệp định, hô hào "lấp sông Bến Hải", Chín cái bến sông ấy đã hóa thân thành biểu tượng của ý chí không thể nào chia cắt, của lòng thủy chung đôi lứa đợi chờ nhau, trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, như một nhà văn miền quê này từng nói "Chết không có gì lạ, sống mới là lạ".

Một miền quê lần đầu tôi đến, lắng trong tiếng sóng Cửa Tùng tôi nghe như lời nước non mình từ ngày xưa vọng lại.

Tạp bút: Võ Văn Trường