Lãnh đạo Dawaco chia sẻ thêm quan điểm về dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa
Liên quan đến Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa (H. Đại Lộc, Quảng Nam) mà UBND tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến phản hồi (Báo Công an TP Đà Nẵng số ra ngày 27-5 có bài viết phản ánh), chiều 28-5, lãnh đạo Cty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã chia sẻ thêm những thông tin, cũng như bày tỏ quan điểm cần xem xét đánh giá tình hình thực tế và các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cho dự án này.
Vị trí đặt lò xử lý rác. |
Theo lãnh đạo Dawco, những ngày gần đây, người dân tại xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) và người dân Đà Nẵng xôn xao, lo ngại về nạn ô nhiễm môi trường khi có thông tin Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án được cho là sử dụng công nghệ đốt tiên tiến, phù hợp nhất trong điều kiện của Việt Nam. Tiếp nhận thông tin, Dawaco có nghiên cứu khảo sát thực tế địa điểm, tìm hiểu công nghệ xử lý rác của dự án này và có văn bản kiến nghị HĐND và UBND TP Đà Nẵng quan tâm xem xét làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng xử lý điều chỉnh vị trí dự án, cũng như có các chỉ đạo đến các cơ quan quản lý chuyên ngành tham mưu, giải quyết để không gây các ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Yên cấp nước cho Đà Nẵng. Qua tìm hiểu, Dawaco được biết: "Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt này có quy mô lớn (240 tấn/ngày) tại xã Đại Nghĩa, xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc) nằm trên lưu vực sông Yên và đây là nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng. Dự án trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh các vấn đề như vận chuyển rác, khí thải, mùi hôi, nước thải xử lý rác cũng như nước rỉ rác thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên, vị trí xây dựng lò đốt rác xã Đại Nghĩa, xã Đại Hiệp cách xã Hòa Khương và đập dâng An Trạch chỉ khoảng 4km do đó mức độ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân thành phố Đà Nẵng".
Từ thực tế tìm hiểu, khảo sát thực tế, Dawco khẳng định những lo ngại và kiến nghị của mình là có cơ sở, đáng được quan tâm. Lãnh đạo Dawco dẫn chứng kinh nghiệm thực tế tại Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu: Năm 2017, một trường hợp tương tự khác liên quan đến các dự án xử lý rác tại địa bàn hai tỉnh. Tại thời điểm đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án Khu xử lý chất thải rắn tại xã Xuân Mỹ, H. Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai giáp ranh địa giới hành chính với H. Châu Đức, H. Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Dù là dự án nằm trong quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh Đồng Nai và được cấp phép hẳn hoi tuy nhiên do địa điểm triển khai dự án nằm trong vùng phân chia lưu vực nước, trong đó có phần chung lưu vực nước, thuộc địa bàn giáp ranh địa giới hành chính giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, nên có nhiều quan ngại do sẽ có tác động ảnh hưởng môi trường nước.
Đây lại là lưu vực cấp nước cho Hồ Đá Đen, nguồn cung cấp nước sinh hoạt quy mô cấp tỉnh, đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (dù vị trí dự án cách khu vực này đến 20km). Sau khi có dư luận lên tiếng về quan ngại ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng nước, UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu đã rất cầu thị, cùng tổ chức cuộc họp có sự tham dự giữa các bên liên quan để cùng phối hợp, đánh giá tổng quan tình hình và đã không ngần ngại cùng thống nhất kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa phù hợp thực tế và đã được Bộ TN- MT điều chỉnh các nội dung báo cáo tác động môi trường trong đó chú trọng đến hệ thống thu gom xử lý nước thải, nước rỉ rác,.., phương án tái sử dụng nước thải, bảo đảm tái sử dụng hoàn toàn, không xả thải ra môi trường; việc chôn lấp chất thải phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường và xây dựng có liên quan...
Từ kinh nghiệm thực tế đã xảy ra tại Bà Rịa- Vũng Tàu, lãnh đạo Dawaco cho rằng, việc chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các sự cố về môi trường là ưu tiên hàng đầu. Để giải tỏa sự quan ngại có cơ sở của Dawaco như trên cũng như sự lo âu và phản ứng của người dân sống tại khu vực lân cận Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa, rất cần sự quan tâm của các cấp. Nên chăng lãnh đạo của 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin để kiến nghị Bộ TN- MT xem xét đánh giá tác động môi trường của dự án này nhằm hạn chế tối đa những tác động đặc biệt đến môi trường nước đang có nguy cơ hiện hữu khi sự bất cập về vị trí xả thải của dự án này chỉ cách đập dâng An Trạch khoảng 4km...
Lãnh đạo Dawaco mong mỏi cơ quan tham mưu của 2 tỉnh thành sẽ cùng phối hợp kiểm tra quy mô, hình thức xử lý rác ra môi trường của dự án này như thế nào bằng các đánh giá khách quan, khoa học và chính xác, từ đó có đề xuất điều chỉnh hay không vị trí thực hiện dự án này để không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước thô trên lưu vực Sông Yên, nguồn cung cấp nước chính cho hơn 1 triệu dân TP Đà Nẵng nói riêng, góp phần đảm bảo được môi trường và dân sinh tại khu vực dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt nói chung. Lãnh đạo Dawaco khẳng định: "Sự lo ngại của người dân và của Dawaco là dễ hiểu và là nguyện vọng chính đáng của các bên trong bối cảnh nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, ngày càng cạn kiệt và ít đi do nhiều yếu tố và rất cần sự chung tay bảo vệ và chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên này đến cho mọi người".
P.V