Lãnh đạo xã “làm khó” người dân
(Cadn.com.vn) - Trong đơn gửi Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Hệ Ngọc Châu (1971, trú xã Trà Đông, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) trình bày, từ năm 2004, cha dượng ông là Nguyễn Khoản (nay đã chết) đã trồng cây keo và xin đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (GCN) với diện tích 30 ha tại khu vực đèo Ba Hương (thôn Ba Hương, xã Trà Đông). Thời điểm này, lãnh đạo chính quyền xã Trà Đông đồng ý cho ông Nguyễn Khoản lập thủ tục đăng ký làm sổ đỏ trên khu đất trên. Tuy nhiên, sau đó ông Khoản lâm bệnh qua đời nên một số hộ dân xã giáp ranh Tiên Lập (H. Tiên Phước, Quảng Nam) xâm lấn và trồng keo trên một phần diện tích đất trên.
Về sau, ông Châu được mẹ và em ruột giao lại khoảng 2 ha trong khu đất rừng kể trên để phát thực bì, trồng cây (có giấy ủy quyền). Đến cuối năm 2015, gia đình ông Châu có đơn xin thu hoạch keo, nhưng UBND xã Trà Đông không giải quyết. Ông Châu tiếp tục kiến nghị lên UBND H. Bắc Trà My song vụ việc này thuộc thẩm quyền cấp xã nên huyện chuyển đơn về cho UBND xã Trà Đông giải quyết. Theo ông Châu, hơn 10 năm qua từ khu đất với hiện trạng là dây leo, gia đình ông đã bỏ tiền đầu tư phát triển rừng. Các hộ dân khác mặc dù đất chưa được cấp GCN, nhưng đến thời kỳ thu hoạch đều dễ dàng khai thác keo.
Ông Châu cho rằng, chính quyền địa phương có thành kiến và cố tình làm khó gia đình ông vì trước đây ông từng kiện lãnh đạo UBND xã (!?). “Tôi thiết tha mong chính quyền phải giải quyết sớm, công bằng như mọi trường hợp trồng keo khác trên địa bàn. Ngược lại, nếu cấm phải nói rõ lý do. Thực tế là gia đình tôi đã làm đơn đăng ký lập thủ tục cấp sổ đỏ cách đây 12 năm rồi”, ông Châu nói.
Vợ chồng ông Châu tiếp xúc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh vụ việc. |
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đông, cho rằng, trường hợp của ông Châu còn phải xác định lại thủ tục pháp lý về quyền thừa kế. “Đơn kiến nghị của ông Châu còn đang chờ các ngành chức năng của huyện giải quyết, chứ xã không có thẩm quyền. Bởi, muốn xác định trạng thái rừng giàu hay rừng nghèo là do ngành Kiểm lâm, TN&MT của huyện. Trước đây, chính quyền xã đã có văn bản tạm dừng khai thác keo trên địa bàn. Toàn bộ diện tích rừng rộng hơn 100 ha (trong đó có đất rừng mà ông Châu đề cập) được quy hoạch rừng tự nhiên, nhưng kiểm tra hiện trạng lại thuộc rừng sản xuất. Từ năm 2013, đoàn công tác của huyện về hiện trường kiểm tra thì tình trạng phát rừng xảy ra tràn lan, nhưng không tìm ra đối tượng”, ông Vĩnh nói.
Đại diện chính quyền UBND xã Trà Đông nói thì không xác định được đối tượng trồng rừng trên đất lấn chiếm trái phép, nhưng thực tế hơn 10 năm nay tại khu vực trên, người dân địa phương biết tường tận từng chủ rừng dù chưa được Nhà nước công nhận. Thậm chí, không ít diện tích đã chuyển nhượng qua nhiều đối tượng. Địa điểm trồng rừng không xa trụ sở UBND xã, lẽ nào cán bộ không hề hay biết ai trồng suốt thời gian dài(?). “Biết quy hoạch là rừng cấm, sao chính quyền không lập biên bản, cưỡng chế cương quyết đối tượng trồng rừng trái phép ngay từ đầu?”; Trả lời câu hỏi của chúng tôi ông Vĩnh trả lời: “Khi kiểm tra, truy quét thì đã phát hiện cây trồng đã lớn rồi. Mà tài sản đó nếu nhổ, hay chặt bỏ cũng xót lắm”.
Trở lại việc đơn xin khai thác keo của ông Châu, thực tế cho thấy, 12 năm trước, gia đình ông Châu đã được chính quyền đồng ý cho đăng ký làm thủ tục cấp GCN tại diện tích đất rừng trên. Và sau này, gia đình ông Châu đã bỏ vốn trồng, công chăm sóc cây keo đến tuổi khai thác nhưng lại không được khai thác. Rõ ràng địa phương đã không trả lời dứt khoát với người dân về quyền sử dụng đất rừng nên mới xảy ra vụ việc “rắc rối” này.
B.B