Lao động nhập cư tại Singapore khốn đốn vì bị nợ lương
Các hoạt động xây dựng liên tục của Singapore đang dựa phần lớn vào lực lượng lao động nước ngoài. Tính đến tháng 62017, Singapore có khoảng 296.700 công nhân nhập cư trong ngành xây dựng, từ các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không được trả lương đầy đủ và đang đấu tranh để được trả tiền.
Lao động nhập cư làm việc tại một công trường xây dựng ở Singapore. Ảnh: CNN |
Giấc mộng vỡ tan
Sardar Md Insan Ali, đến từ Bangladesh, hy vọng thu nhập từ công việc xây dựng ở Singapore sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cha mẹ, vợ con mình.
Sardar đến Singapore năm 2017, và được hứa trả 1.600 SGD (1.173 SSD)/ tháng. Tuy nhiên, khi đến đây, Sardar mới phát hiện mình chỉ được trả 18 SGD (13 USD)/ngày. Người sử dụng lao động đã không trả cho Sardar đầy đủ số tiền lương trong 8 tháng. "Ông chủ của tôi chỉ cho chúng tôi vay 200 USD", người đàn ông 31 tuổi nói và cho biết thêm chỉ giữ lại một ít tiền cho bản thân còn lại gửi về cho gia đình ở Bangladesh.
Đây là câu chuyện quen thuộc đối với Tamera Fillinger, quản lý Trung tâm giảm nhẹ, do tổ chức trợ giúp người di cư Transient Workers Count Too (TWC2) điều hành, chuyên giúp các công nhân bị tổn thương và đòi tiền lương. "Những gì chúng tôi làm là giúp những người này được đảm bảo chắc chắn rằng người sử dụng lao động sẽ thanh toán đầy đủ cho họ trong vài tháng tới. Một số người đợi chờ nhiều tháng mà không được trả tiền. Điều thực sự thúc đẩy họ tìm đến chúng tôi là khi chủ lao động hoàn toàn không trả tiền cho họ", bà Tamera cho biết.
Bộ Nhân lực Singapore cho biết, họ nhận được 9.000 đơn kiện liên quan tới tiền lương liên quan đến 4.500 nhà tuyển dụng trong năm 2016. Con số này bao gồm cả lao động địa phương và lao động nhập cư. Theo nghị viện Lim Swee Say, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore, 95% trong số những trường hợp đó được giải quyết bằng hòa giải hoặc tại Tòa án lao động. 158 ông chủ đã bị truy tố và kết án trong 3 năm qua vì không trả tiền lương cho người lao động.
Tuy nhiên, Jevon Ng, giám đốc công tác xã hội tại Tổ chức Nhân đạo Kinh tế Di cư (HOME), cho biết, con số này quá thấp, bởi vì Bộ Nhân lực ủng hộ "biện pháp hòa giải hơn là trừng phạt trong giải quyết khiếu nại tiền lương" để duy trì danh tiếng Singapore là đất nước thân thiện với các nhà đầu tư. "Họ không muốn buộc tội người sử dụng lao động, thậm chí khi có đủ bằng chứng cho thấy các nhà tuyển dụng cố ý làm trái pháp luật và ăn cắp lương của người lao động. Chính điều này cho phép chủ lao động bóc lột công nhân và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn", ông Jevon cho biết.
Bộ Nhân lực Singapore cho biết đã truy tố các ông chủ cố ý không trả lương cho nhân viên, thu hồi toàn bộ lương cho 90% trường hợp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đòi lại được, đặc biệt là những trường hợp bị phá sản.
Sự đảo ngược
Bực bội vì không được trả lương đầy đủ, Sardar và 2 đồng nghiệp đã viết đơn khiếu nại với Bộ Nhân lực. Đây không phải là quyết định dễ dàng đối với hầu hết các công nhân nhập cư tại Singapore. Nộp đơn khiếu nại ông chủ có thể gây ra hậu quả lớn. Theo pháp luật Singapore, giấy phép của người lao động nhập cư do người chủ nắm giữ, và họ có thể chấm dứt giấy phép lao động bất cứ lúc nào.
Theo bài báo của HOME hồi đầu năm nay, công nhân nhập cư thường phải trả phí cho nhà môi giới tuyển dụng từ 3.000-15.000 SGD để kiếm việc làm tại Singapore. Để trả các khoản phí này, một số công nhân nhập cư phải bán tài sản, đất đai, vay tiền của người thân, hoặc vay ngân hàng, tất cả đều tăng sức ép buộc người lao động phải kiếm được tiền một khi đã đến Singapore. Vì lý do đó, nhiều người lao động nhập cư chấp nhận được trả lương thấp, thay vì được thanh toán tất cả tiền lương.
Ông chủ của Sardar hủy bỏ giấy phép lao động sau khi bị anh khiếu nại, và Sardar lẽ ra đã phải hồi hương vào ngày 21-10-2017. Tuy nhiên, Bộ Nhân lực đã can thiệp và anh được phép ở lại trong khi vụ việc đang chờ giải quyết. Điều đó khiến anh rơi vào tình huống, có thể ở lại Singapore nhưng không thể làm việc.
Bộ Nhân lực của Singapore cho biết, những người lao động không được trả tiền lương được phép thay đổi chủ lao động, nhưng các tình nguyện viên trợ giúp cho công nhân nhập cư của TWC2 cho biết, không phải lúc nào họ cũng có thể làm điều đó. Theo Bộ Nhân lực, có 600 công nhân nhập cư muốn thay đổi công việc trong 6 tháng đầu năm 2017, nhưng chỉ một nửa tìm được việc làm mới tại Singapore. "Ngay cả trong trường hợp người lao động được phép thay đổi người sử dụng lao động, họ đã sử dụng hết số tiền tiền tiết kiệm do không được trả lương trong nhiều tháng. Điều này làm giảm đáng kể khả năng tìm kiếm việc mới vì các cơ quan việc làm yêu cầu thanh toán trước khoản phí môi giới trước khi giới thiệu họ với người sử dụng lao động.
AN BÌNH (Theo CNN)