Lập khống hàng chục hóa đơn, giám đốc cùng cấp dưới lĩnh án

Thứ tư, 14/12/2022 08:09
Ngày 12-12, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 4 bị cáo: Dương Tiến Phong (1977); Nguyễn Văn Bình (1981); Nguyễn Đức Tiến (1980) và Võ Thị Tưởng (1989) về tội: “Vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Xí nghiệp lợn giống Triệu Hải (H. Triệu Phong, Quảng Trị).
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, Xí nghiệp Triệu Hải thuộc Cty CP Chăn nuôi Miền Trung hoạt động với ngành nghề chăn nuôi lợn giống và các loại con giống vật nuôi khác. Tháng 5- 2018, sau khi Nhà nước thoái vốn, ông Trần Bảy (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) mua lại cổ phần công ty và đổi tên thành Cty CP Đầu tư và Chăn nuôi Miền Trung (gọi tắt: Công ty); trong đó có Xí nghiệp Triệu Hải. Bộ máy tổ chức của Xí nghiệp Triệu Hải được giữ nguyên, gồm: Dương Tiến Phong (giám đốc), Nguyễn Văn Bình (kế toán), Nguyễn Đức Tiến (kế toán kiêm thủ quỹ), Võ Thị Tưởng (nhân viên kỹ thuật).

Quá trình hoạt động, Xí nghiệp Triệu Hải có triển khai Chương trình hỗ trợ giống gốc vật nuôi, là khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ 1 phần tiền con giống cho người dân thông qua các cơ sở có đủ điều kiện nuôi giữ đàn giống gốc vật nuôi. Đầu năm 2018, Công ty CP Chăn nuôi Miền Trung đăng ký kế hoạch nuôi lợn giống Móng Cái nái thuần SS theo chương trình hỗ trợ giống gốc vật nuôi và được Bộ NN&PTNT phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí năm 2018 với số lượng sản phẩm giống gốc giao nộp là 576 con lợn, mức trợ giá là hơn 2 triệu đồng/con.

Cục Chăn nuôi tiến hành ký hợp đồng đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích giống gốc vật nuôi với Công ty, thời gian hoàn thành từ 1-1-2018 đến 31-12-2018. Sau khi ký hợp đồng, ông Trần Bảy giao cho Xí nghiệp Triệu Hải thực hiện. Ngày 4-9-2018, Công ty xin tạm ứng kinh phí thực hiện hợp đồng và được Cục Tài chính Doanh nghiệp cấp hơn 840 triệu đồng, tương ứng 70% giá trị hợp đồng.

Tháng 12-2018, sau khi có thông báo về việc nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, Phong đã yêu cầu Bình, Tiến và Thủy (nhân viên kỹ thuật, lúc này đang phụ trách công việc của Tưởng do nghỉ sinh) kiểm tra lại các tài liệu, sổ sách để phục vụ thanh lý hợp đồng. Sau khi kiểm tra các hóa đơn đã xuất bán trong năm 2018, Tiến thông báo với Bình số lượng lợn giống Móng Cái nái thuần xuất ra thị trường không đảm bảo theo hợp đồng.

Bình báo cho Phong thì được yêu cầu sử dụng các hóa đơn GTGT liên 1 bán lợn các loại (lợn thịt, lợn thải, lợn choai Móng Cái tận thu) thay đổi, viết thêm tên loại sản phẩm, tăng số lượng con đã bán thành hóa đơn bán lợn giống Móng Cái nái thuần để phù hợp với tiêu chuẩn hợp đồng. Bình cung cấp cho Tiến danh sách bán lợn hàng ngày để Tiến lựa chọn hóa đơn, chỉnh sửa nội dung rồi photocopy.

Trên cơ sở số liệu chỉnh sửa, các bộ phận giao lại cho Thủy để làm các thủ tục liên quan về mặt kỹ thuật. Nhưng do Thủy không có chuyên môn nên nhờ Tưởng làm các phiếu chu chuyển đàn lợn, phiếu xuất rồi chuyển lại cho Bình tập hợp, đóng dấu sao y bản chính vào các hóa đơn rồi lập thành bộ hồ sơ quyết toán đủ 576 con lợn giống Móng Cái. Số lượng ghi khống là 432 con. Hoàn thiện hồ sơ, Phong cùng Bình đưa hồ sơ ra Cục Chăn nuôi để thanh lý hợp đồng.

Năm 2019, Xí nghiệp Triệu Hải vẫn duy trì chăn nuôi đàn lợn theo kế hoạch. Cục Chăn nuôi tiếp tục đến làm việc tại Quảng Trị, đặt vấn đề ký hợp đồng đặt hàng thực hiện chương trình giống gốc vật nuôi năm 2019 thì Phong xin Công ty cho Xí nghiệp Triệu Hải được trực tiếp ký với Cục Chăn nuôi và được đồng ý. Tuy nhiên, đến tháng 10-2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, đàn lợn tại xí nghiệp bị chết và bị thanh lý hết nên xí nghiệp ngừng hoạt động. Ngày 10-12-2019, Bộ NN& PTNT phê duyệt mức trợ giá, phân bổ kinh phí nuôi giữ giống gốc vật nuôi năm 2019 cho Xí nghiệp Triệu Hải số lượng 371 con, mức trợ giá là 1,6 triệu đồng/con (làm tròn số).

Tháng 12-2019, sau khi có thông báo về việc nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, Bình phát hiện tình cảnh tương tự năm 2019, số lượng lợn bán ra không đủ chỉ tiêu hợp đồng nên báo lại với Phong. Phong tiếp tục yêu cầu Bình thay đổi các hóa đơn và Tưởng thay đổi các số liệu bảng cơ cấu, chu chuyển đàn lợn, thay đổi số liệu… giao lại cho Bình để đưa vào hồ sơ quyết toán. Số lượng lợn chi khống là 314 con. Toàn bộ tiền quyết toán khống đặt hàng sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích năm 2019 được Xí nghiệp chi mua thức ăn chăn nuôi, tiền lương cho nhân viên, tiền BHXH và các chi phí khác.

Trên cơ sở điều tra kết luận, 4 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc giả mạo, khai man tài liệu kế toán gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 1,4 tỷ đồng (làm tròn). Cụ thể, năm 2018: Phong, Bình, Tiến lập khống 66 hóa đơn, gây thiệt hại 900 triệu đồng. Năm 2019, Phong, Bình, Tưởng lập khống 35 hóa đơn, gây thiệt hại 500 triệu đồng (làm tròn). Phát biểu luận tội, VKS áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo theo luật định.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phong 4 năm tù; bị cáo Bình 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Tiến 3 năm tù treo, bị cáo Tưởng 2 năm tù treo.

BẢO HÀ