Lấp "lỗ hổng" quản lý phương tiện trên cao tốc

Thứ sáu, 09/07/2021 15:09

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông thông minh (ITS) quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình quản lý, vận hành khai thác, bảo trì hệ thống ITS để kết nối các trung tâm ITS trên toàn bộ tuyến cao tốc cả nước, khép kín quy trình quản lý, xử lý phương tiện vận tải.

Quy hoạch hệ thống ITS quốc gia để giám sát đồng bộ giao thông trên các tuyến cao tốc đang được hoàn thiện.

Quy trình quản lý phương tiện vẫn đang thủ công

Theo ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (VIDIFI), VIDIFI đã hoàn thiện dự án ứng dụng hệ thống ITS: Quản lý giao thông, camera quan sát, camera dò xe, biển báo thông tin thay đổi, giám sát tải trọng xe, thu phí, phát hiện vi phạm... và đang thuê tư vấn thiết kế để triển khai ứng dụng vào thực tế trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tiến tới, hệ thống ITS trên cao tốc này sẽ nâng cấp thêm phần mềm áp dụng trí tuệ nhân tạo tự động báo sự cố, phát hiện xe đi lùi, đi ngược chiều, tai nạn giao thông trên tuyến.

Thực tế, quy trình này vẫn đang vận hành thủ công trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Cụ thể, với chiều dài hơn 100 km cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện nay, quy trình kiểm soát mọi hoạt động, xử lý các tình huống giao thông thông qua các camera theo dõi đặt tại trung tâm điều hành giao thông tại 2 đầu tuyến cao tốc, nhưng việc giám sát vẫn cần nhân lực theo dõi hình ảnh camera gửi về trung tâm qua màn hình. Khi phát hiện sự cố, người giám sát vẫn phải nhập thủ công để thông báo lên màn hình và truyền cảnh báo đến chủ phương tiện, không đảm bảo tính kịp thời. Theo cán bộ trung tâm điều hành giao thông, thực tế trên là do các camera giám sát trên tuyến cao tốc  được lắp đặt hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, phần mềm điều khiển, hiển thị thông tin..., nên các camera không liên kết được về dữ liệu.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế (TCĐBVN) Tô Nam Toàn cho biết, cả nước hiện mới có 6/21 tuyến cao tốc đã đầu tư lắp đặt hệ thống ITS là: Hà Nội-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn, TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình. Bên cạnh đó, hệ thống ITS tại 6 tuyến cao tốc mới chỉ làm nhiệm vụ giám sát tình trạng giao thông, tình trạng hoạt động của các thiết bị trên tuyến, cảnh báo khi có sự cố giao thông, chưa đồng bộ chia sẻ thông tin dữ liệu, cơ chế vận hành, tương tác tự động giữa các tuyến với nhau và với cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, rất cần hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống ITS tự động, đồng nhất, khắc phục cách giám sát thủ công hiện nay trên toàn hệ thống cao tốc cả nước.

Sớm đưa vào vận hành hệ thống ITS hoàn chỉnh

Theo ông Tô Nam Toàn, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông đang được khẩn trương xây dựng sẽ được đầu tư hệ thống ITS ứng dụng trí tuệ nhân tạo đồng bộ ngay từ đầu, khắc phục những hạn chế của hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc đang khai thác hiện nay... Hệ thống ITS trong Quy hoạch tổng thể hệ thống ITS quốc gia trên cao tốc Bắc Nam sẽ được triển khai theo mô hình phân cấp theo quy mô và phạm vi chức năng quản lý, được kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý, vận hành khai thác, bảo trì với tất cả các cơ quan liên quan.

Giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình quản lý, vận hành khai thác, bảo trì hệ thống ITS và triển khai xây dựng Trung tâm Quản lý ITS Quốc gia. Đến giai đoạn 2025-2030 sẽ kết nối các trung tâm ITS đoạn tuyến về Trung tâm Quản lý ITS Quốc gia và vận hành Trung tâm Quản lý ITS Quốc gia trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người, nhằm hình thành mạng lưới tối ưu việc vận hành và tham gia quản lý, điều tiết giao thông.

"Khắc phục các bất cập hiện nay, hệ thống ITS của cao tốc Bắc - Nam, cũng như các tuyến cao tốc xay dựng trong tương lai sẽ được bổ sung thêm các tính năng của trí tuệ nhân tạo (AI). Phần mềm tự động xử lý đếm xe, phân tích mật độ giao thông, dự báo đông xe, tắc đường, cập nhật các vấn đề thời tiết, phục vụ tối ưu hóa giám sát và xử lý các sự cố giao thông, tự động đưa ra những cảnh báo cho người ra quyết định phương án điều tiết và giải tỏa ùn tắc, sự cố giao thông phù hợp. Hệ thống ITS cũng sẽ cung cấp thông tin giao thông, các tiện ích trên đường trực tuyến cho người dân thông qua màn hình trên tuyến và ứng dụng di động, tìm đường giúp người tham gia giao thông có lựa chọn hợp lý khi đi lại", ông Tô Nam Toàn nhận định.

Về vấn đề này, các chuyên gia giao thông đồng tình, trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán chính xác tình hình giao thông tại các tuyến đường, đoán trước hiện tượng ùn tắc. Khi hệ thống ITS đồng bộ liên kết, sự cố trên tuyến lập tức sẽ được gửi đến người điều hành, tham gia giao thông ra quyết định kịp thời xử lý tình huống, sự cố.

V.SƠN