Lật chiêu gom dự án của bà giám đốc Trần Thị Quý Phượng

Thứ tư, 28/05/2014 09:25

* BÀI 1: “TAY KHÔNG BẮT GIẶC”

(Cadn.com.vn) - Chiều 27-5, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai tuyên trả hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Mua bán trái phép hóa đơn” đối với bị cáo Trần Thị Quý Phượng (Giám đốc Cty CP xây dựng thương mại Bình An, Gia Lai) và bị cáo Võ Thị Thụ để điều tra lại. Trước đó, VKS tỉnh Gia Lai đề nghị tuyên phạt bị cáo Phượng: 15-16 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 12-13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 6-9 tháng tù treo về tội “Trốn thuế”; còn bị cáo Võ Thị Thụ 24 tháng tù treo về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Đây được xem là vụ “đại án” kinh tế ở Gia Lai rất được dư luận quan tâm, bởi vụ án không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng mà còn liên quan đến nhiều cán bộ, lãnh đạo các địa phương, ban ngành bị tố “nhúng chàm”...

Hai bị cáo Trần Thị Quý Phượng (bên phải) và Võ Thị Thụ trước vành móng ngựa.

BÀ GIÁM ĐỐC GIỎI “BÔI TRƠN”

Dù chỉ học hết lớp 7/12 nhưng Trần Thị Quý Phượng (1969, trú P. Ia Kring, TP Pleiku, Gia Lai) từng được xem là nữ đại gia có “máu mặt” ở phố núi với nhiều quan hệ “rộng”. Tháng 8-2007, bà Phượng thành lập Cty xây dựng và thương mại Bình An (Cty Bình An, trụ sở tại số 8/34-Hoàng Văn Thụ, TP Pleiku) do bà làm giám đốc thì 3 năm sau đó (từ 2009-2011) Cty Bình An phất như diều gặp gió, liên tiếp trúng thầu 11 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai với số tiền hơn 112,3 tỷ đồng.

Thế nhưng, đến cuối tháng 9-2012, khi Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bà Phượng thì nhiều người mới vỡ lẽ bà giám đốc này chỉ giỏi “tay không bắt giặc”. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai tiếp tục khởi tố bị can Trần Thị Quý Phượng về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả của CQĐT, hiện tại bà Phượng mất khả năng thi công, nợ tiền ứng vốn ngân sách hơn 21,1 tỷ đồng; trong đó Phượng sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp nên không có khả năng trả nợ và dùng thủ đoạn gian dối, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt gần 12,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phượng còn có hành vi sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống để kê khai làm thủ tục xin hoàn thuế giá trị gia tăng, lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân sách Nhà nước gần 1,7 tỷ đồng và trốn thuế hơn 140 triệu đồng.

Tại ngày xét xử đầu tiên (20-5), phiên tòa đã “nóng” lên khi đề cập đến hành vi “bôi trơn” của bị cáo Phượng đối với một số cán bộ Ban quản lý dự án (BQLDA), một số lãnh đạo huyện, Sở để được trúng thầu công trình xây dựng. Theo bị cáo Phượng khai, số tiền thị chiếm đoạt từ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh dùng để đút lót cho một số cán bộ Nhà nước để “chạy” dự án. Cụ thể, Phượng khai đã biếu tiền, xe cho 11 cán bộ BQL, lãnh đạo huyện, sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Liên quan đến vụ án này, bị cáo Phượng còn “kéo” hàng loạt cán bộ là đại diện BQLDA địa phương và lãnh đạo một số sở, huyện đến tòa với tư cách “có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Ngày xét xử đầu tiên, dù Tòa đã có giấy triệu tập nhưng các ông Trần Thế Vinh (nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT Gia Lai), Võ Quốc Trung (nguyên Trưởng BQLDA H. Phú Thiện) vắng mặt không có lý do, riêng Chủ tịch UBND H. Chư Păh Trần Như Thảo ủy quyền cho ông Đặng Thái Huy, Phó trưởng BQLDA H. Chư Păh, đi thay...

THỦ ĐOẠN “LẤY MỠ NÓ RÁN NÓ”

Xem xét lại toàn bộ vụ việc người ta mới giật mình khi những tài sản mà bà giám đốc này có được đều lấy từ nguồn vốn của các dự án đầu tư theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Đơn cử, sau khi nhận được hợp đồng thi công công trình tuyến đường Ia O-Ia Chía do BQLDA H. Ia Grai làm chủ dự án với giá trị hợp đồng hơn 20,3 tỷ đồng, dù chưa thi công nhiều nhưng với tài xoay xở của mình, bà Phượng đã được BQL này cho ứng 10 tỷ đồng. Sau đó, bà Phượng sử dụng 1,9 tỷ đồng mua vật tư, thi công với khối lượng công trình khoảng hơn 830 triệu đồng; số tiền còn lại, Phượng đem trả nợ mua 5 xe tải ben và trả nợ mua vật tư của các công trình trúng thầu trước đó (công trình đường Chư A Thai-Ya Yeng, H. Phú Thiện và công trình đường Hà Tam, đường Ya Hội) hết khoảng 4 tỷ đồng; còn khoảng 3,1 tỷ đồng, Phượng đã dùng thủ đoạn gian dối đưa 3 hóa đơn khống (mua vật tư xây dựng) cho BQLDA H. Ia Grai nhằm chiếm đoạt số tiền trên.

Tương tự, sau khi trúng thầu thi công công trình đường xã Đăk Pling (BQLDA H. Kông Chro làm chủ dự án) hơn 30,7 tỷ đồng, bà Phượng nhanh chóng được BQLnày cho tạm ứng hơn 17,1 tỷ đồng. Thế nhưng, giá trị khối lượng thực tế thi công chỉ hơn 8,4 tỷ đồng, số tiền còn lại, Phượng đã sử dụng bất hợp pháp hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó Phượng trả tiền vay cho Huỳnh Thị Bích Ngọc hơn 1,8 tỷ đồng, mua ô-tô BKS 81A-00278 gần 1,7 tỷ đồng.  Đồng thời, Phượng cũng sử dụng 3 hóa đơn khống để chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của BQLDA H. Kông Chro.

Như vậy, hiện bà Phượng không chỉ mất khả năng thi công các công trình đã trúng thầu mà còn nợ tiền ứng vốn ngân sách, cụ thể: công trình đường Ia O-Ia Chía nợ hơn 9,1 tỷ đồng, công trình đường xã Đăk Pling (H. Kông Chro) nợ hơn 8,6 tỷ đồng, công trình đường vào xã Nghĩa Hưng-Chư Jôr (H. Chư Păh) nợ hơn 2,2 tỷ đồng, công trình đường vành đai D2 (khu lâm viên Biển Hồ, TP Pleiku) nợ hơn 1,1 tỷ đồng. Riêng số tiền Phượng chiếm đoạt từ BQLDA H. Ia Grai và H. Kông Chro là gần 12,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phượng sử dụng 67 hóa đơn giá trị gia tăng khống do bị cáo Võ Thị Thụ và một cá nhân khác xuất để kê khai làm thủ tục xin hoàn thuế giá trị gia tăng, lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân sách Nhà nước gần 1,7 tỷ đồng và trốn thuế hơn 140 triệu đồng.                

Minh Tân (còn nữa)