Lật lại hồ sơ: Băng cướp bịt mặt gieo rắc nỗi kinh hoàng (2)

Thứ tư, 17/06/2015 11:42

* Kỳ 2: Lần theo dấu vết

(Cadn.com.vn) - Ngay từ giữa năm 1992, khi bắt đầu xảy ra các vụ cướp trên địa bàn, lãnh đạo CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) đã có nhiều chủ trương, biện pháp, kế hoạch tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự và CA các huyện, thị xã dọc tuyến QL1A, tổ chức nhiều đợt tuần tra mai phục nhưng hành tung bọn cướp vẫn còn là một ẩn số đối với lực lượng CA sở tại.

Đại tá Nguyễn Rã - Giám đốc CA tỉnh QN - ĐN (lúc bấy giờ)
chỉ đạo BCA phải sớm bắt được băng cướp.

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1993, liên tiếp các vụ cướp hết sức táo bạo xảy ra trên địa bàn. Xét thấy đây là những vụ cướp hết sức manh động, gây hoang mang trong dư luận nên Giám đốc CA tỉnh QN-ĐN đã giao cho Đội Trọng án chưa rõ thủ phạm (Đội 2) - Phòng CSĐT điều tra, phá án.

Qua nghiên cứu một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, CA tỉnh nhận thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 6-1993 trở về sau, bọn cướp không những dùng súng K54, Colt45, lựu đạn, dao nhọn khống chế, dọa dẫm để cướp tài sản mà còn có hành vi manh động, táo bạo hơn. Nhiều vụ bọn chúng đã dùng dao đâm, dùng súng đánh hoặc bắn nạn nhân gây thương tích. Nghiêm trọng hơn, có vụ sau khi cướp tài sản, bọn chúng còn hãm hiếp phụ nữ đi trên xe... Trước tình hình hết sức bức bách, đầu năm 1994, thực hiện Điện số 29/DK ngày 6-01-1994 của Tổng cục CSND - Bộ Nội vụ (nay là Bộ CA), lãnh đạo CA tỉnh QN-ĐN lập Chuyên án đấu tranh do Đại tá Nguyễn Xuân Hường - Phó giám đốc làm Trưởng ban, thiếu tá Phan Như Thạch - Trưởng Phòng CSĐT làm Phó ban Thường trực và giao cho đại úy Huỳnh Đức Cường (cán bộ Phòng CSĐT) làm thư ký, trực tiếp thụ lý chính vụ án.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, BCA có kế hoạch chỉ đạo CA các huyện có QL1A đi qua chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát tại địa bàn. Riêng hai đoạn trọng điểm, từ cầu Bà Rén đến Mộc Bài (xã Quế Xuân, H. Quế Sơn) và đoạn ngã ba Ngọc Khô đến khu vực cầu Cánh Tiên (thuộc H. Thăng Bình) giao cho CA tỉnh mà cụ thể là BCA trực tiếp tuần tra, phục kích.

Các ĐTV, TS trong BCA kiểm tra súng, đạn trước khi tuần tra.

Đối với lực lượng của Phòng CSĐT, ngoài việc cắm chốt tại 2 điểm phục kích chính như đã nêu trên thì BCA còn phân công thêm một tổ mật phục lưu động trên toàn tuyến. Mỗi điểm phục kích được bố trí 3 đồng chí, trong đó 2 đồng chí được trang bị súng AK và đồng chí Tổ trưởng được trang bị súng K54. Ngoài ra, lực lượng đánh án còn được trang bị thêm máy bộ đàm, pháo sáng phát tín hiệu, bông băng cứu thương… Tổ này thường xuyên cài cắm người trên một số ô-tô, liên tục thay đổi xe, lắp BKS ngoại tỉnh để thu hút sự chú ý của bọn cướp và tránh bị lộ. Xe này thường giả vờ dừng chân nghỉ qua đêm hoặc chạy chầm chậm qua một số đoạn đường xấu, hai đồng chí trong ca-bin xe và một đồng chí nằm trên mui xe luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, súng đạn đã lên nòng từ trước để kịp thời ứng phó khi có sự xuất hiện của băng cướp.

Ngoài ra, BCA cũng cho người đóng giả lái buôn, đi xe ôm chở hàng hóa qua lại dọc tuyến để tuần tra cũng như “nhử mồi”. Các tổ bắt đầu phục kích từ 21 giờ đến 4-5 giờ hôm sau. Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể như địa hình, thời gian mật phục…, từ đó mỗi tổ sẽ chủ động lập phương án xử lý, luyện tập nhuần nhuyễn những tình huống xảy ra để có biện pháp đánh án linh hoạt.

Trước khi rải quân khắp địa bàn, các CBCS nằm trong BCA được đào tạo, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ, trau dồi lại kỹ năng bắn súng, xử lý tình huống để “ra trận”. Theo đó, các CBCS phải chấp nhận cảnh “ăn dầm ở dề” dưới trời mưa gió lạnh lẽo trên các thửa ruộng, cạnh đường mương, dưới chân cầu… để bám mục tiêu, địa bàn. Để động viên tinh thần chiến sĩ, có nhiều đêm cả trưởng, phó BCA đã “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng mật phục) với anh em, đồng thời nắm bắt tình hình cụ thể để có định hướng, phương án chỉ đạo phá án thích hợp, sát sao hơn.

Đại tá Huỳnh Đức Cường - nguyên Phó Trưởng phòng CSPCCC CA tỉnh Quảng Nam (lúc bấy giờ là đại úy, thư ký, thụ lý chính của Chuyên án) vẫn còn nhớ như in quá trình điều tra, mật phục. “Không chỉ việc tuần tra, phục kích gặp rất nhiều gian truân, vất vả, việc sàng lọc đối tượng cũng nan giải không kém. Riêng chuyện phải sàng lọc hàng ngàn đối tượng nghi vấn trên địa bàn QN-ĐN và các tỉnh lân cận đã mất rất nhiều thời gian, công sức. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin cho CA một số tỉnh, thành phố miền Trung để phối hợp điều tra, nắm bắt các đối tượng nghi vấn để có cơ sở đánh giá đúng đối tượng cũng khó khăn, phức tạp bội phần” - đại tá Cường cho biết.



Cầu Bà Rén (Quế Sơn), một trong những địa điểm mà băng cướp thường “làm ăn” và khu vực Nghĩa trang Điện Bàn, nơi trước đây bọn chúng từng cướp nhiều vụ.

Để tìm hiểu thông tin về các loại vũ khí mà bọn cướp sử dụng, BCA còn phối hợp với lực lượng Điều tra hình sự Quân khu 5 và CA các tỉnh rà soát lại hàng trăm khẩu súng K54, Colt45… đã được trang bị cho các đơn vị, cá nhân đóng trên địa bàn dọc tuyến QL1A. Ngoài ra, BCA còn cử trinh sát tổ chức kiểm tra tạm trú tại các khách sạn (KS), nhà trọ, khu tập thể, các khu vực dân cư có nhiều đối tượng hình sự ẩn náu… trên địa bàn QN - ĐN và các tỉnh vào thời điểm xảy ra các vụ cướp. Trong hàng ngàn đối tượng được rà soát, sàng lọc, cuối cùng BCA cũng đã đưa vào “tầm ngắm” 36 nhóm với 144 đối tượng; sau đó, tiếp tục loại ra 25 nhóm (102 đối tượng)… ra khỏi danh sách.

Nắm bắt được một số đặc điểm, phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn cướp, BCA đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm giải pháp đánh án. Theo đó, BCA cử đại úy Huỳnh Đức Cường và trung úy Nguyễn Hùng Lâm (hiện đang công tác tại CATP Đà Nẵng) trực tiếp đi các tỉnh để nghiên cứu thêm hồ sơ. Qua nắm bắt thông tin từ các đồng nghiệp ở tỉnh bạn, đại úy Cường đã nhiều đêm mất ăn mất ngủ với câu hỏi: vì sao thời điểm từ 1992 đến 1994, tại hầu hết các địa phương của miền Trung từ QN - ĐN đến Bình Thuận, tỉnh nào cũng xảy ra cướp, nhưng riêng ở Bình Định lại không có vụ nào nổi cộm? Từ đó đưa ra nhận định không phải đơn thuần mà bọn chúng “quên địa bàn” hoạt động một cách khó hiểu như thế được. Câu hỏi nghi vấn được trình lên BCA, thấy có cơ sở nên BCA quyết định cử hai đồng chí tiếp tục vào Bình Định để tìm manh mối…

Quả thật, linh cảm và kinh nghiệm công tác đã cho thấy phán đoán của trinh sát và BCA là có cơ sở. Cụ thể, vào những năm 1988 - 1990, trên dọc QL1A qua tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng trộm cướp tương tự nhưng không phức tạp và không có việc sử dụng hàng “nóng” như sau này. Đặc biệt, có 7 nhóm đối tượng đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan CA với các tên cầm đầu khét tiếng ở Bình Định một thời như Nguyễn Trường Sinh, Lê Hồng Phong, Trần Thiện Quế, Đỗ Thái Bình, Nguyễn Văn Cẩn, Đặng Hùng Dương và Nguyễn Phi Hổ. Theo hồ sơ của CA tỉnh Bình Định, các nhóm này đã gây ra các vụ trộm cắp, cướp giật và cướp tài sản các xe tải trên tuyến QL1A qua địa bàn. Mỗi nhóm có hàng chục tên nhưng khi bị CA tỉnh Bình Định bắt, có một số đối tượng đã trốn thoát. Câu hỏi đặt ra phải chăng đây là những tên cướp trốn thoát ở Bình Định rồi lập nhóm mới và chuyển địa bàn hoạt động?

Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)