Lật lại vụ ám sát Hitler của đại tá Stauffenberg
(Cadn.com.vn) - Cách đây 70 năm, sĩ quan quân đội Đức, đại tá Claus Schenk Graf von Stauffenberg, 36 tuổi, nhận nhiệm vụ ám sát trùm phát-xít Hitler, nhưng “bất khả thi”. Ông bị xử bắn và trở thành biểu tượng cho phong trào chống Hitler, vớt vát chút ít danh dự cho nước Đức trước khi chế độ độc tài Đức Quốc xã sụp đổ.
Vụ ám sát vô cùng nguy hiểm
Trong lần trả lời phỏng vấn với BBC năm 1967, cựu tướng Đức Walter Warlimont tiết lộ, khoảng 6 giờ ngày 20-7-1944, đại tá Stauffenberg cùng trung úy tùy tùng Werner von Haeften xuất hiện tại sân bay Rangsdorf. Ông mang theo chiếc cặp đen dày cộm trước khi tới phòng họp “Wolf Lair” (Hang Sói) để trình bày cho Quốc trưởng Hitler. Tuy nhiên, thay vì chứa tài liệu, chiếc cặp chứa bom.
Theo Thiếu tướng Berthold Schenk, 80 tuổi, con trai đại tá Stauffenberg, cha ông là một người đàn ông điển trai, mô-tuýp quý tộc cổ điển, vui tính và rất tuyệt vời. Năm 1943, Stauffenberg bị thương nặng khi thực thi nhiệm vụ tại Tunisia.
Mặc dù không công khai làm chính trị, nhưng Stauffenberg lại là người bảo thủ, đi theo chủ nghĩa dân tộc, đôi khi còn ủng hộ chính sách của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, mọi việc dừng lại khi chiến tranh leo thang và khi ông thấy rõ bộ mặt thật của Hitler, nhất là sự tàn bạo ở mặt trận phía đông. “Cha tôi thực sự thất vọng về khả năng chiến lược của Hitler và từ đây ông thấy không thể phụng sự Hitler thêm nữa”, ông Berthold nói.
Ngay sau khi bình phục, Stauffenberg được nhóm người cùng chí hướng lật đổ Đức Quốc xã do tướng Henning von Tresckow đứng đầu tiếp cận. Stauffenberg trở thành thành viên cốt cán của nhóm, mang bí số: “nhóm 20-7”. Kế hoạch ám sát Hitler trở nên khả thi hơn kể từ năm 1944, sau khi Stauffenberg được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng lực lượng dự bị.
Tuy nhiên, ai cũng thừa nhận, việc Stauffenberg trực tiếp mang cặp có chứa bom và phòng họp “Wolf Lair” là vô cùng nguy hiểm. Sau này người ta mới biết, thay vì mang hai quả bom, Stauffenberg chỉ mang một. Nó được đặt dưới gầm bàn gần nơi Hitler ngồi rồi ông đi ra khỏi phòng.
Hai trùm phát xít Hitler và Mussolini đang kiểm tra hiện trường sau vụ đánh bom. |
Hitler may mắn thoát chết
Đúng 12 giờ 42 ngày 20-7, quả bom phát nổ. Nhưng Hitler may mắn thoát chết.
Đó là do Đại tá Heinz Brandt, chỉ huy ban tham mưu, vô tình di dời chiếc cặp ra phía ngoài và chiếc chân bàn bằng gỗ sồi cứu mạng cho Hitler. Đại tá Heinz Brandt bị thương nhẹ. Theo nhân chứng, 4 người ở đầu bàn nơi bom nổ đều thiệt mạng, nhiều người hấp hối hoặc bị thương nặng, kể cả các tướng Jodl và tham mưu trưởng không quân Karl Bodenschats.
Cựu tướng Warlimont, kể lại: “Khi mở mắt, tôi thấy Hitler được Keitel dìu ra ngoài, mặt mày đen nhẻm, quần rách bươm”. Sau khi rút ra ngoài, những người trong nhóm ám sát không chắc chắn vụ đánh bom thành công, duy chỉ có Stauffenberg quả quyết Hitler đã chết. Stauffenberg trở về Berlin, bàn thảo kế hoạch, theo đó, “nhóm 20-7” sẽ dùng quân đội để kiểm soát mọi việc.
“Tôi có nghe trên tin về vụ đánh bom ám sát Hitler và ngay ngày hôm sau mẹ tôi cho biết, cha chúng tôi và một số người khác tham gia vụ đánh bom này. Mẹ tôi còn cho biết, ông làm điều này vì nước Đức. Đây thực sự là một cú sốc không thể tin được bởi chúng tôi thường được dạy Hitler là người đàn ông tuyệt vời. Ngay đêm hôm đó, mật vụ Gestapo đến nhà mẹ tôi, bà ngoại và người bác, riêng anh em chúng tôi đang ở nhà trẻ nên thoát chết, sau đó được đổi tên nên tránh được sự theo dõi của mật vụ SS”- Berthold kể lại.
Sau vụ này, hàng ngàn người bị bắt và bị cáo buộc liên quan. Mẹ ông Berthold bị đưa tới trại tập trung Ravensbruck của Gestapo. Mới đây khi được hỏi về cảm nghĩ của mình sau 70 năm vụ ám sát Hitler, Berthold cho biết: “Đối với anh em chúng tôi, việc làm của cha xứng danh anh hùng, và nhờ đó cứu được chút danh dự cho nước Đức”.
Ông Stauffenberg (1907-1944) là con thứ 3 trong gia tộc quyền quý ở miền nam Đức. Cha ông, Alfred Schenk Graf von Stauffenberg, Đại công tước cuối cùng của Vương triều Wurttemberg và mẹ là Bá tước Caroline Schenk.
Kim Hùng
(Theo BBC)