Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (9)

Thứ hai, 30/05/2011 00:00

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (8)

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (7)

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (6)

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (5)

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (4)

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (3)

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng (2)

>> Lật mặt những “siêu trộm” có một không hai tại Đà Nẵng

Kỳ cuối: Lời cảnh báo từ vụ án "siêu trộm" Đặng Ngọc Tân

(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi Chuyên án 138C được phá, dư luận rất quan tâm đến các tình tiết xoay quanh đối tượng cầm đầu của các vụ trộm động trời, có một không hai như: Liệu Đặng Ngọc Tân có sử dụng phương tiện dò tìm vàng hay không mà mỗi khi nhập nha, y khoắng vàng sạch sành sanh? Thực hiện được những cú đào tẩu nhanh chóng như vậy liệu y có võ hay không...? Xâu chuỗi các vụ án, trao đổi với một số “khổ chủ” cũng như các TS, ĐTV trong BCA cho thấy, không có phương tiện dò tìm hay võ vẽ gì trong các vụ án mà đối tượng gây ra. Những yếu điểm trong kiến trúc nhà cửa và sự thiếu cảnh giác của người dân biến thành điểm thuận lợi nhất cho bọn đạo chích.

Cẩn tắc vô áy náy

Mặc dù hết sức vui mừng khi hay tin đối tượng Đặng Ngọc Tân bị sa lưới pháp luật, nhưng một số người vẫn phải thừa nhận là “siêu trộm” này có những kỹ năng đáng nể. Có trí tưởng tượng đến mấy thì họ vẫn rất khó tin vào một số vụ án kiểu như vét sạch hơn 100 cây vàng, không còn lại một chỉ, vừa ăn trộm vừa uống rượu, ôm két sắt đục rầm rầm hay đu tường, leo nhà để lẩn vào bóng đêm trong nháy mắt. Tuy nhiên, khi tài sản trị giá bạc tỷ bốc hơi, nhiều gia đình mới ngộ ra rằng mình đã đứng ngoài sáng, lại tạo lỗ hổng cho kẻ đứng trong bóng tối. Không phải mình đã cẩn thận hay cảnh giác với kẻ trộm mà chính kẻ trộm mới là người quan sát, theo dõi mình.

Anh N.X.V. (trú tại P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu), hiện làm nghề thầu lắp đặt cửa, khung ngoại bằng gỗ và sắt, nhựa cho các nhà tư nhân cũng như những công trình Nhà nước cho biết: “Chúng tôi làm nghề cơ khí này đã lâu, giờ nghe những thủ đoạn mà “siêu trộm” thực hiện khi đột nhập để trộm cắp mới nhìn lại và thấy rằng chính công việc đảm bảo an toàn của tôi vẫn còn nhiều... sơ hở. Đây chính là lời cảnh báo cho các gia chủ cũng như thợ xây nhà, thợ cơ khí”. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, anh V. nói rằng ngoài thiết kế các kết cấu nhà ở chú trọng vào hệ thống khóa cửa, độ bền của vật liệu... thì có lẽ đã đến lúc các gia đình có điều kiện kinh tế nghĩ đến việc cài đặt thêm hệ thống chống trộm điện tử, nhằm sớm phát hiện các đối tượng khi chúng bắt đầu có dấu hiệu đột nhập nhà.

Khi đã đột nhập nhà, cạy phá một chiếc két sắt không còn là việc khó
đối với đạo chích chuyên nghiệp.

Liên kết các vụ án, chúng tôi thấy rằng hầu hết các gia đình bị Đặng Ngọc Tân đột nhập đều có một vài, hoặc nhiều yếu tố vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian. Đó có thể là cửa ra vào, cửa hậu gần trụ điện, gần bờ tường, phía sau nhà có bãi đất trống, các ngôi nhà làm liền kề lan can nên trộm có thể di chuyển, thực hiện các vụ trộm liên hoàn rồi thoát đi nhanh chóng. Nhiều gia đình cửa hậu gần đường luồng, lại được che chắn bởi cây cảnh, hệ thống ống nước bỗng nhiên như một công cụ trợ giúp để kẻ trộm trèo lên cao sau đó mới đột nhập. Các hệ thống cửa thông gió, cửa nách, cầu thang... nếu không có thiết kế phù hợp cũng sẽ như là “người dẫn đường” cho trộm mà vụ tên Tân đột nhập ngôi nhà trên đường Trần Tống, lấy xong tiền rồi ngồi ung dung đục két sắt trước khi đào phóng nhanh mặc cho chủ nhà đứng ngoài cửa phòng kêu la ầm ĩ là một ví dụ điển hình.

Đến đây thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến phương án an toàn cho tài sản của mình đó là không nên giữ vàng, tiền mặt quá nhiều trong nhà mà nên chia tất cả “trứng” ra nhiều “giỏ”. Một trong những cái “giỏ” an toàn là ngân hàng. Các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhận định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, để huy động vốn thật nhiều nhằm cạnh tranh và tồn tại, nhiều ngân hàng thu hút khách bằng những dịch vụ đa dạng ngày càng hoàn hảo. Trong đó, vấn đề bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu. Tại đây, khách hàng gửi tiết kiệm số lượng tài sản lớn như tiền đồng, USD, vàng... có thể yên tâm về độ an toàn vì hệ thống bảo vệ tài sản, kể cả nhân viên an ninh và máy móc luôn được chú trọng, đặt lên hàng đầu.

 Rất nhiều ngôi nhà, kiến trúc của nó vô tình tạo thuận lợi cho việc đột nhập của các tên trộm. Trong ảnh, một ngôi nhà trên đường Núi Thành đã bị Đặng Ngọc Tân đột nhập lấy tài sản. 

Trộm rình ta dễ, ta canh trộm khó

Tại sao Đặng Ngọc Tân lại vào trúng phóc các ngôi nhà có tài sản để đánh quả “bách phát bách trúng”? Tại sao y biết ngôi nhà này có tiền mặt để trong phòng ngủ, nhà kia lại có vàng để trong tủ ở phòng khách? Tại sao y “định vị” được cả nơi cất tài sản và thời gian mà chủ nhà đi vắng? Theo cơ quan CA, đây là sự ma mãnh của Tân nhưng là cái ma mãnh được hình thành trong quá trình quan sát, nắm quy luật cũng như một vài phép thử đơn giản. Vụ “trút ống” 107 cây vàng tại ngôi nhà trên đường Núi Thành là do Tân đã lân la thám thính rất lâu để nắm thông tin về chủ nhà như người chồng là một cán bộ công tác tại tỉnh Quảng Nam, điều kiện kinh tế khá giả. Người dân còn rò rỉ thông tin là người vợ dùng tài sản có được để đầu cơ vàng. Chính vì vậy, khi đột nhập, y không vào phòng ngủ như thường lệ mà đến thẳng chiếc tủ to bự bằng gỗ quý có thớ dày cả tấc. Chẳng có máy dò vàng nào cả, y biết tâm lý “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” của người kinh doanh nên cứ ung dung mà lục tất cả các ngóc ngách của chiếc tủ để “lượm” vàng. Tủ gồm nhiều ngăn, kiểu gì mà mỗi ngăn chẳng có một ít! Đủ 107 cây vàng, không sót lại tí “xái” nào cả, y mới nhẹ nhàng ra đi. Còn 2 ngôi nhà liền kề ở đường Duy Tân, y đột nhập khi chủ nhà đã ra đường say sưa với những chùm pháo hoa sặc sỡ trên bầu trời Đà Nẵng. Nhiều người lại đặt câu hỏi “vì sao Tân biết vào một thời điểm nhất định, ngoài những trụ cột trong gia đình không còn người nào khác nữa?”. Đây là một việc làm quá đơn giản. Nhà có điều kiện thường có số nhà, số nhà lại gắn với số điện thoại trên... 1080! Chỉ một cú bấm máy, chuông đổ liên hồi mà chẳng có ai nghe thì đích thị là vườn không nhà trống rồi.

Đại tá Nguyễn Đình Chính - Phó Giám đốc CATP, Trưởng Ban Chuyên án 138C, người từng có nhiều năm gắn liền với công tác điều tra, phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm về trộm cắp tài sản cảnh báo, ngoài nghiên cứu địa hình, hướng và cách thâm nhập, nhiều đối tượng ma mãnh luôn có kế hoạch theo dõi kỹ việc sinh hoạt, đi lại của chủ nhà để phát hiện sơ hở. Khi đã tỏ “đường đi lối về” thì chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là chúng có thể lấy hết những tài sản giá trị nhất trong nhà. “Chúng luôn ở trong tối, nạn nhân ở ngoài sáng. Trộm rình gia chủ chứ gia chủ khó rình được trộm. Vì công việc của trộm chỉ một mục đích duy nhất là lấy tài sản, còn người dân thì biết bao nhiêu chuyện phải lo. Vì vậy, không có biện pháp nào hiệu quả hơn là cẩn thận, đề cao cảnh giác trong mọi trường hợp”.

Đ.Nga - C.Khanh - H.Lịch