Lật tẩy cơ sở sản xuất "siêu phân bón" từ cá ươn

Thứ tư, 27/04/2016 10:02

(Cadn.com.vn) - Có thời gian làm công nhân tại một cơ sở sản xuất phân bón, Tạ Phi Hữu (1987, trú khối phố 7, TT Đắc Tô, H. Đắc Tô, tỉnh Kon Tum) tự đứng ra sản xuất phân bón với lời giới thiệu "siêu phục hồi nhanh, siêu ra hoa, tăng tỷ lệ đậu trái". Thế nhưng, khi đang thuê người đưa đi tiêu thụ "siêu phân" này thì Hữu bị CATP Pleiku (Gia Lai) phát hiện.

Trước đó, lúc 12 giờ ngày 20-4, qua nguồn tin, CATP Pleiku phát hiện ô-tô tải BKS 81C-095.79 đang dừng tại đường Phạm Văn Đồng (P. Thống Nhất, TP Pleiku) chở một lượng phân bón không rõ nguồn gốc đang trên đường đi tiêu thụ. Qua kiểm tra ban đầu xác định lái xe tải BKS 81C-095.79 là Nguyễn Hữu Hoài Thương (1989, trú nhà số 341-Phạm Văn Đồng, TP Pleiku). Trên xe của Thương đang vận chuyển 67 thùng nhựa màu trắng (loại 20 lít) có nhãn hiệu "Phân bón cao cấp, Rong biển - Đạm cá", 12 thùng giấy bên trong mỗi thùng có 16 chai nhựa (loại 1 lít) và 1 can nhựa loại 5 lít cũng được dán nhãn hiệu "Phân bón cao cấp, Rong biển - Đạm cá".

Tang vật, phương tiện liên quan được CQĐT CAH Ia Grai tạm giữ.

Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan chức năng, Thương không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số phân bón trên. Đồng thời, Thương khai nhận số phân bón trên được Tạ Phi Hữu (1987, trú khối phố 7, TT Đắc Tô, H. Đắc Tô, Kon Tum) thuê vận chuyển về xã Đắc Sơ Mei (H. Đắc Đoa, Gia Lai). Ngay sau đó, Đội CSKT CATP Pleiku đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa, phương tiện và mời Thương cùng Hữu về CATP Pleiku làm việc.

Tại cơ quan CA, Hữu khai nhận: từ ngày 24-3-2016, Hữu mượn nhà của anh Đinh Xuân Thành (tại làng Ia Tong, xã Ia Der, H. Ia Grai, Gia Lai) để tự sản xuất phân bón. Từ thời điểm đó đến nay, Hữu đã tự "sản xuất" được khoảng 3.000 lít. Sau đó, Hữu đóng vào chai, thùng nhựa rồi thuê xe của Thương đem đi "tiếp thị", tiêu thụ tại địa bàn các xã của H. Đắc Đoa và H. Chư Prông (tỉnh Gia Lai) với giá 80 ngàn đồng/thùng. Ngay sau đó, CATP Pleiku phối hợp cùng với CAH Ia Grai và lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, khám nghiệm hiện trường đối với địa điểm sản xuất phân bón của Tạ Phi Hữu. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 100 can nhựa (loại 20 lít) rỗng, 6 can đựng chất lỏng nâu sẫm (20 lít, Hữu khai nhận là phân bón) và 1 thùng phuy đang đánh dở bên trong có 20-30 lít chất lỏng cùng nhiều bao, bì nhãn mác khác. Toàn bộ số hàng bị phát hiện đang vận chuyển và tại cơ sở sản xuất, Hữu đều không xuất trình được những giấy tờ cần thiết như: giấy phép đăng ký kinh doanh, đăng ký tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chỉ số ISO do Nhà nước quy định.

Hiện trường sản xuất "siêu phân" của Tạ Phi Hữu.

Về công đoạn sản xuất thứ "siêu phân" này, qua đấu tranh, Hữu khai nhận: Hữu mua cá đã ươn, thối ở các chợ trên địa bàn tỉnh Gia Lai về rồi ủ cho ra nước. Sau đó, Hữu dùng thứ nước đó pha trộn với đạm, lân, kali và... nước giếng rồi đóng chai, thùng nhựa. Sau khi đặt một cơ sở in ấn ở TPHCM in nhãn mác, bao bì, Hữu đưa về dán lên các thùng, chai nhựa rồi đem đi tiêu thụ. Mặc dù cùng một "công thức" sản xuất như nhau, nhưng Hữu dán đủ loại nhãn mác để phân ra phân bón dành cho cây cà-phê, chanh dây, hồ tiêu. Không những thế, Hữu còn in lên bao bì với những lời "có cánh": "Sản phẩm cao cấp: Rong biển - Đạm cá" hay "Phòng ngừa các bệnh trên cây trồng", "Siêu phục hồi nhanh sau thu hoạch", "Siêu ra hoa - tăng tỷ lệ đậu trái"...

Hiện vụ việc đang được CQĐT CAH Ia Grai phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Đại úy Đỗ Viết Hưng - Đội phó Đội CSHS-KT-MT CAH Ia Grai cho biết: Việc xác định thiệt hại do phân bón mà Hữu tự sản xuất cũng như việc Hữu in trên bao bì là sản phẩm của Cty CP Đầu tư rong biển xanh (có địa chỉ tại 117-119-Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TPHCM) đang được cơ quan chức năng làm rõ thêm.

Minh Tân