Lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo phấn đấu

Thứ bảy, 20/01/2018 18:34

Đó là ý kiến chỉ đạo của của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2018, Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 19-1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.

VIỆT NAM ĐàLÀM CHỦ GHÉP ĐƯỢC 5/6 TẠNG QUAN TRỌNG NHẤT

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2017, ngành y tế tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), trong đó có giảm quá tải tại bệnh viện (BV) tuyến trên. Chỉ số PAPI 2016 công bố tháng 4-2017 cho thấy, các BV, đặc biệt là tuyến huyện, đã thay đổi lớn về chất lượng dịch vụ, người dân hài lòng hơn với các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, mạng lưới BV vệ tinh được mở rộng đến tất cả 63 tỉnh/thành với 22 BV hạt nhân, 117 BV vệ tinh, đã thực hiện hiệu quả chuyển giao kỹ thuật từ các BV hạt nhân nên 85% số BV vệ tinh đã giảm dần tỷ lệ chuyển tuyến. Ngoài ra, ngành y tế đã mở rộng số BV thực hiện đề án lưu trữ và truyền tải hình ảnh qua mạng (PACS- không dùng phim) để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hiện có 7 BV được phê duyệt đề án, sắp tới có khoảng 10 bệnh vện tiếp tục thực hiện. Song song với đó, các BV đã tích cực xây dựng phác đồ điều trị cho các bệnh thường gặp. Đến nay, các BV ở TPHCM đã có kho phác đồ điều trị với hơn 2.000 phác đồ khác nhau. Đặc biệt, các hoạt động cải tiến chất lượng BV đã có chuyển biến tích cực. Tính chung trên toàn quốc, các BV đạt 2,75/5 điểm, đây là mức khá, mức chất lượng “chấp nhận được” trong bối cảnh Việt Nam. Riêng BV tuyến trung ương bình quân đạt 3,42/5 điểm, trong đó có một số BV đạt mức 4/5 điểm, là mức chất lượng tốt. Nhiều BV đã triển khai hệ thống khảo sát trực tuyến sự hài lòng của bệnh nhân, sau 1 năm đã có trên 1 triệu phiếu khảo sát. Theo đó, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân nội trú đạt 75,6%, người bệnh ngoại trú đạt 66,3%...

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2017, với sự thành công của ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam đã đánh dấu nền y học Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ ghép được 5/6 tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng (thận, tim, gan, tụy, phổi) với hơn 1.500 ca; đặc biệt, tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, ngành y tế cũng đã làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong các lĩnh vực can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, can thiệp chấn thương, chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản…  Đặc biệt, việc nghiên cứu sản xuất thuốc, vắc xin và phát triển các sinh phẩm phục vụ chẩn đoán và điều trị đã có nhiều kết quả được ứng dụng trong thực tiễn. Năm 2017, đã sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi – rubella và đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng…

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, ngành y tế cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới, làm hạn chế chăm sóc người bệnh một cách toàn diện và môi trường, an toàn BV. Đồng thời, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, cơ cấu bệnh tật thay đổi, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… Đặc biệt, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng, các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại như sởi, ho gà. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng can thiệp vẫn ở mức cao; tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ngộ độc rượu methanol trong rượu… Năm qua, cả nước có 557 trường hợp mắc bệnh ho gà (5 trường hợp tử vong), 175.800 trường hợp mắc SXH (38 trường hợp tử vong); phát hiện mới 9.800 người nhiễm HIV và khoảng 1.800 người nhiễm HIV tử vong; xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.800 người mắc, có 24 trường hợp tử vong…

Năm 2017, ngành y tế đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến trong công tác khám chữa bệnh.

ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP GIẢM QUÁ TẢI BV

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm 2017, ngành Y tế đã nỗ lực đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn một số hạn chế như chưa khắc phục tình trạng quá tải BV; xảy ra một số sự cố đáng tiếc do làm sai quy trình của y bác sĩ; việc đấu thầu thuốc chữa bệnh không công minh, ảnh hưởng lớn đến lợi ích người dân…Thời gian đến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Đồng thời, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm tại các cửa khẩu quốc tế, không để dịch bệnh xâm nhập. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm quá tải BV, 100% BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh/thành phố tại các thành phố lớn cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện. Tất cả các bệnh viện phải cập nhật bệnh án điện tử, từ đó có hồ sơ theo dõi thông tin cho mọi công dân. Tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phong cách phục vụ người bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh... Tăng cường các biện pháp phát hiện và thu hồi thuốc kém chất lượng, phòng chống thuốc giả…Tiếp tục xác định lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo phấn đấu.

LÊ HÙNG