Lê Bá Đảng trong ngôi vườn nghệ thuật
Giòn tan nắng trong buổi chiều yên ả trên làng quê Bích La Đông bỗng chốc vẫy gọi chúng tôi về vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Lê Bá Đảng. Bước trên lối đi tạc hình tác phẩm Chân Giao chỉ, hình ảnh một phụ nữ trong tà áo dài tím biếc đọng lại cùng ánh thiều quang là một vẻ đẹp tỏ bày sự mến mộ các tác phẩm mỹ thuật của danh họa Lê Bá Đảng đang được trưng bày tại quê nhà. Ngay tại ngôi vườn mà danh họa đã cất tiếng khóc chào đời, không gian nghệ thuật trình bày hơn một trăm tư liệu, hình ảnh, tác phẩm mỹ thuật đã mở ra câu chuyện thành danh mà không theo bất kỳ trường phái nào của họa sĩ Lê Bá Đảng với những sắc màu, đường nét, hình khối được thế hệ tiếp nối trong dòng họ giữ gìn và tổ chức triển lãm…
Trên dấu chân Giao Chỉ.
Như trôi trong nhiều mảnh ghép của lebadanggraphy, lebadangmemoryspace với những hình ảnh, tác phẩm được thiết trí tại ngôi nhà và khu vườn hương hỏa của danh họa Lê Bá Đảng ở làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, H. Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị, chúng tôi biết về con đường đưa ông trở thành sinh viên Trường Mỹ thuật Toulouse (Pháp), những ngày tháng ông trang trải cuộc sống trên đất Pháp bằng những bức tranh Mèo trên phố, Con mèo câu cá rồi vươn mình trong nghệ thuật bằng những bức tranh ngựa đến triển lãm cá nhân đầu tiên của ông được tổ chức bởi Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati vào năm 1966 tại Mỹ,… Từ đây, họa sĩ trọn đời không bắt chước ai, không bắt chước mình gặt hái thêm những giải thưởng của Viện Quốc tế St Louis cho họa sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo (năm 1989), một trong số những người nổi tiếng toàn cầu năm 1992-1993 của Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Anh), Huân chương Văn hóa nghệ thuật của Cộng hòa Pháp (năm 1994)... cùng nhiều giải thưởng khác ở Mỹ, Anh và Việt Nam.
Trong không gian ký ức, không gian lưu niệm của danh họa Lê Bá Đảng ở quê nhà Bích La Đông, tác phẩm Chân Giao chỉ chứa đựng tiếng nói của ông về đặc tính dân tộc rằng "Mỗi người Việt Nam có hai bàn chân Giao chỉ. Tôi mỹ thuật hóa bàn chân Giao chỉ, mỗi bàn chân thành một tác phẩm mỹ thuật để mọi người thưởng thức", tác phẩm Cõi người ta hiển hiện nỗi nhớ quê hương, tác phẩm Đi về phía em gợi nhắc niềm tự hào của làng quê Việt Nam luôn có những thế hệ nông dân góp phần phát triển đất nước và sự thịnh vượng của nước Pháp.
Những tác phẩm mỹ thuật ấy làm người thưởng lãm nhận ra tình yêu và nỗi nhớ đất nước quê hương trong tâm hồn của danh họa và trái tim mình, như ông từng viết: "Những cánh đồng bát ngát xanh, những lá chuối, cành tre ngẩn ngơ theo chiều gió. Màu sắc của những mái nhà thô sơ, cộc kệch và những cảnh nghèo nàn sau lũy tre, vạt sắn mang lại tất cả hương vị giản dị, thanh khiết của quê tôi là nguồn gốc của bao nhiêu cái đã làm cho tôi say sưa sống lại khi ở đất khách quê người. Những hình dáng của mấy cô hái rau, nhổ cỏ, các chị gánh nước, các anh đi cày, cái nón, cái khăn che mặt của mấy chị vất vả làm đường hay quét dọn các ngã ba...". Bởi vậy mà nếu trước đây danh họa Lê Bá Đảng "Về lại quê hương, đất đai cây cối và con người, bầy chim, đàn cá đều nhận ra tôi và tôi cao hãnh tìm lại được người thân" thì nay tại triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Lê Bá Đảng do gia đình ông tổ chức ở làng Bích La Đông, người thưởng lãm như quay về nơi xuất phát của mình với sự đúc kết tinh thần mà ông bày tỏ hôm nào: "Có lẽ trên đời này chưa có gì là thực là hay như chim bay về tổ, cá lội về nguồn".
Bên những tác phẩm của ông, chúng tôi chuyện trò về hình tượng hạt gạo được ông đẽo từ một viên sỏi khi ăn những món bánh được chế biến từ gạo, về chất Thiền trên khuôn mặt mơ màng và nụ cười trầm lắng của ông. Những tầng nghĩa thụ cảm được mở ra trong chúng tôi điều giản dị thân thuộc như hạt gạo Quảng Trị được tạc bằng đất sét, bằng đá, bằng gỗ "có thể tròn, méo, vuông, dài, ngắn và có thể lớn như ngôi nhà mà cũng có thể nhỏ nhỏ bỏ trong túi hoặc trong gối để mỗi lúc chạm tay vào đều gây một tình cảm thân thiết". Chính bằng những sáng tạo không ngừng theo quan điểm thẩm mỹ đó, tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng đã luôn mang lại sự độc đáo với mỹ thuật Việt Nam và thế giới và trở thành di sản nghệ thuật của nhân loại.
Ngôi vườn hương hỏa đã được nghệ thuật hóa. Trên vườn trưng triển ký ức và kỷ niệm của danh họa Lê Bá Đảng với tranh và tượng và nhiều thể loại khác. Sống gần trọn một thế kỷ và dẫu có gần tám mươi năm ở bên kia bờ đại dương, trải nghiệm văn hóa Đông-Tây nhưng những tác phẩm mỹ thuật đạt tầm vóc quốc tế của ông vẫn thấm đẫm tinh thần và phong vị Việt Nam. Tranh sơn dầu, tranh màu nước, gốm, gỗ, đồng, tranh thảm,… trong không gian lưu niệm tại ngôi vườn triển lãm mang chủ đề và phong cách khác nhau mà người thưởng ngoạn vẫn hiểu rằng họa sĩ Lê Bá Đảng là người đã vinh danh rạng rỡ quê nhà Quảng Trị, đất nước Việt Nam bằng sáng tác của mình. Bởi điểm xuất phát là đất nước quê hương và đất nước quê hương cũng là điểm đến nên Không gian Lê Bá Đảng tạo được rất nhiều ấn tượng đẹp trong nền mỹ thuật của thế giới, trở thành một sứ giả của con Lạc cháu Hồng trên hoàn cầu.
Trên lối đi tạc hình tác phẩm Chân Giao chỉ, người phụ nữ trong tà áo dài tím biếc quay ra ngõ làng Bích La Đông trong sự bịn rịn nghiêng chào nụ cười Thiền trên gương mặt đọng nét thanh xuân mãi mãi của bậc danh họa…
NGUYỄN THỊ BỘI NHIÊN