Lễ hội Lồng tồng của người Nùng
(Cadn.com.vn) - Như thường lệ, để bắt đầu cho việc sản xuất sau những ngày nghỉ ngơi ăn Tết Nguyên đán, người đồng bào Nùng tại xã Long Sơn (H.Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông) lại tổ chức lễ hội Lồng tồng. Lồng Tồng có nghĩa là lễ xuống đồng, là phong tục cổ xưa của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Lễ hội mang ý nghĩa lớn lao và cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu sẽ đến với người nông dân. Ông Hoàng Văn Tiễn, Trưởng thôn Đông Sơn cho hay: “Kết thúc những ngày vui xuân, người đồng bào Nùng tại xã Long Sơn lại tấp nập tổ chức lễ hội Lồng tồng trước khi xuống đồng và bắt đầu việc sản xuất đầu năm mới. Lễ hội là dịp để mọi người quây quần tụ họp bên nhau, chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất. Nhiều ngày trước khi lễ hội diễn ra, người dân cùng với chính quyền địa phương chuẩn bị các trò chơi như: múa lân, hát đối đáp, kéo co, nhảy bao bố... Đặc biệt, phải có ít nhất một con heo quay, rượu, bánh kẹo để phục vụ cho việc lễ cúng trong ngày hội. Trước khi lễ hội bắt đầu, người dân tập trung đông đúc tại một cánh đồng để vui chơi và làm nhiệm vụ được giao. Người đồng bào Nùng không quên nhờ thầy mo về cúng để cầu an, cầu sức khỏe cho người dân trong buôn làng, cầu cho mùa vụ mới đạt năng xuất cao. Sau khi cúng tế, thầy mo sẽ vung những giọt nước được lấy từ đầu nguồn mang về ra khắp xung quanh. Cho rằng, đó là những giọt nước chứa đựng nhiều may mắn nên mọi người ai cũng muốn hứng được những giọt “nước thánh”.
Phần mở đầu của lễ hội chính là phần cày ruộng. Tại đây, một người đàn ông khỏe mạnh, có tay cày giỏi nhất sẽ thay mặt toàn bộ dân trong thôn vạch đường cày đầu tiên cho một vụ mùa mới hứa hẹn đầy tươi tốt. Tại lễ hội còn có một phiên chợ để người dân mua bán, trao đổi các sản phẩm của mình. Trong đó, heo quay là mặt hàng được nhiều người tìm mua trong ngày diễn ra lễ hội. Không ít nơi, người đồng bào Nùng còn tổ chức “phiên chợ tình” trong lễ hội Lồng tồng để trai, gái đến làm quen, tìm hiểu nhau. Không ít cặp nam – nữ nên duyên vợ chồng cũng từ “phiên chợ tình” vô cùng đặc biệt của người dân tộc Nùng. Xuất phát từ giá trị văn hóa lớn lao ấy, lễ hội Lồng tồng được lưu truyền và giữ gìn từ đời này qua đời khác. “Dự lễ hội, người xem không chỉ được chứng kiến các nghi thức về một hệ thống lễ, mà còn có dịp cảm nhận được mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng hòa nhập với nhau”–ông Tiễn nói thêm.
Hình ảnh trong ngày lễ hội Lồng tồng. |
Ông Trần Đức Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn thông tin: “Xã có gần 300 hộ với 1.730 nhân khẩu nhưng người Nùng chiếm tỷ lệ 90% dân số. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng việc trồng lúa, đậu, bắp. Từ năm 2011, chính quyền địa phương mới cùng với người dân tổ chức lễ hội này. Điều đáng nói, với người Nùng nếu như lễ hội Lồng tồng chưa được tổ chức thì họ sẽ không xuống đồng sản xuất trong đầu năm mới. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đang kiến nghị để tổ chức lễ hội sớm hơn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của mùa vụ sau năm mới”.
Thơ Trịnh