Lễ hội pháo hoa sẽ tổ chức thường niên

Thứ bảy, 25/06/2016 09:55

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-6, tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp (DN), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, vừa qua lãnh đạo thành phố có chủ trương xã hội hóa để biến "Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế" thành một lễ hội pháo hoa quốc tế thường niên và không chỉ diễn ra chỉ 2 ngày mà kéo dài vài tuần hoặc cả tháng. Đề nghị này lập tức được Sun Group xung phong đảm nhận tổ chức. Sau khi xem xét và cân nhắc, UBND TP đã cơ bản đồng ý cho Tập đoàn Sun Group tổ chức Lễ hội trình diễn Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFC) từ năm 2017.         

 Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, DIFC được tổ chức rất thành công qua 6 kỳ, từ năm 2008 đến 2015 với kinh phí 100% xã hội hóa, DIFC đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc không chỉ của Đà Nẵng, mà còn của Việt Nam, được hàng triệu người dân, du khách trong và ngoài nước mong đợi. Nếu năm 2008 chỉ có hơn 50.000 du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng thì đến năm 2015 đã có hơn 460.000 lượt người tới xem pháo hoa, tăng gấp 9 lần so với năm 2008. Vì vậy, Đà Nẵng đang chú trọng tạo ra thêm nhiều sự kiện như lễ hội pháo hoa vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân vừa thu hút du khách đến với Đà Nẵng. Ông Cường cũng cho biết, kéo dài thời gian tổ chức trình diễn pháo hoa là hoàn toàn hợp lý vì vừa kéo lượng du khách đến Đà Nẵng đông hơn và giữ chân khách lưu trú lâu hơn, vừa giải quyết được bài toán áp lực về hạ tầng du lịch Đà Nẵng như: khách sạn, nhà hàng, vé máy bay, giao thông đi lại, vui chơi giải trí, từ đó hạn chế được tình trạng "chặt chém" du khách.

 

Ngoài ra, kể từ năm 2017, điểm bắn sẽ được dời về phía gần Công viên Châu Á, vì khoảng cách giữa bờ Đông và bờ Tây sông Hàn khoảng 500m, khu vực bắn rộng hơn, hai bên bờ sông rộng rãi nên thuận lợi hơn cho việc tập kết pháo cũng như cho người dân và du khách thưởng thức lễ hội pháo hoa. Điểm đáng chú ý, ở khu vực này ít các công trình lớn và ít dân cư vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đội có thể đưa pháo hoa cỡ lớn, tầm bắn cao hơn cũng như đảm bảo việc an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn cho các khu vực xung quanh. Song song với Lễ hội pháo hoa quốc tế thì còn tổ chức xen kẽ nhiều sự kiện phụ trợ đi kèm hấp dẫn mang tầm quốc tế, như trình diễn nhạc nước và ánh sáng nghệ thuật, tổ chức chợ đêm trưng bày, buôn bán các sản phẩm handmade (sản phẩm làm bằng tay), mỹ nghệ, thời trang; diễu hành thuyền hoa, thả hoa đăng; trưng bày các vật phẩm có tính thẩm mỹ, hiện đại, mang đặc trưng văn hóa dân tộc và địa phương; chương trình biểu diễn nghệ thuật các đoàn nghệ thuật từ các nước có đại diện các đội tham gia...

Khi chúng tôi đề cập đến việc vì sao Sun Group chọn đăng cai lễ hội pháo hoa tốn đến hàng chục tỷ đồng, ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho rằng, việc phát triển DN phải đồng hành với sự phát triển của thành phố, Sun Group nỗ lực cùng với thành phố để xây dựng một "thành phố đáng sống", "thành phố sự kiện"... Nếu xét về mặt con số tài chính thì lỗ lớn vì chỉ có khoảng 30 ngàn chỗ ngồi, mỗi vé trung bình 300 ngàn đồng thì cũng chỉ thu được khoảng 9 tỷ đồng, trong đó, chi phí tổ chức cho lễ hội vào khoảng 40 - 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, muốn nâng cấp từ cuộc thi pháo hoa quốc tế lên thành lễ hội pháo hoa quốc tế phải kéo thời gian dài ra từ 2- 3 tuần, số đội tham gia nhiều hơn (dự kiến 8 đội); khán đài được xây dựng cố định có sức chứa khoảng 30 ngàn chỗ ngồi, ngay bên bờ sông Hàn. Như thế chi phí sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, khi khách đến Đà Nẵng đông thì các cơ sở dịch vụ, du lịch của Sun Group cũng như các đơn vị du lịch dịch vụ khác trên địa bàn sẽ thu được lợi thì sẽ bù đắp cho phần chi phí lễ hội pháo hoa.

Ông Trường cũng cho biết, chủ đề lễ hội pháo hoa, phương án tổ chức pháo hoa là do UBND TP phê duyệt, còn Sun Group đứng ra hỗ trợ kinh phí và tổ chức các hoạt động phụ trợ.

Xuân Đương