Lễ hội Quán Thế Âm 2014: Dấu ấn khó quên trong lòng người đi trẩy hội

Thứ năm, 20/03/2014 10:53

(Cadn.com.vn) - Sáng 19-3 (nhằm ngày 19-2 ÂL), hàng vạn chư tăng, Phật tử, người dân, du khách trong và ngoài nước đã tề tựu về khu danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn hữu tình, địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của TP Đà Nẵng để chung vui với nghi lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm 2014. Lễ hội Quán Thế Âm là 1 trong 15 lễ hội mang tầm cơ quốc gia, được TP Đà Nẵng tổ chức hằng năm nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nguyện cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, thế giới hòa bình, khơi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng thiện nơi con người...

Hàng vạn tăng ni, Phật tử, người dân và du khách tham dự lễ chính thức
Lễ hội Quán Thế Âm 2014.

Hành hương về nguồn cội

Ngay từ tờ mờ sáng, cả tuyến đường Sư Vạn Hạnh dài hơn 1 km dẫn vào nơi diễn ra Lễ chính thức đã đông nghẹt người. Rất nhiều người đến trễ phải đứng đọc kinh cầu an và chiêm bái Phật Quán Thế Âm ngay trên đường do lối vào chùa Quán Thế Âm bị chặn đứng bởi dòng người.

Nghi lễ chính thức Lễ hội Quán Thế Âm 2014 được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và tham quan du lịch của khách thập phương với những dấu ấn sâu đậm khó quên trong lòng người đi trẩy hội. Đây cũng là dịp để mọi người nhìn lại truyền thuyết hình thành Ngũ Hành Sơn, Phật tích Quán Thế Âm và lịch sử Thạch nghệ Tổ sư làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Và trên hết là dịp để mọi người, mọi giới cùng hành hương về nguồn cội, nguyện cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khởi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Ông Lê Hoàng Đức - Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng BTC Lễ hội Quán Thế Âm 2014 nhấn mạnh: "Trong bầu không khí trang nghiêm, từ hỉ của lễ hội hôm nay, chúng ta hãy quán xét lắng nghe tiếng yêu thương tự lòng mình, hòa nhập cùng hạnh nguyện qua 32 ứng thân cứu đời của Quán Thế Âm Bồ Tát, đem đến cho đời sống người dân sự an vui, từ ái, vượt qua mọi ưu tư, phiền não của tham, sân, si; những ứng thân và hành nguyện ấy đã tìm thấy trong lịch sử dựng xây và gìn giữ đất nước ta...".

Tái hiện lại hình ảnh Phật Quán Thế Âm nghìn tay.

Với sự ưu ái ban tặng của thiên nhiên, từ lâu Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành đã được xem là Nam Thiên Danh Thắng, là cái rốn của vũ trụ theo thuyết âm dương ngũ hành. Quần thể Non Nươc - Ngũ Hành Sơn là nơi "sơn kỳ thủy tú", một khu "non bộ thiên tạo khổng lồ", là "thế giới chùa chiền hang động", nơi kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Và đặc biệt, nơi đây còn là một trong những chứng tích oai hùng của quân và dân Ngũ Hành Sơn anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm giúp cho quần thể Non Nước - Ngũ Hành Sơn thêm sinh động, hấp dẫn và ngược lại chính Nam Thiên Danh Thắng làm cho lễ hội càng trở nên lung linh huyền ảo, đây chính là nét rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh - Trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết: "Nhờ vị thế sơn thủy hữu tình ấy mà lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với bãi biển Non Nước và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Cùng với các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Chính vì thế, Lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc...".

Thả bong bóng cầu quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.

Lưu dấu nét đẹp

Sau 3 ngày diễn ra trang trọng, sôi nổi, thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử, du khách trong và ngoài nước tham gia, tối 19-3, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2014 đã chính thức khép lại bằng những dấu ấn tốt đẹp, sâu đậm khó quên trong lòng người đi trẩy hội.

Phát huy thành công của những năm trước, công tác tổ chức các hoạt động phục vụ lễ hội Quán Thế Âm 2014 của BTC năm nay tiếp tục được nâng cao. Các lễ chính thức trong chương trình được duy trì tổ chức trang trọng, hấp dẫn, sinh động và đúng nghi thức đã thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử, đồng bào và du khách trong, ngoài nước đến tham dự và lễ bái. Bên cạnh đó, ý thức của người dân, du khách trong việc thực hiện quy chế lễ hội và tham gia các hoạt động hội đã được thể hiện rõ rệt. Các dịch vụ ăn uống, phòng nghỉ trên địa bàn quận dù phải huy động hết công suất để phục vụ nhưng giá cả đều nằm ở mức quy định của BTC. Công tác vệ sinh môi trường, VSATTP, y tế, cháy nổ đã được đảm bảo tuyệt đối.

Tình trạng bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, đốt vàng mã, các trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan,... được ngăn chặn từ xa, không còn xuất hiện tại khu vực lễ hội. Những chiến sĩ CA cả ngày đêm đứng trên đường, mồ hôi nhễ nhại, quên cả ăn để đảm bảo tuyệt đối về người và tài sản cho người dân, du khách, vẫn nở nụ cười tươi. Tất cả đã giúp cho hình ảnh Ngũ Hành Sơn mãi rực sáng trên bản đồ du lịch của thành phố nói riêng và cả nước nói chung; để một Ngũ Hành Sơn đầy huyền bí, mến khách nhưng cũng rất trẻ trung, năng động sẽ mãi đọng lại trong hành trang của du khách gần xa mỗi lần đến với lễ hội.

Du khách Trần Thị Bích Thảo (45 tuổi, quê TPHCM) tâm sự: "Tham gia nhiều lễ hội của đất nước nhưng có lẽ đây là lễ hội văn minh, sạch đẹp nhất mà tôi đã gặp. Tôi về đây không chỉ để cầu nguyện những điều tốt lành nhất mà còn với mục đích để trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét  lịch sử - văn hóa Phật giáo, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Đà Nẵng, đó là danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước - một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển... Lễ hội Quán Thế Âm và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn quả thật là nơi vô cùng an vui, lịch sự, văn minh. Ấn tượng tốt đẹp đó sẽ lưu dấu mãi trong tôi và mùa lễ hội năm sau tôi sẽ tiếp tục quay lại với vùng đất này...".

T.Dũng