Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2016: Cơ hội chiêm bái Biểu tượng Phật ngọc và Xá lợi Phật
(Cadn.com.vn) - Đó là một trong những điểm nổi bật được đề cập tại hội nghị rà soát công tác tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2016 diễn ra vào chiều 21-3.
Chỉ còn đúng 3 ngày nữa (25-3), Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2016 sẽ chính thức khai mạc tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và tham quan du lịch, thưởng thức của khách thập phương.
Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn hằng năm thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tham quan, chiêm bái. |
Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh - Trú trì chùa Quán Thế Âm, Phó BTC Lễ hội Quán Thế Âm 2016, Lễ hội Quán Thế Âm ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Cùng với các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Tại Lễ hội năm nay, sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: triển lãm tranh - ảnh du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, triển lãm mỹ thuật thư pháp - thiền trà, lễ Tế xuân cầu Quốc thái - Dân an, trình diễn Thư pháp Đại tự và Nghệ thuật cắm hoa Thái Lan, các chương trình nghệ thuật đặc sắc, pháp đàn Quán Thế Âm, biểu diễn võ thuật dân tộc, hội đua thuyền truyền thống... và đặc biệt là chương trình khai mạc Biểu tượng Phật ngọc (Hòa bình thế giới) và Xá lợi Phật, cũng như mở Bảo tàng Phật giáo tại chùa đã được khánh thành để người dân và du khách có cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng...".
Theo Ban Tổ chức, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2016 đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, việc Lễ hội năm nay diễn ra đúng vào ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật nên dự kiến sẽ thu hút rất đông du khách thập phương đến tham quan, lễ bái. Điều này cũng dễ phát sinh các vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT. Để giữ được thương hiệu là một Lễ hội "sạch", bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đề nghị các Tiểu ban phải linh hoạt, chu đáo, tỉ mỉ trong từng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phải liên tục duy trì kiểm tra, xử lý việc thực hiện "5 không" trong thời gian diễn ra Lễ hội như: không có trộm cắp, cướp giật, móc túi; không có lang thang xin ăn, ăn xin biến tướng; không xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; không có thức ăn vi phạm VSATTP; không nâng giá giữ xe, không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, đốt vàng mã, áo giấy, hoạt động mê tín dị đoan...
Với sự chuẩn bị chu đáo, công phu và kỹ lưỡng của Ban tổ chức, Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn năm 2016 hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách những khoảnh khắc ấn tượng, thú vị.
Trí Dũng
Các hoạt động chính tại lễ hội: - Ngày 25-3 (nhằm 17-2 ÂL): Lễ Khai kinh Thượng phan - Thượng kỳ (8 giờ), khai mạc triển lãm tranh - ảnh du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (9 giờ), khai mạc hô hát bài chòi khu V (11 giờ), khai mạc Biểu tượng Phật ngọc (Hòa bình thế giới) và Xá lợi Phật (14 giờ), triển lãm mỹ thuật thư pháp - thiền trà (14 giờ), lễ Tế xuân cầu Quốc thái - Dân an, trình diễn Thư pháp Đại tự và Nghệ thuật cắm hoa Thái Lan (18 giờ); khai mạc Lễ hội, biểu diễn Trống hội và múa Trình tường, chương trình nghệ thuật (19 giờ), giao lưu thơ nhạc - đặc san lễ hội (20 giờ), hội hoa đăng (21 giờ). - Ngày 26-3 (18-2 ÂL): khai mạc Ngày chạy vì hòa bình và sức khỏe cộng đồng (6 giờ 30), pháp đàn Quán Thế Âm (8 giờ), khai hội cờ làng (8 giờ 30), biểu diễn võ thuật dân tộc (15 giờ), pháp đàn Quán Thế Âm - cầu nguyện và thiền tọa (19 giờ 30), hội hoa đăng (21 giờ). - Ngày 27-3 (19-2 ÂL): Lễ chính thức - nghi lễ Phật giáo (7 giờ), hội đua thuyền truyền thống (9 giờ); tham quan, chiêm bái Lễ hội (14 giờ); bế mạc Lễ hội - chương trình nghệ thuật (19 giờ); lễ tạ, pháp đàn Quán Thế Âm và hội hoa đăng (21 giờ). |