Lễ hội "Thiên hạ thái bình": Bừng sáng khát vọng ngàn năm của dân tộc

Thứ sáu, 13/04/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - "Thiên hạ thái bình"- một trong những lễ hội "đinh" của Festival Huế 2012 được du khách mong đợi đã diễn ra tối qua tại sân khấu trên mặt nước sông Hương (gần cầu Tràng Tiền). Lễ hội được xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của cả nhân loại và cũng là của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn phải đương đầu với họa ngoại xâm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử về sự hình thành và phát triển một đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm.

Vào thế kỷ thứ X, trong trận đại chiến chống quân Tống lần thứ nhất trên sông Bạch Đằng, bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" đã được Lý Thường Kiệt dõng dạc tuyên bố như một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời". Bài thơ thần ấy được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt. Và đến thế  kỷ XV, sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đất nước, vua Lê Thái Tổ đã ban bố "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi, một lần nữa khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc: "Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".

 Sân khấu "Thiên hạ thái bình" trên sông Hương.

Đến thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trong bản tuyên ngôn lần thứ ba, niềm tự hào về một đất nước văn hiến, hùng cường, thái bình thịnh trị lại càng vang lên mạnh mẽ: "Nước ngàn năm văn hiến/Thống nhất toàn giang san/Thuở vua Hùng lập nước/ Thịnh trị cả trời Nam".

* Với chủ đề "Cuba xưa và nay", Đoàn nghệ thuật dân gian hàng đầu của Cuba Raices Profundas với những vũ điệu sôi động, đầy màu sắc tại Công viên Tứ Tượng (trên đường Lê Lợi) đã cuốn hút người xem. Khán giả như được dịp theo chân những người nô lệ da đen du nhập vào đây từ thời thuộc địa để du ngoạn xuyên suốt dòng văn hóa đặc sắc của đảo quốc xinh đẹp Cuba qua bước nhảy và giai điệu đặc trưng. Các tiết mục kết cấu hài hòa thể hiện quá trình biến chuyển về mặt văn hóa của đất nước Cuba... Trên nền âm nhạc dân gian bản xứ hòa cùng âm nhạc Cuba gốc Phi, khán giả được thưởng thức các vũ điệu nổi tiếng khác như Danzon, Cha-cha-cha, Mambo, Bolero, Salsa Casino.
* Người dân huyện miền núi Nam Đông đã có một buổi tối xúc động, thú vị khi Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã đến biểu diễn chương trình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa miền duyên hải Nam Trung Bộ. Với chủ đề "Về miền cực Đông", chương trình đưa người xem đến một vùng đất nghĩa tình, vùng đất của thi ca, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc anh em.
* Tối qua, tại Cung Diên Thọ (Đại Nội), rất đông du khách đến với chương trình Âm sắc Việt. Đây là con đường sáng tạo âm nhạc riêng mang tên Đối thoại piano và nhạc cổ Việt Nam do hai nghệ sĩ Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên thực hiện. Khác với đêm nhạc đối thoại piano và Hầu Văn trong Festival Huế năm 2010, Festival lần này, hai nghệ sĩ đã mang đến Huế phong vị hoàn toàn mới với liên khúc tác phẩm mang tên 4 bức tranh quê, là 4 mảng màu sáng tối của những cảm xúc được tạo nên bằng 4 mảng đối thoại giữa piano với ngôn ngữ chèo, đờn ca tài tử Nam Bộ và dân ca Huế-Trị Thiên. Cùng đồng hành còn có NSND Thanh Hoài, NSƯT Nguyễn Văn Quý cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống đến từ Hà Nội và Huế.

H.LAN- H.HẬU

Bài thơ mang tính chất tuyên ngôn này được các vua triều Nguyễn cho chạm khắc vào vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa- ngôi điện đặt chiếc ngai vàng biểu trưng quyền lực của triều đại nhà Nguyễn... Từ ý tưởng muốn làm bừng sáng khát vọng ngàn đời của dân tộc qua ngôn ngữ diễn xướng cung đình, lễ hội Thiên hạ thái bình đã được "sân khấu hóa" độc đáo dàn dựng trên mặt nước dòng Hương thơ mộng và trữ tình. Đạo diễn Lê Quý Dương- tác giả kịch bản đã lựa chọn những bài thơ hay nhất của những thi nhân tài hoa hàng đầu Việt Nam đầu thế  kỷ XIX, đã được tuyển chọn và khắc trên các kiến trúc cung đình Huế để làm mạch dẫn cho vở diễn dài 3 chương 9 hồi này. Từ "Nước ngàn năm văn hiến" (chương 1) đến "Muôn dân hưởng thái bình" (chương 2), và kết bằng "Thịnh vượng một trời Nam" (chương 3). Thiên hạ thái bình đã đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và lãng mạn, trữ tình bởi vẻ đẹp của thi- ca- nhạc- họa sóng sánh cùng mặt nước dòng Hương giang trong đêm.

Lễ hội đưa người xem ngược dòng lịch sử để hiểu thêm vùng đất Kinh đô xưa. Hình ảnh cô gái Huế duyên dáng trong tà áo dài trắng, nón lá, bước đi nhẹ nhàng, khoan thai trên đường Lê Lợi, dọc sông Hương trong ngày nắng xuân mơ màng làm xao động tâm  hồn của nhiều thi nhân có dịp đến thăm Huế...

Khép lại chương trình, hàng chục chiếc thuyền trên sông Hương chở từng đôi nam thanh nữ tú cùng nhau thả hoa đăng và những màn pháo hoa lấp lánh tung lên giữa không gian huyền ảo sông nước mây trời, như bừng sáng lên khát vọng ngàn năm của  người Việt Nam...

Hải Lan- Hải Hậu