Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Tri ân công đức các bậc tiền nhân

Thứ sáu, 30/04/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-4 (nhằm ngày 16-3 năm Canh Dần), tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã chính thức diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – nghi lễ đã tồn tại hàng trăm năm nay mang tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đặc biệt, tại lễ hội năm nay, mọi người như được gặp lại đội Hoàng Sa oanh liệt và kiêu hùng từ hơn 300 năm trước cưỡi sóng dữ ra biển Đông mở mang bờ cõi qua hình ảnh những “chiến thuyền” được thả xuống biển trong Lễ khao lề.

Đã thành lệ cả hàng trăm năm nay, cứ vào khoảng giữa tháng 3 (ÂL), người dân huyện đảo Lý Sơn lại cùng nhau chuẩn bị chu đáo cho  ngày lễ trọng: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để được dâng tấm lòng thành của lớp con cháu hôm nay đối với tiên tổ, nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ đầu tháng 3 (ÂL) các tộc họ trên đảo đã bắt đầu chuẩn bị những mâm trầu rượu, hoa quả, sản vật của biển cả cùng gạo, củi, mắm, muối (những thứ mà người lính Hoàng Sa ngày xưa mang theo) và hoa đăng, thuyền lễ, viết hàng trăm linh vị lính Hoàng Sa tử nạn... dâng lên tiên tổ.

Theo chính sử của Nhà nước phong kiến Việt Nam, đội Hoàng Sa được thành lập từ thời “đầu bản triều” tức là vào thời kỳ các chúa Nguyễn bắt đầu thiết lập bộ máy chính quyền ở vùng đất phía Nam của Tổ quốc, và hoạt động liên tục trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hơn 3 thế kỷ, từ thời các chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn sau này. Đội Hoàng Sa sau này còn được bổ sung chức năng kiểm quản Bắc Hải (Trường Sa).

Trong ảnh: Nghi thức thả những chiếc thuyền lễ, bên trong thuyền có hình nhân thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa với các vật dụng tùy thân. 

Đến thời nhà Nguyễn còn có thủy quân tập kết ở vùng biển Sa Kỳ và Lý Sơn để cùng đi Hoàng Sa nhằm đo đạc thủy trình, khai thác sản vật, canh giữ vùng biển đảo, dựng bia cắm mốc chủ quyền lãnh hải quốc gia. Thời ấy đi biển rất khó khăn, phương tiện là những chiếc thuyền câu mong manh trước sóng lớn nên ở Lý Sơn có câu ca dao cho những hùng binh Hoàng Sa: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.

Chính vì thế nên người được chọn đi Hoàng Sa, ngoài sức khỏe phi thường, lòng dũng cảm, còn là con thứ và chưa vợ. Hành trang mà những binh phu đi Hoàng Sa thời ấy, ngoài lương thảo, họ còn mang theo 7 sợi dây mây, 7 nẹp tre, một đôi chiếu và một tấm thẻ bài được khắc tên họ, bản quán của người lính để chẳng may người lính nào hy sinh trên biển, thì sẽ được đồng đội bó xác lại và thả trôi trên biển với hy vọng khi dạt vào đất liền, người dân sẽ biết tung tích họ để đưa về bản quán. Tuy nhiên, thường thì ít người “tìm về” được bản quán nên dân Lý Sơn mới lập các ngôi mộ chiêu hồn để tưởng vọng họ. Trong những ngôi mộ này, chỉ có hình nhân bằng đất sét chứ không có xương cốt. Cũng chính vì vậy ở Lý Sơn hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi mộ chiêu hồn luôn được người dân gìn giữ trân trọng thiêng liêng.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết:  “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm mục đích tôn vinh văn hóa cổ truyền, khơi gợi niềm tự hào về một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lòng biết ơn với các tiền nhân đã bỏ mình vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời lưu truyền, bảo tồn lễ hội này ngày một sâu rộng trong cộng đồng. Qua đó góp phần khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để nâng tầm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trở thành lễ hội Quốc gia, tỉnh Quảng Ngãi đã có tờ trình gửi Bộ VH-TT&DL xin đăng cai Festival Biển-đảo Việt Nam năm 2012, lấy Lễ khao lề thế lính làm hạt nhân. Chính vì vậy, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được xem như  một đợt tổng dượt cho Festival Biển - đảo Việt Nam”.

Các bô lão thực hiện nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. 

Khác với những năm trước, việc tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thường do các dòng họ có người đi lính Hoàng Sa đảm nhiệm, năm nay, lễ được tỉnh và huyện tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, du khách, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tại lễ, một trong những lễ nghi truyền thống quan trọng nhất là hoạt động thả thuyền. Những chiếc thuyền được mô phỏng theo kiểu thuyền câu của ngư dân huyện đảo cách đây hàng trăm năm, bên trong thuyền có hình nhân thủy binh hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa với các vật dụng tùy thân.

Nghệ nhân Võ Hiển Đạt (An Vĩnh, Lý Sơn), cho biết: “Những thanh niên có lối sống đẹp trong làng được phân công lên đỉnh Thới Lới để lấy đất sét về nặn ra những hình nhân thế mạng, tượng trưng cho những người lính; những người có uy tín khác được giao nhiệm vụ tìm kiếm các chất liệu để đóng thuyền và người trực tiếp tham gia chế tác thuyền phải là các bậc cao niên tài cao, đức trọng trong các dòng tộc. Mỗi thuyền  có chiều dài 4m, rộng 1,2m, cao gần 1m, chia làm ba khoang và được đặt ở nơi trang trọng nhất của đình làng, chờ ngày “hạ thủy”.

Tuy chỉ là những chiếc thuyền phục vụ ngày lễ nhưng với cộng đồng cư dân trên đảo, đó là những chiếc thuyền chở nặng tấm lòng tri ân công đức của hậu thế đối với các bậc tiền nhân. Những hình nhân cùng với những chiếc thuyền buồm bé nhỏ hòa vào lòng biển cả, tái hiện một cách sinh động hình ảnh của các hùng binh năm xưa không quản ngại khó khăn, bão tố lên đường thực thi nhiệm vụ thần dân đối với sự vẹn toàn của giang sơn Tổ quốc”. 

Trong ngày đại lễ, hàng chục nghìn người con đất Việt có mặt trên đất đảo đã thay mặt người dân cả nước thắp nén hương tưởng nhớ linh hồn tiền nhân, những người đầu tiên cắm cột mốc chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời khắc ghi trong tâm khảm mình hình vóc thiêng liêng của Tổ quốc không bao giờ tách rời hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cùng ngày, ngành VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức khánh thành quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa bao gồm các công trình như: Đình làng An Vĩnh, tượng đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, nhà trưng bày các tư liệu quý về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, các ngôi mộ gió của các vị Cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Nguyễn Quang Tám... - những vị chỉ huy các đội hải thuyền đi Hoàng Sa, Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển của Tổ quốc năm xưa;  khánh thành miếu thờ đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đồng thời, Sở VH-TT&DL  cũng đã trao Bằng khen của Bộ VH-TT&DL cho tộc họ Đặng đã có công giữ gìn và hiến tặng tài liệu lịch sử quý giá có liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

 Cắt băng khánh thành Đình Làng An Vĩnh.

Bài, ảnh: Lê Hùng