Lên mạng mua Iphone ảo

Thứ bảy, 06/09/2014 11:01

(Cadn.com.vn) - Lừa đảo dưới hình thức mua bán điện thoại qua mạng Internet đã được cảnh báo nhiều, người dân cũng đã đề cao cảnh giác, nhưng dưới những chiêu bài tinh vi, các đối tượng vẫn khiến nhiều người rơi vào bẫy. Câu chuyện của chị T.H. (1990, trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) là một ví dụ điển hình.

Sáng 3-9, chúng tôi tìm gặp và được nghe lại câu chuyện của chị T.H. về việc bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt 7,5 triệu đồng cách đây vài ngày. Chị T.H. rầu rĩ cho biết: “Bình thường tôi chẳng quan tâm đến việc mua bán trên mạng và cũng rất ít khi vào các trang mạng đăng thông tin về mua và bán các sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, không hiểu sao hôm đó tôi lại click chuột vào và thấy cái điện thoại hiệu Iphone 5 có giá khá rẻ nên liên lạc với người bán rồi... mới bị lừa”. Số là ngày 27-8, chị T.H. vào trang web chotot.vn để tìm mua một chiếc điện thoại đã qua sử dụng.

Qua tìm hiểu, chị T.H. được biết có một người tên Nam ở TPHCM muốn bán một chiếc Iphone 5, bản 32G với giá 7,5 triệu đồng. Theo giới thiệu của Nam, chiếc điện thoại này mới mua được 2 tháng tại một siêu thị có tên tuổi và được bảo hành toàn quốc. Do không có nhu cầu sử dụng nên bán lại để gỡ vốn... Thấy rẻ nên chị T.H. liên lạc nói chuyện và thỏa thuận chuyện mua bán, cách thức giao hàng. Sau khi 2 bên nói chuyện, Nam đưa địa chỉ nơi mình ở và thông tin cá nhân, tài khoản cho chị T.H. để tạo lòng tin và bảo sẽ chuyển hàng khi nhận được đặt cọc 50% giá trị máy, sau khi nhận hàng sẽ chuyển 50% số tiền còn lại.

Tờ giấy ghi thông tin do Nam chuyển cho chị T.H.

Nói là thế, nhưng đến sáng 28-8, Nam điện thoại cho chị T.H. nói đã chuyển phát nhanh chiếc điện thoại Iphone qua đường bưu điện. Để làm tin, Nam còn chụp ảnh tờ giấy chuyển phát nhanh và thông tin về sản phẩm cho chị T.H. xem. Vốn là người kỹ tính nên sau khi nhận được thông tin sản phẩm, chị T.H. cũng điện thoại đến đơn vị bán hàng và hỏi về số seri trên sản phẩm của Nam đã chuyển thì được xác nhận là có sản phẩm đó. Các thông tin về người gửi, người nhận, ngày tháng gửi... đều trùng khớp, không còn nghi ngờ về vụ mua bán nên chị T.H. ra ngân hàng trên địa bàn P. Thạch Thang (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) chuyển 3,8 triệu đồng vào tài khoản mà Nam đã cho trước đó để đặt máy. Còn Nam, sau khi nhận được tiền thì cũng nhắn tin lại cho chị T.H. và yêu cầu thanh toán 50% số tiền còn lại sau khi nhận được hàng.

Chiều cùng ngày, chị T.H. lại nhận được một cuộc điện thoại, đầu dây bên kia có người tự xưng là nhân viên bưu điện, hiện đang chuẩn bị đến giao bưu phẩm từ TPHCM gửi ra cho chị. Vị nhân viên bưu điện này cũng yêu cầu chị T.H. chuyển số tiền còn lại vào tài khoản thì sẽ nhận được bưu phẩm. Tin rằng hàng đã về với mình nên sáng 29-8, chị T.H. tiếp tục ra ngân hàng chuyển số tiền còn lại và chờ đợi nhân viên bưu điện đến giao hàng nhưng chẳng thấy đâu. Nóng ruột, chị điện thoại cho nhân viên bưu điện thì được biết, khoảng 14 giờ chiều cùng ngày sẽ nhận được, nhưng đợi dài cổ vẫn chưa thấy bưu phẩm đâu...

Các tin nhắn trao đổi giữa Nam và chị T.H về việc thỏa thuận mua chiếc điện thoại.

Đưa cho chúng tôi xem tờ giấy chuyển phát nhanh của Nam gửi rồi chị T.H. giải thích, sau khi gọi nhiều lần vào các số máy mà trước đây đã liên lạc với Nam không được, tôi đành đến bưu điện chuyển phát nhanh của Đà Nẵng để hỏi thăm tình hình. Sau khi trình bày sự việc, một số nhân viên tại đây cho biết có nhiều trường hợp tương tự cũng đến hỏi, tuy nhiên thực tế là bưu phẩm không được chuyển đến. Sau khi tra cứu thông tin dữ liệu về mã bưu phẩm trên phiếu chuyển phát nhanh thì nhân viên chuyển phát nhanh Đà Nẵng phát hiện ra mã hàng này đã được chuyển đi từ tháng 3-2014. Đến lúc này chị T.H. mới biết rằng mình đã bị lừa... nên đến cơ quan CA trình báo sự việc.

Trao đổi với chúng tôi sáng 3-9, Trung úy Nguyễn Thành Nhân - CAP Thạch Thang cho biết hiện đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của bị hại và tiếp tục phối hợp điều tra, làm rõ sự việc. Tuy nhiên, qua vụ việc này cơ quan CA cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo thông qua việc buôn bán qua mạng Internet hiện nay diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, người mua hàng cần cảnh giác cao độ, chỉ nên mua ở những nơi uy tín, đảm bảo sự tin tưởng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc bị lừa đảo.

Ngoài ra, qua nắm bắt các vụ việc cũng cho thấy, hiện một số đối tượng lừa đảo thường mua lại hoặc thuê thẻ ATM, CMND của các bạn học sinh, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp... sau đó đưa số tài khoản, thông tin cho bị hại chuyển tiền vào. Khi có tiền các đối tượng sẽ rút ngay và trả phí cho người cho mượn. Từ đó cũng cảnh báo cho các bạn HS-SV, công nhân cần cẩn trọng trong việc bán, cho thuê, cho mượn thẻ ATM, CMND... để tránh những rắc rối về sau.

Nguyễn Tuấn