“Lịch sử an ninh khu V thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu Nước"- Món quà vô giá cho các thế hệ mai sau
(Cadn.com.vn) - Ngày 19-5, tại CATP Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Lê Thế Tiệm-Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ CA, Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ về “Lịch sử An ninh khu V (ANKV) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” đã diễn ra trong niềm vui, sự chào đón nồng nhiệt của những đồng chí cách mạng lão thành- những CBCS an ninh đã sống, chiến đấu trong chiến trường khu V khốc liệt. “Lịch sử ANKV thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” là pho sử thấm đẫm đau thương, anh dũng và bi tráng của quân và dân khu V lúc bấy giờ...
Theo Đại tá Nguyễn Trọng Khuê- Chủ nhiệm đề tài, từ giữa năm 2005, thể theo nguyện vọng của các đồng chí cách mạng lão thành chiến đấu tại khu V cũ, Bộ CA đã quyết định cho nghiên cứu quá trình chiến đấu và trưởng thành của khu V, lưu lại cho các thế hệ CA mai sau. Đồng thời qua đó phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh kiên cường của quân và dân khu V trong kháng chiến chống ngoại xâm. Từ đó đến nay, Ban Chủ nhiệm đề tài đã sưu tầm hơn 2.000 tư liệu quan trọng, trong đó có hàng trăm điện mật của Bộ CA gửi ANKV, lưu trữ ở Cục Cơ yếu, Cục Hồ sơ An ninh; hàng trăm Chỉ thị, báo cáo tổng kết, báo cáo tình hình của Ban ANKV từ năm 1962 - 1975. Những người tham gia đề tài đã đọc, nghiên cứu tham khảo 53 cuốn lịch sử, nghiên cứu lịch sử của CA 12 tỉnh miền Trung để tìm những tài liệu quan trọng... Trên cơ sở đó, Ban biên soạn đã hệ thống các tư liệu, sự kiện lịch sử gồm hơn 400 trang, xây dựng đề cương chi tiết để tiến hành hội thảo nhằm thu thập thêm tài liệu cho cuốn sách...
![]() |
Thượng tướng Lê Thế Tiệm chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí cách mạng |
Theo đó, nội dung đề tài được chia làm 5 chương. Trong đó chương I nói về thời kỳ (từ tháng 7-1954 đến 12-1960)- ANKV chuyển hướng tổ chức, hoạt động từ giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương" của Mỹ-Diệm; Chương II (1961-3- 1965)- ANKV thành lập, đấu tranh chống phản cách mạng, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược , phá kế hoạch bình định và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ- ngụy; Chương III (1965-1968)- ANKV quyết tâm đánh Mỹ, diệt ngụy, góp phần đánh bại hai cuộc phản công mùa khô và Chiến lược “Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ; Chương IV (1969-1972)- ANKV kiên cường bám đất, bám dân, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, bình định và một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy; Chương V (1973-1975)-ANKV đấu tranh chống địch phá hoại Hiệp định Paris, dốc sức cùng cả nước Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Trung Trung Bộ, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau ngày giải phóng Ban ANKV đã nhanh chóng triển khai các mặt công tác quản lý an ninh, trật tự vùng giải phóng như tổ chức đưa đối tượng ra trình diện, giáo dục, cải tạo, truy quét bọn phản cách mạng, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.
Phần kết, Đề án dành để nêu ra 4 bài học kinh nghiệm lớn của lực lượng ANKV rút ra trong hơn 20 năm kháng chiến cực kỳ gian khổ. Các bài học kinh nghiệm đó, đến nay tuy chưa thật đầy đủ, nhưng đã đánh dấu những nỗ lực hết sức to lớn của Ban biên soạn đề án. Và, Đề án thực sự là một pho sử, một nguồn tư liệu quý giá đúng như các ý kiến của đại biểu tham dự.
Theo đồng chí Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Phùng Hồng, TBT Tạp chí CAND, cuốn sử là món quà vô cùng hữu ích cho mọi thế hệ sau, ra đời tuy hơi muộn nhưng hết sức cần thiết. Cuốn sử có cấu trúc đề tài tương đối ổn định; phương pháp phối hợp lịch sử chung, lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc là đúng hướng, đặc biệt là có tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến của các đồng chí cách mạng lão thành là hết sức cần thiết, qua đó nắm bắt những thông tin cần thiết để làm rõ từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Đây là một công trình LS công phu chất lượng, tuy nhiên công trình còn thiếu phần kết luận, một phần hết sức quan trọng, nó đúc kết hầu hết những nội dung chính, nếu được chỉnh đổi, bổ sung thì công trình sẽ nâng cao giá trị. Tuy nhiên, đồng chí đánh giá cao và đồng ý nghiệm thu đề tài và cho xuất bản, xứng đáng xếp vào loại xuất sắc.
![]() |
Đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến cho Đề tài. |
Đồng chí Thiếu tướng, GS-TS Bùi Quảng Bạ, Phó Tổng cục trưởng TC1 cũng cho rằng, Đề tài đạt yêu cầu, chất lượng, viện dẫn các tư liệu lịch sử có độ tin cậy cao, đề tài hệ thống trình bày rõ ràng, súc tích những bước đi thăng trầm của cuộc đấu tranh cực kỳ anh dũng của CBCS ANKV, là tài liệu vô cùng quý báu của lực lượng CA nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Đề tài đã sử dụng và viện dẫn chính xác, sử dụng nguồn tư liệu phong phú, sinh động, lối viết hấp dẫn, cụ thể đã chắt lọc qua từng trang viết, chứng tỏ tâm huyết của các thành viên trong Ban thực hiện đề tài. Dự thảo đã được gửi đi lấy ý kiến nhiều lần tại CA các đơn vị, địa phương đã thể hiện độ chính xác cao, cuốn sách thể hiện tinh thần tập thể sáng tạo, tạo nên giá trị quan trọng.
Là người trực tiếp lãnh đạo chiến đấu cùng Ban ANKV, là nhân chứng... đồng chí Nguyễn Tập - nguyên Phó Ban ANKV chỉ ra rằng, tập sách đôi chỗ chưa nói hết được những khó khăn, ác liệt của lực lượng an ninh, đặc biệt cả trong những thắng lợi, bởi ta càng thắng lợi kẻ địch càng điên cuồng, cách mạng càng gặp nhiều khó khăn, không có thắng lợi nào mà không có sự hy sinh. Trong những bài học nên có thêm bài học về công tác tư tưởng, xây dựng lực lượng, đó là việc làm hết sức khó khăn, làm sao để xây dựng tinh thần cách mạng, khí thế cách mạng, trong điều kiện hy sinh, mất mát to lớn, làm thế nào để rũ bỏ tư tưởng ngại hy sinh, gian khổ trong lực lượng; bài học về công tác xây dựng căn cứ trong điều kiện địch tìm diệt, tàn sát dã man; cần phân tích thêm trong bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp nghệ thuật của lãnh đạo khu V bấy giờ.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Thế Tiệm đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của ban chủ nhiệm đề tài. Đề tài đã có phương pháp nghiên cứu thích hợp, nội dung đề tài mang tính khoa học sâu sắc. Tuy nhiên vẫn còn một số thiếu sót cần chỉnh sửa, Ban Chủ nhiệm đề tài cần nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục chỉnh sửa để mau chóng hoàn thành đi vào xuất bản phục vụ cuộc chiến đấu, xây dựng của chiến sĩ ta, đồng bào ta.
Cũng theo Thượng tướng Thứ trưởng Lê Thế Tiệm, trong các bài học kinh nghiệm, cần nói rõ sức mạnh của dân, tấm lòng bảo bọc, che giấu cán bộ của nhân dân; sự chia sẻ thông tin tình báo, sự chỉ đạo kịp thời của Bộ... nhờ vậy ANKV đã giành được chiến thắng, nhanh chóng khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, càng không thể quên sự chi viện cán bộ từ các địa phương miền Bắc, gần như là sự tiếp máu, động viên để ANKV mau chóng phục hồi sau những tổn thất... ghi được những chiến công vang dội, làm tiền đề cho những trang sử hào hùng ANKV hôm nay...
Thu Hương