Lịch sử về cốt cách "hay cãi" của người Quảng Nam

Thứ ba, 22/01/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Câu nói dân gian "Quảng Nam hay cãi" không biết xuất xứ từ đâu, có từ bao giờ, và nhận xét có hoàn toàn đúng với cốt cách của người dân xứ Quảng hay không?

Lý giải hiện tượng "Quảng Nam hay cãi", Phó giáo sư ngôn ngữ học Vương Hữu Lễ (trước năm 1975 dạy ở Đại học Văn khoa Huế, sau năm 1975 dạy Đại học Tổng hợp Huế - nay là Đại học Khoa học Huế) cho rằng: điểm xuất phát câu truyền khẩu này liên quan đến sự kiện cách nay hơn 75 năm. Khởi đầu là cuộc bút chiến giữa hai nhà báo Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế vào năm 1924. Ông Quỳnh đề cao Truyện Kiều là "quốc hồn, quốc hoa, quốc túy", cụ Ngô Đức Kế chống lại bằng bài viết "Nền quốc văn và Luận chính học cùng tà thuyết". Cụ Nghè Ngô vạch đúng tim đen nên một thời gian dài Phạm Quỳnh yên lặng. 6 năm sau, cả nhà báo Phan Khôi trên báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn và nhà báo Huỳnh Thúc Kháng trên báo Tiếng Dân ở Huế lên tiếng về sự yên lặng của ông Quỳnh. Thế là cuộc tranh luận có tiếng vang trong khắp nước bởi 3 nhà báo tiếng tăm và sắc sảo của các tờ báo lớn trong nước thời ấy. Và hơn 10 năm sau (1941), lại hai nhà báo gốc Quảng này lại bắt bẻ nhau về chuyện "thơ mới" được đăng tải trên báo Tiếng Dân và Dân Báo. Chính vì lẽ đó mà công luận chú ý "giọng nói" của hai ông và người ta nghĩ rằng người Quảng Nam có tính "hay cãi". "Thơ mới" đã thắng không phải là lý lẽ tranh luận mà là đỉnh cao của những tác phẩm giàu sức truyền cảm của nhiều thi sĩ tài năng.

Sách Đại Nam nhất thống chí triều bản Tự Đức viết về phong tục Quảng Nam: "... học trò chăm học hành, nông dân chăm đồng ruộng, siêng sản xuất mà ít đem cho, vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công. Quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh, tiểu nhân khí khái mà hay kiện tụng...". Và trong Đại Nam nhất thống chí triều Duy Tân lại nhận định: "... sĩ phu có khí tiết cứng cỏi bạo nói, nhưng vì thổ lực không hậu mà thế nước chảy gấp nên tính người hay nóng nảy, ít trầm tính, duy có người nào có học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc".

Thế đấy, Quốc sử quán triều Nguyễn đã nói về cốt cách của người Quảng Nam là "người trí thức có khí tiết cứng cỏi, bạo nói, tính tình nóng nảy; người ít học ưa kiện tụng" chứ không phải "cãi" kiểu ba phải, "cãi chày cãi cối", "lý sự cùn" như một số giai thoại tiếu lâm tếu táo kể với nhau cho vui tai. Từ vụ kiện tụng "xin giảm nhẹ sưu cùng các món thuế" (chữ của Huỳnh Thúc Kháng) ở một huyện dẫn đến sự kiện lớn khắp tỉnh Quảng Nam  vào đầu thế kỷ XX được xem là cuộc biểu tình vĩ đại của quần chúng mà nhiều nhà sử học gọi là cuộc "dân biến ở miền Trung", là "sự thao diễn" với quy mô lớn nhất trong lịch sử dân tộc đòi dân quyền và là "cuộc đấu tranh chính trị bất bạo động, có tầm mức quan trọng từ trước chưa từng thấy ở Việt Nam" (dẫn theo Thạch Phương, Cái chết của người Quảng Nam).

Quả thực lịch sử đã ghi nhận nhiều danh nhân và nhiều con dân đất Quảng đã "cãi" đến nơi đến chốn và "kiện tụng" vì lý lẽ của mình trong thời cuộc nhất định. Nhưng điều ấy không phải riêng cho vùng đất Quảng Nam. Bởi lẽ, từ xưa cụ Chu Văn An, người Hà Nội đã từng dâng sớ lên vua Trần Dụ Tôn xin chém 7 tên lộng thần. Cao Bá Quát người Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội) đã nhiều lần không tiếc lời châm biếm, đã kích vua tôi triều Nguyễn, sau theo cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Cự, bị Tự Đức tru di tam tộc. Hay như Tiến sĩ Phan Đình Phùng người Hà Tĩnh nổi tiếng thẳng thắn và liêm khiết, thời ông làm Ngự sử ở Đô Sát viện chưa bao giờ bỏ qua việc xấu nào dù là nhỏ nhất, nên từ vua đến quan không ai ưa, nhưng ai cũng kính nể ông. Nguyễn Hàng Chi cũng là người Hà Tĩnh, vốn hay chữ nhưng không thèm thi cử. Ông vốn là người chịu ảnh hưởng của phong trào Duy tân, nên khi nghe tin vụ "xin giảm nhẹ sưu thuế" ở Quảng Nam, ông giả làm người đi bán quế đi lại nhiều nơi trong tỉnh để vận động và phát tờ "Thông tri" do chính ông soạn thảo với nội dung: "Đáng yêu thay dân Quảng Nam; Đáng kính thay dân Quảng Nam; Đáng học thay dân Quảng Nam..." được truyền bá rộng rãi và dấy lên cuộc "xin sưu" rầm rộ khắp Hà Tĩnh, sau bị khủng bố ông tự nhận trách nhiệm tất cả thuộc về mình và bị chính quyền thực dân hành quyết sau thành Hà Tĩnh... Đó có phải là những cuộc "cãi vã" có tính thời đại của các con người trước thời cuộc đen tối hay không?

Chuyện "cãi" không riêng gì cho người Quảng Nam mà cho tất thảy những người có ý thức bảo vệ cho lời lẽ và hành động đúng của mình.

Phan Thanh Minh