Liên Chiểu căng mình chống dịch Sốt xuất huyết

Thứ hai, 13/06/2022 10:36
Cùng với một số tỉnh thành trong cả nước, Đà Nẵng đang bước vào những tháng cao điểm dịch sốt xuất huyết (SXH), trong đó Liên Chiểu là một trong những điểm nóng nhất. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng quận Liên Chiểu đã, đang triển khai mạnh các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn dịch SXH bùng phát...
Các lực lượng chức năng và người dân thực hiện các giải pháp phòng tránh dịch Sốt xuất huyết.
Các lực lượng chức năng và người dân thực hiện các giải pháp phòng tránh dịch Sốt xuất huyết.

Trao đổi với phóng viên, Bác sỹ Nguyễn Thị Ly Na – Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, tỏ ra lo lắng trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp trên địa bàn. Chỉ khoảng hơn một tháng trở lại đây, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu gia tăng đột biến. Tại khoa Nội, hiện có tới gần 30 bệnh nhân đang điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 5-2022. Theo Bác sỹ Ly Na, hầu hết bệnh nhân khi đến thăm khám có biểu hiện sốt cao đột ngột từ những ngày đầu, được các bác sĩ hướng dẫn điều trị ngoại trú. Trường hợp bệnh nhân phát hiện có diễn biến nặng thì lập tức nhập viện để điều trị nội trú.

Cũng theo Bác sỹ Ly Na, qua giám sát dịch tễ cho thấy, trung bình mỗi tuần trong tháng 5-2022, quận Liên Chiểu ghi nhận tới hơn 40 ca mắc SXH, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên đến gần 700 ca. Đây là con số đáng quan ngại, bởi tính đến thời điểm này, toàn TP ghi nhận chỉ khoảng hơn 1.630 ca (chưa ghi nhận ca tử vong, tăng hơn 12,6 lần so với cùng kỳ năm 2021) thì Liên Chiểu đã chiếm gần phân nửa. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát kéo dài trên diện rộng, thời gian qua, ngành Y tế quận Liên Chiểu đã xử lý kịp thời 74 ổ dịch nhỏ, ngăn dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, thông tin: Thời gian gần đây những ổ dịch nhỏ xảy ra nhiều, trong đó nguy cơ cao là phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam. Nhằm kịp thời khống chế dịch lây lan, lãnh đạo khoa chỉ đạo đội ngũ y, bác sỹ thực hiện tuân thủ theo hướng dẫn. Cụ thể, nếu số ca mắc và số Vecter trên ngưỡng thì ngoài xử lý ổ dịch nhỏ, còn xử lý chủ động đối với những vùng nguy cơ cao.

Thực tế địa bàn Liên Chiểu trong những ngày qua, phóng viên nhận thấy rất nhiều phường trên địa bàn quận này đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tránh tình hình dịch bệnh lây lan, như: Huy động các lực lượng, nhân dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; tuyên truyền vận động người dân thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; thực hiện đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Điển hình là phường Hòa Khánh Nam.

Đây là địa phương có nhiều khu vực trũng thấp, nhiều sinh viên, công nhân thuê trọ, nên số ca mắc mắc SXH cũng nhiều. Vì thế, chính quyền phường hết sức xem trọng công tác phòng chống, nhằm ngăn chặn dịch bùng phát. Ông Thân Đức Minh – Chủ tịch UBND phường chia sẻ: “Nhiều tháng qua, phường đã triển khai đồng loạt ra quân cùng với khu dân cư diệt lăng quăng, bọ gậy, không để tồn tại những vật dụng chứa nước gây phát sinh lăng quăng, muỗi vằn gây SXH.

Với các khu dân cư, vận động người dân duy trì thường xuyên việc ra quân vệ sinh môi trường và xử lý tốt các ổ dịch, nhất là những nơi trũng thấp, dễ phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó, phường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân nhất là công nhân, sinh viên ở trọ trên địa bàn, qua đó giúp người dân nâng cao ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, chung tay cùng với địa phương khống chế dịch SXH, tiến tới đẩy lui dịch bệnh.

Cùng với các biện pháp mà ngành y tế quận đang triển khai, chính quyền quận Liên Chiểu đã và đang chỉ đạo tất cả các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân từng ngõ phố, kiệt hẻm chung tay góp sức thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, để ngăn muỗi sinh sôi, gây bệnh; đồng thời triển khai mọi biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế tại mỗi hộ gia đình, tránh những ổ dịch gia tăng, phát sinh trong cộng đồng.

Công Hạnh