Liên quan đến bài báo “Làng quê náo loạn vì cô đồng trở về”: Sự lừa dối, vong ân, bội nghĩa của bà Phan Thị Chín

Thứ sáu, 18/07/2014 11:12

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-7, Báo Công an TP Đà Nẵng có bài viết “Làng quê náo loạn vì cô đồng trở về” phản ánh việc bà Phan Thị Chín (1967, trú thôn 5, xã Bình Dương, H. Thăng Bình, Quảng Nam) mâu thuẫn với gia đình anh ruột là ông Phan Đức Tú (1957). Hậu quả gia đình ông Tú bị gia đình bà Chín đánh trọng thương. Bên cạnh đó, bài viết còn đề cập đến việc “lên đồng” chữa bệnh của bà Chín... Sau khi bài báo đăng tải, bà Chín đã có đơn phản ánh đến Báo, cho rằng “bài viết phản ánh sai sự thật”. Tuy nhiên, qua những tư liệu, chứng cứ và ý kiến của cơ quan chức năng mà P.V thu thập được, chúng tôi khẳng định bài viết phản ánh hoàn toàn chính xác.

Khởi tố, bắt giam chồng bà Chín

Trong đơn gửi đến Báo Công an TP Đà Nẵng, bà Chín cho rằng: bài viết hoàn toàn vô lý, sai sự thật và vu khống. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận của CA địa phương cũng như Tòa án các cấp nhưng báo đã đăng sự thật, ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của bà; bài báo nói tôi vi phạm pháp luật về việc đồng bóng bói toán, mê tín dị đoan và thuê giang hồ về gây rối an ninh trật tự. Bà còn cho rằng nếu bà vi phạm pháp luật thì từ năm 2006 đến nay sao không bị chính quyền các cấp triệu tập hoặc xử lý...

Ông Phan Đức Tú bị gia đình bà Chín đánh trọng thương.

Tuy nhiên, tiếp tục xác minh để trả lời ý kiến của bà Phan Thị Chín cũng như thông tin đến bạn đọc, ngày 17-7, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, Thượng tá Trần Văn Xuân, Phó trưởng CAH Thăng Bình cho biết: Liên quan đến vụ việc trên, CQĐT đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Nguyễn Văn Thống (1967, chồng bà Phan Thị Chín) vì hành vi “Đánh người gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Còn ông Đỗ Thành Vân, CAV thôn 5 (xã Bình Dương) cho biết: “Các đối tượng đánh gia đình ông Tú được bà Chín chứa chấp. Khi CAX Bình Dương đến làm việc cả bà Chín và các đối tượng không hợp tác, xem thường pháp luật khiến người dân rất bức xúc... Đây là sự việc rất nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, cố ý gây thương tích và bà Chín về việc chứa chấp các đối tượng, nhằm răn đe, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm”.

Bất nhân, bất nghĩa

Trở lại vụ việc mâu thuẫn giữa hai anh em ông Tú và bà Chín, sau khi ông Tú bị đánh nhập viện thì người dân trong thôn 5, rồi đến các thôn khác ùn ùn kéo đến nhà bà Chín. Vốn đã không thiện cảm với lối sống của gia đình bà Chín, lại thêm thông tin bà thuê “giang hồ, xã hội đen” về đánh anh ruột mình khiến người dân trong xã bức xúc và họ rủ nhau đến nhà “cô đồng bói toán” để chửi bới cho hả lòng. Đến lúc đó, sự việc đã trở thành điểm nóng phức tạp, gây mất ANTT.

Từ 17 giờ ngày 6-7 cho đến 3 giờ ngày 7-7, gần 1.000 người dân đã tập trung trước nhà bà Chín la hét, chửi rủa và ném đá vào nhà bà ta. Nhận được tin báo, CAH Thăng Bình nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, khi mời các đối tượng trong nhà bà Chín về phục vụ điều tra thì vấp phải sự phản ứng của người dân. Khi CA đưa các đối tượng ra khỏi nhà khoảng 2 mét thì bị người dân chặn lại, có người còn ném đá vào các đối tượng.

Trước tình hình trên, đích thân Đại tá Phan Ngọc Ngự, Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo UBND, UBMTTQVN H. Thăng Bình xuống hiện trường, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân giải tán. Đến 3 giờ ngày 7-7, nhân dân mới đồng ý để lực lượng chức năng đưa các đối tượng có liên quan từ nhà bà Chín về trụ sở CAH làm việc.

Như vậy có thể thấy, chỉ việc cỏn con mà chính gia đình bà Chín đã đẩy sự việc đến đỉnh điểm, khiến quần chúng nhân dân bức xúc, tạo điểm nóng, gây mất ANTT tại địa phương. Tiếp xúc với chúng tôi, ông N.V.T. (65 tuổi, trú thôn 5, Bình Dương) bức xúc: “Việc gọi người khác đến để đánh anh, đánh cháu mình là điều bất nhân, bất nghĩa rồi”.

Cho rằng bà Chín chiếm dụng nhà, đất của mình để “đồng bóng”,
nhiều lần ông Phan Công Hai đập phá đuổi bà Chín ra khỏi nhà.

Ai bao che cho bà Chín?

Trong đơn, bà Chín cho rằng bà không hành nghề “cô đồng chữa bệnh”, thế nhưng qua tiếp xúc với ông Phan Công Hai (1977, em ruột bà Chín) đã bức xúc cho biết: “Nhà tôi ở cạnh nhà bà Chín, trước khi sự việc ngày 6-7 xảy ra, mỗi ngày có đến hàng trăm người thay phiên nhau đến nhà bà Chín để xem bói chứ không phải hàng chục. Cái nghề đồng bóng bà Chín đang mưu sinh là cái nghề lừa gạt thiên hạ để lấy tiền. Người dân ở đây không tin và cũng không ai đến xem bà Chín bói toán”.

Còn ông Phan Đức Tú khi nghe chúng tôi hỏi về bà Chín, ông ngậm ngùi: “Đau lòng nhất là người em ruột lại thuê giang hồ về đánh gia đình anh trai”. Ông Tú kể, khoảng năm 1988, sau khi buôn bán mắc nợ nần nhiều, bà Chín trốn khỏi địa phương. Năm 1996, ông bàn với người em út là Phan Công Hai đi tìm. Suốt nhiều năm trời, từ Hà Nội đến Sài Gòn, cuối cùng ông Hai đã tìm được người chị gái của mình khi đang ở Sài Gòn. Khi bà Chín về, anh em người cho mượn đất, người bỏ tiền ra làm nhà, người mua cho xe máy để bà Chín có điều kiện sinh sống. Thấy anh em được đoàn tụ, mẹ ông vui lắm, bà con hàng xóm cũng mừng cho gia đình ông. Thế nhưng, từ khi trở về, bà Chín đã thay đổi tâm tính. Tự dưng, bà chuyển nghề lên đồng, bói toán. Biết bà muốn làm giàu bất chính, gia đình đã can ngăn nhưng bà không nghe.

“Kể từ đó, quan hệ giữa bà với anh em trong nhà rạn nứt. Để bà Chín không còn hành nghề lừa đảo thiên hạ, anh em có họp lại bảo bà Chín dọn đi nơi khác ở nhưng bà Chín không chịu đi”, ông Phan Công Hai cho biết thêm.

Có thể thấy, bà Phan Thị Chín đã hành nghề “đồng bóng” trái phép một thời gian dài tại đây, thế nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hề dẹp bỏ. “Việc đồng bóng của bà Chín tôi có nghe. Đây thuộc thẩm quyền của địa phương và ngành văn hóa, thế nhưng sao lâu nay không thấy dẹp tôi cũng không hiểu nữa”- Thượng tá Trần Văn Xuân nói.

Bài, ảnh: Trần Tân