Liên tục giảm giá nhiên liệu: Ai cũng kêu khó, trừ ngư dân

Thứ hai, 26/01/2015 09:51

(Cadn.com.vn) - Mặc dù giá xăng dầu đã giảm sâu lần thứ 2 chỉ chưa đầy 1 tháng đầu năm 2015 song giá hàng hóa vẫn không có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) vận tải cho rằng chi phí nhiên liệu trong giá thành chiếm tỷ lệ thấp và việc phải điều chỉnh giảm giá cước liên tục khiến DN gặp nhiều khó khăn.

Khó giảm giá hàng hóa

Giá nhiên liệu giảm mạnh đã  tác động tích cực tới hoạt động khai thác hải sản, bởi lẽ chi phí nhiên liệu trong mỗi chuyến ra khơi của ngư dân thường chiếm tới 2/3 tổng chi phí. Ngư dân Hứa Anh Sắt (56 tuổi, chủ tàu đánh cá số hiệu QNG-92155TS) đang neo đậu tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) cho biết, mỗi chuyến đi biển phải tiêu tốn 1.000 lít dầu/ngày, tính ra phí tổn gần 180 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi giá dầu giảm liên tục 2 lần trong tháng qua khiến chi phí nhiên liệu trên tàu của ông  giảm được 30 triệu đồng/chuyến. Tương tự, anh Phạm Ngọc Vệ (39 tuổi, quê Bình Định, chủ tàu BĐ-96903TS) vui mừng cho biết, tàu cá của mình đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến đi khoảng 20 ngày, tiêu tốn khoảng 5.000 lít dầu, phí tổn khoảng 90 triệu đồng. Việc giá dầu giảm đã giúp giảm đáng kể chi phí trong mỗi chuyến ra khơi. Anh Vệ nói, có những đêm lòng vòng ngoài khơi, riêng lượng dầu để chạy máy phát điện chiếu sáng đã hết khoảng 1 triệu đồng/đêm, nhưng không phải lần nào cũng tìm được luồng cá. Thế nên giá dầu giảm, nếu chuyến nào đi rủi ro thì tổn thất cũng đỡ hơn. Đặc biệt giá dầu giảm đã tạo sự hồ hởi cho ngư dân yên tâm ra khơi hơn.

Các DN vận tải hàng hóa cho rằng tự thị trường sẽ điều tiết giá cước
chứ không cần cơ chế quản lý.

Trong khi đó, trước việc giá xăng dầu giảm liên tục, người dân cũng mong chờ tác động giảm giá hàng hóa tiêu dùng. Tuy vậy, điều này chưa xảy ra khi giá đa số hàng hóa vẫn “đứng im”. Chị Ngọc Xuân, chủ đại lý rau củ quả lô 434 Chợ đầu mối Hòa Cường cho biết,việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải rất chậm, sau 13 lần giảm giá xăng dầu trong năm 2014 nhưng mãi gần đây giá cước vận chuyển rau củ về chợ mới giảm. Cụ thể, rau quả từ Đà Lạt về Đà Nẵng giảm cước từ 2 ngàn đồng/kg xuống 1,5 ngàn đồng/kg; từ TPHCM trước đây 2,5 ngàn/kg giờ giảm xuống còn 1,8 ngàn/kg; giá cước từ An Khê (Gia Lai) về cũng giảm khoảng 200 đồng/kg.  Ông Nguyễn Công An- Trưởng BQL chợ đầu mối Hòa Cường nói, giá cước vận tải giảm song rất khó để tác động giảm giá hàng hóa. Bởi lẽ giá hàng hóa còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là nguồn hàng cung ứng, thời tiết... Chính điều này mới tác động lớn tới biến động giá hàng hóa. Trong thực tế, khi giá nhiên liệu tăng, giá cước tăng và kéo theo giá hàng hóa cũng “té nước theo mưa”, nhưng khi giá cước giảm thì giá hàng hóa vẫn đứng im. Vào thời điểm cuối năm này, nhu cầu mua sắm cao, việc giảm giá hàng hóa càng khó khăn. Ông Nguyễn Long Trung- Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng cho biết, mỗi tháng đơn vị vận chuyển khoảng 20 container (24 tấn) và xe tải (12 tấn) hàng hóa về Đà Nẵng, với chi phí vận tải khoảng 500 triệu đồng. Trong đợt giảm giá xăng này, các DN vận tải vẫn chưa giảm giá cước. Tuy vậy, trong lúc chờ làm việc với các DN để giảm giá cước thì đơn vị đã chủ động giảm giá hàng hóa trước thông qua việc đàm phán với các nhà cung cấp sản phẩm.

Ngư dân vui mừng vì giá nhiên liệu giảm giúp họ giảm đáng kể chi phí
trong mỗi chuyến ra khơi.

DN vận tải cũng than khó

Hiệp hội vận tải taxi Đà Nẵng cho biết, đang lên kế hoạch để giảm giá cước taxi trong tuần tới sau tác động giảm giá xăng vừa qua. Trong khi đó, ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận chuyển hàng hóa đường bộ Đà Nẵng tính toán, trong đợt giảm giá xăng dầu 12% này các DN vận tải sẽ giảm giá cước 4,8%. Ông Hiệp nói, trong các hợp đồng vận tải thường có phụ lục ghi rõ việc tăng giảm giá cước khi có những biến động đầu vào. Việc tăng giảm giá nhiên liệu  sẽ kéo theo việc tăng giảm giá cước có hiệu lực sau 15 ngày. Nếu DN vận tải không làm được việc này, họ sẽ mất khách hàng. Không ít ý kiến cho rằng việc giảm giá nhiên liệu liên tục nhưng giá cước vận tải giảm nhỏ giọt, hoặc đứng yên mà không có cơ chế nào ràng buộc khiến khách hàng phải thiệt thòi. Về vấn đề này, ông Hiệp cho rằng, giá cước vận tải do thị trường tự điều tiết chứ không cần thiết có cơ chế quản lý. Bởi lẽ chủ hàng mới là người định đoạt giá cước, họ có quyền lựa chọn hãng vận tải nào có giá cước thấp hơn.

Giá cước taxi ở Đà Nẵng đã trở về năm 2009.

Lãnh đạo một hãng taxi lớn ở Đà Nẵng cho biết, với loại xe nhỏ mỗi ki-lô-mét giá khoảng 11 ngàn đồng trong khi ở TPHCM cũng loại xe tương tự giá 14 ngàn đồng/km. So với nhiều địa phương, giá cước taxi ở Đà Nẵng gần như thấp nhất cả nước. Hiện nay tính mặt bằng chung, giá cước taxi ở Đà Nẵng đã bằng với mức cước của năm 2009, sắp tới sẽ điều chỉnh giảm hơn nữa. Vị lãnh đạo này nêu nghịch lý rằng giá cước taxi hiện về năm 2009, trong khi chi phí đầu vào thì tăng gấp bội. Chẳng hạn năm 2009 giá xe Kia Morning 260 triệu đồng/xe  giờ đã lên 350 triệu đồng/xe; rồi lương không ngừng tăng lên kéo theo tăng bảo hiểm xã hội; rồi các loại phí đường bộ, nếu tính theo DN của ông thì riêng khoản tăng phí đường bộ và bảo hiểm đã mất hơn 3 tỷ đồng/năm. “Giá nhiên  liệu chỉ chiếm 20%-25% trong giá thành dịch vụ taxi/1km, vậy mà mỗi lần giảm giá xăng thì tất cả lại nhắm vào DN taxi đòi hỏi phải giảm giá cước ngay. Tôi khẳng định việc giữ giá cước như năm 2009 đã là nỗ lực rất lớn của các hãng taxi rồi, nếu giảm nữa thì DN khó mà có lãi được”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Thảo Vy - Thành Nam