“Liệt sĩ” trở về

Thứ ba, 23/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Con đường nhỏ quanh co dẫn vào nhà ông Phạm Kiệu (1911, trú thôn Thạnh Trung, xã Đại Chánh, H. Đại Lộc, Quảng Nam) liên tục có người đến thăm, chúc mừng sau khi người con trai của ông được báo tử 42 năm đột ngột trở về. Khuôn mặt già nua, khắc khổ của ông rạng ngời...

34 NĂM CÚNG GIỖ

Tìm đến nhà ông Kiệu, dù chúng tôi không gặp được “liệt sĩ” Phạm Văn Hai vì anh đã rời quê, nhưng câu chuyện xúc động này đã được người nhà của anh kể lại.

Ông Kiệu cho biết, anh Hai sinh năm 1944, là con trai duy nhất trong gia đình đông con của ông. Tháng 4-1965, anh Hai nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 2. Vài tháng đầu, anh Hai còn viết thư về thăm, sau đó thì biệt tăm... Năm 1978, ông nhận được Giấy báo tử của BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng báo tin anh Hai hy sinh ngày 21-5-1970 và mai táng tại NTLS Bình Dương (H. Thăng Bình, Quảng Nam). Từ đó, hằng năm cứ lấy ngày anh Hai “hy sinh”, gia đình cúng giỗ. Nhiều lần, gia đình cũng có ý định di dời hài cốt anh Hai về quê nhưng nghĩ đến chuyện con mình bao năm nay đã cận kề sống chết bên đồng đội nên không đành lòng...

Theo chị Phạm Thị Bốn (em gái anh Hai), ngày về thăm gia đình, phải có người bồng bế anh Hai vào nhà, ăn uống phải có người đút; thậm chí anh cũng không gượng nổi người để thắp hương trên bàn thờ mẹ. Qua câu chuyện lúc được lúc mất, gia đình mới vỡ lẽ, sau khi bị địch ném bom, càn quét tại Thăng Bình, tiểu đội anh Hai hy sinh hết, chỉ còn mỗi mình anh bị thương nặng. Anh bò ra đám ruộng nằm trong ống cống chờ chết nhưng may mắn được người dân địa phương phát hiện chuyển lên cứ điều trị và tại đó, anh được cô thanh niên xung phong Trịnh Thị Kim Chi chăm sóc ân cần, rồi kết nghĩa vợ chồng. Ngày đất nước thống nhất, đôi vợ chồng thương binh này dắt díu nhau lên tận vùng đất xa xôi Tam Lãnh (H. Phú Ninh, Quảng Nam) mưu sinh. Con người đã mấy lần chết đi sống lại với thương tật đầy người cũng đã không còn được minh mẫn do sức ép bom đạn. Gần nửa thế kỷ xa xứ và kém trí nhớ, anh Hai không biết rằng ở quê, ngôi nhà mình còn có cha già và các em gái... Còn chị Chi chỉ biết chồng mình là người Đại Lộc, cộng với khó khăn kinh tế, sức khỏe chồng suy sụp nhanh, không tự mình đi lại được nên chị chưa tìm về quê chồng. Riêng về trường hợp “liệt sĩ”, có thể do đơn vị không tìm thấy xác anh Hai trong trận bom ác liệt đó nên đã gửi giấy báo tử về quê.

Ông Phạm Kiệu cười mãn nguyện và Bằng “Tổ quốc ghi công” của “liệt sĩ” Phạm Văn Hai. 

NƯỚC MẮT NGÀY ĐOÀN TỤ

Trong 5 người con của vợ chồng anh Hai, chỉ mỗi cháu Phạm Văn Lý là có điều kiện thoát ly nghề nông, làm việc cho một Cty Viễn thông ở Gia Lai. Sau mỗi chuyến công tác dài ngày, Lý lại tranh thủ về thăm gia đình. Những lúc thấy cha tỉnh táo, Lý lân la trò chuyện, thăm dò quê hương thì nghe cha thường nhắc đến hai từ “Đại Thạnh” nên Lý nung nấu ý định phải tìm ra quê nội. Cuối tháng 7, khi nghe tin có người đồng nghiệp là anh Phạm Văn Thời (quê Đại Thạnh, H. Đại Lộc) về quê lo việc tộc họ, Lý tâm sự: “Em cũng họ Phạm ở Đại Thạnh như anh nhưng chưa một lần về đó”. Chuyến về quê hôm ấy của anh Thời đã mang đến sự kiện xôn xao ở vùng đất dưới chân dãy núi Bàn Cờ này. Anh Thời đem câu chuyện của Lý kể lại cho các cụ già trong tộc nghe và được xác nhận, ở xã giáp ranh Đại Chánh cũng có tộc Phạm; trong đó ông Tư Bốn (tên gọi riêng của ông Kiệu) có người con trai là liệt sĩ. Không bỏ lỡ cơ hội, anh Thời tranh thủ qua Đại Chánh tìm và bất ngờ phát hiện Bằng “Tổ quốc ghi công” của người con ông Tư Bốn cũng mang tên Phạm Văn Hai như tên cha của Lý...

Thấy chuyện lạ lùng nhưng trong tim người cha như linh cảm điều hệ trọng, ông Kiệu động viên con cháu khẩn trương dò tìm. Sau khi xác định địa chỉ cư trú của gia đình anh Hai qua liên lạc điện thoại với Lý, sáng sớm hôm sau, người em kế anh Hai là chị Phạm Thị Ba cùng các con lên đường vào Tam Lãnh. Đường xa thăm thẳm, đồi dốc quanh co, nhà cửa thưa thớt, chiều tối, chị Ba mới tìm đến nhà cha mẹ Lý và nhận ra một phần máu thịt của mình, chị gục khóc trên thân thể yếu ớt của anh Hai.

Ông Kiệu cười mãn nguyện kể tiếp, anh Hai chỉ lưu lại nơi “chôn nhau cắt rốn” một đêm. Khi nghe ông bộc bạch nỗi niềm, anh Hai trăn trở: “Nếu con ở lại đây, cha lấy gì nuôi con, trong lúc con trẻ hơn mà không chăm sóc được cha. Thôi thì, con bệnh tật không thường xuyên về thăm được thì vợ con và các cháu sẽ thay con phụng dưỡng cha. Ở đâu cũng là quê hương cả cha ạ”. Nghe con nói, ông Kiệu chỉ biết ôm con khóc... Trước khi tạm biệt về lại Tam Lãnh, anh Hai nhờ cha mang hết giấy tờ liên quan đến việc công nhận liệt sĩ cho anh bàn giao lại địa phương và đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục cắt chế độ thân nhân liệt sĩ theo quy định của Nhà nước.

Bài, ảnh: Vy Hậu