Liệu châu Âu có thể giảm phụ thuộc vào vũ khí Mỹ?

Thứ tư, 21/06/2023 08:32
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các quốc gia châu Âu phát triển hệ thống phòng không riêng nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này là cả một quá trình đầy khó khăn và thách thức do có nhiều yếu tố như sự khác biệt về năng lực quốc phòng và ngân sách của mỗi nước thành viên.
Các nước châu Âu đang tăng cường mua vũ khí Mỹ kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ảnh: AP
Các nước châu Âu đang tăng cường mua vũ khí Mỹ kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ảnh: AP

Xây dựng chiến lược phòng thủ độc lập

Phát biểu tại một cuộc họp quy tụ đại diện khoảng 20 quốc gia bên lề Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris Air Show 2023 hôm 19-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lập luận của mình về việc các nước châu Âu nên xây dựng chiến lược bảo vệ không phận của riêng chứ không phải phụ thuộc cụ thể vào Mỹ thông qua NATO. Ông Macron cảnh báo châu Âu về việc phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí từ bên ngoài châu lục và khuyến nghị không nên mua những gì sẵn có: “Trước hết, chúng ta cần xác định tình hình mối đe dọa là gì. Sau đó, chúng ta cần biết châu Âu có thể sản xuất được gì? Và sau cùng mới là câu hỏi chúng ta cần mua gì?”

Tổng thống Macron cũng cho rằng điều quan trọng là Liên minh châu Âu (EU) cần xây dựng cho riêng mình một nền công nghiệp phòng không và chỉ mua sắm khí tài giữa các nước EU với nhau. Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn thúc đẩy xuất vũ khí, khí tài tại chỗ, xây dựng các hệ thống quân sự độc lập, sắp xếp lại sản xuất quốc phòng ở châu Âu, và tăng cường tiêu chuẩn quốc phòng châu Âu. “Tại sao chúng ta vẫn phải mua hàng từ Mỹ quá thường xuyên như vậy? Đó là do người Mỹ đã thực hiện việc tiêu chuẩn hóa mạnh mẽ hơn và bản thân người Mỹ cũng có các cơ quan liên bang cung cấp những khoản hỗ trợ lớn hơn cho các nhà sản xuất của họ”, ông nói.

Ông Macron cho biết ông đã đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục một số đồng minh của Paris trong EU xem xét và cân nhắc về một chiến lược phòng thủ mang tính tự chủ chiến lược hơn. Ông Macron cho biết Pháp cùng với Bỉ, CH Cyprus, Estonia và Hungary đã ký ý định thư về việc cùng triển khai thương vụ mua hệ thống phòng không Mistral của Pháp, do "gã khổng lồ” sản xuất tên lửa của châu Âu MBDA phát triển.

Điều này đi ngược lại với nỗ lực do Đức dẫn dắt hiện nay, trong đó hướng vào việc mua chung các hệ thống phòng không từ các đối tác bên ngoài châu Âu. Hồi tháng 10-2022, Đức đã tuyên bố kế hoạch chung tay với 14 đồng minh thuộc NATO thực hiện chương trình mua sắm khí tài phòng không mà một phần trong số đó đến từ Mỹ và Israel. Kế hoạch này cũng nhằm bảo vệ lãnh thổ của các nước đồng minh trước các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Sau tuyên bố này, khoảng 17 nước, bao gồm các quốc gia Baltic, Anh và một số nước Đông Âu giàu có, vốn là những nước thường mua sắm khí tài của Mỹ, đã tham gia một sáng kiến được gọi là “Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu”. Pháp đã công khai chỉ trích kế hoạch, cho rằng sáng kiến này không bảo vệ đầy đủ chủ quyền của châu Âu bởi nó chủ yếu dựa vào công nghiệp của Mỹ và Israel.

Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng

Mặc dù hầu hết các nước EU vẫn chưa đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng, liên minh này đã chứng kiến mức tăng chi tiêu đều đặn trong 8 năm qua. Vào năm 2022, chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu đã tăng 13%, lên 345 tỷ USD - cao hơn gần một phần ba so với một thập kỷ trước - phần lớn là do phản ứng trước cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mỹ muốn EU dành phần lớn nguồn chi tiêu đó dành cho vũ khí của Mỹ.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu đang hy vọng ý tưởng “phát triển một cơ sở công nghệ và công nghiệp quốc phòng thực sự của châu Âu ở tất cả các quốc gia liên quan và triển khai đầy đủ các trang thiết bị có chủ quyền ở cấp độ châu Âu” của Tổng thống Pháp Macron sẽ xảy ra. Nhưng liệu ngành công nghiệp quốc phòng của châu lục này có thể biến điều đó thành hiện thực hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Có một thực tế khó chịu đối với những người ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu: Khi nói đến vũ khí, châu Âu vẫn phụ thuộc vào Mỹ. Trong khi các công ty châu Âu có chuyên môn sâu về quốc phòng - chế tạo mọi thứ, từ máy bay chiến đấu Rafale của Pháp đến xe tăng Leopard của Đức và hệ thống phòng không Piorun cơ động của Ba Lan - quy mô của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ, cũng như sự đổi mới công nghệ của nước này, khiến Washington vẫn hấp dẫn đối với các khách hàng mua vũ khí ở châu Âu

Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine đã nhấn mạnh sự thống trị của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết: “Sau cuộc xung đột ở Ukraine, các quốc gia châu Âu muốn nhập khẩu nhiều vũ khí hơn, nhanh hơn”. Nhu cầu bổ sung các kho vũ khí và tiếp tục vận chuyển thiết bị đến Ukraine là rất cấp thiết, và sau nhiều thập kỷ thu hẹp, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh. Để giúp châu Âu đạt được điều đó, Mỹ đã mở rộng số lượng các thỏa thuận cung cấp an ninh song phương mà nước này có với các đối tác nước ngoài kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, ký các thỏa thuận mới với Latvia, Đan Mạch, Nhật Bản và Israel kể từ tháng 10 năm ngoái. Điều này cho phép các quốc gia bán và trao đổi trang thiết bị và dịch vụ liên quan đến quốc phòng một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

AN BÌNH