"Lính đề án 06" tại một huyện miền núi

Chủ nhật, 19/03/2023 21:16
Là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), song với sự cố gắng, nỗ lực và triển khai nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, Công an huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã  hoàn thành tổng kiểm tra cư trú, giúp làm sạch dữ liệu dân cư đạt 100%.
Công an xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) đến từng nhà dân để tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến.
Công an xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) đến từng nhà dân để tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến.

Thượng Lộ là xã định canh, định cư của huyện Nam Đông với 90% người đồng bào DTTS Cơ Tu sống rải rác trên địa bàn rộng. Người dân chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, đời sống còn khó khăn, dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ dân được trang bị sử dụng các thiết bị máy tính, Internet còn thấp... Những yếu này là trở ngại không nhỏ với những cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (Đề án 06).

Đại úy Lê Minh Hoàng- Trưởng Công an xã Thượng Lộ cho biết, để bảo đảm việc thu thập, bổ sung đầy đủ thông tin dữ liệu dân cư, không kể ngày đêm, ngày nghỉ, Công an xã đã phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín liên lạc với những người đi làm xa, những người đi làm trong rừng hễ lúc nào họ trở về nhà thì lực lượng Công an xã đến trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, đối chiếu thông tin đảm bảo theo quy định. Cán bộ chiến sĩ đơn vị hầu như không có ngày nghỉ để thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân đảm bảo 100% công dân đủ điều kiện cấp CCCD, dữ liệu công dân đảm bảo yếu tố "đúng, đủ, sạch, sống". Đến nay, trên địa bàn xã Thượng Lộ có 100% công dân trong độ tuổi cấp CCCD. Công an xã Thượng Lộ đang tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, ban điều hành các thôn vận động công dân thu nhận hồ sơ định danh điện tử; tuyên truyền về các dịch vụ công thiết yếu đến người dân thông qua hình thức phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, kích hoạt tài khoản định danh điện tử - ứng dụng VNeID tại nhà cho người dân… "Quá trình thực hiện Đề án 06, Công an xã Thượng Lộ đã rà soát điều chỉnh, kịp thời cấp các loại giấy tờ cho công dân thiếu, sai thông tin. Qua đó, người dân trên địa bàn xã rất phấn khởi khi quyền lợi của họ được đảm bảo", ông Hồ Văn Nhờ, người uy tín trong xã Thượng Lộ cho hay.

Thực tế, tại huyện miền núi Nam Đông, trình độ dân trí chưa cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Cách đọc, viết và phát âm khác nhau, dẫn tới nhiều loại giấy tờ sai lệch thông tin. Trong khi đó, nhiều công dân chưa nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện các quy định của Luật Cư trú dẫn đến khó khăn trong việc xác minh thông tin, bổ sung dữ liệu công dân. Bên cạnh đó, nhiều công dân chưa có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin để thực hiện các thao tác trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp định danh điện tử… Đây là những khó khăn đối với lực lượng cơ sở khi thực hiện thu thập thông tin, làm sạch dữ liệu dân cư.

Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên- Phó Trưởng Công an huyện Nam Đông chia sẻ, để thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng kiểm tra cư trú, Công an huyện đã xây dựng quy trình kiểm tra cụ thể. Bước đầu tiên là gửi thông báo mã số định danh của công dân cho từng hộ gia đình, hướng dẫn các gia đình chuẩn bị giấy tờ, tài liệu liên quan để phục vụ cho việc đối soát, gửi kèm lịch làm việc của Công an xã. Tiếp đó, lực lượng Công an xã đến trực tiếp kiểm tra từng hộ gia đình, khi có sai lệch thì hướng dẫn cho công dân chuẩn bị các thủ tục giấy tờ cần thiết để chỉnh sửa thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Công an huyện Nam Đông đã hoàn thành kiểm tra 100% số hộ phải kiểm tra để kịp thời phát hiện nhiều trường hợp bị trùng thông tin cá nhân, 530 trường hợp thông tin công dân còn thiếu; 557 trường hợp công dân chưa thu nhận hồ sơ CCCD. Các trường hợp này đều được Công an huyện Nam Đông hướng dẫn để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo dữ liệu dân cư được làm sạch theo tiêu chí.

"Đối với công dân có giấy tờ tùy thân bị thất lạc hoặc chưa làm, lực lượng Công an xác minh thông tin, cấp lại giấy tờ tùy thân cho công dân theo quy định. Đối với trường hợp công dân di cư hoặc di chuyển từ địa phương khác đến, đã đăng ký khai sinh tại địa phương khác mà mất giấy tờ tùy thân thì tư pháp sẽ chủ động xác minh, tạo điều kiện bổ sung đầy đủ giấy tờ, tài liệu làm căn cứ cấp lại giấy tờ tùy thân cho công dân. Với những cách làm chủ động, linh hoạt, chúng tôi đã góp phần thực hiện đạt kết quả Đề án 06 của Chính phủ", Thượng tá Nguyễn Xuân Kiên cho biết.

Đến nay, huyện Nam Đông đã triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu và đang hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Cụ thể đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên phần mềm hộ tịch. Thường xuyên cập nhật, làm sạch dữ liệu tiêm chủng vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an theo quy định. Công an huyện đã cập nhật tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19 cho hàng chục ngàn trường hợp cả 4 mũi; làm sạch 3.162 dữ liệu do Trạm y tế cấp xã chuyển sang cho lực lượng Công an cấp xã, trong đó có 403 dữ liệu không có CCCD, 1.385 dữ liệu sai số CCCD, 1.054 dữ liệu sai thông tin tiêm chủng. Kết quả bổ sung dữ liệu của Công an cấp xã 2.801 dữ liệu trùng khớp với CSDLQG về dân cư; chỉnh sửa, bổ sung 361 dữ liệu sai thông tin. Công an huyện đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tiến hành rà soát, kiểm tra, xác minh thông tin 483/483 người lao động đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện có trong CSDLQG về bảo hiểm nhưng chưa được xác thực với CSDLQG về dân cư do Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an cung cấp để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin công dân vào CSDLQG về dân cư. Đồng thời, rà soát, xác thực, bổ sung số định danh cá nhân cho 10.212.000 công dân đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện…

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Nam Đông đã thành lập 60 tổ tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử trên phần mềm VNeID. Huyện yêu cầu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu, đi đầu trong việc cài đặt sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID), tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và sử dụng CCCD gắn chíp trong việc thực hiện các giao dịch, dịch vụ công trực tuyến.

H.L