KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN (20-7-1962 – 20-7-2017):

Lính hình sự quận đánh án liên tỉnh

Thứ ba, 18/07/2017 09:58

(Cadn.com.vn) - “Tôi đồng ý về chủ trương thôi, còn anh em họ có kể đến đâu là việc của nhà báo nhé. Lính hình sự cứ im im làm rứa, tìm gặp đã khó, dễ chi kể chuyện thành tích. Cờ thi đua mà Chính phủ vừa tặng là công sức, trí tuệ của cả những bộ phận không tên khác, chứ không riêng hình sự. Nói cho công bằng là thế!”, Đại tá Trần Thanh Hải - Trưởng CAQ Thanh Khê cởi mở khi nói về lực lượng Cảnh sát Hình sự quận.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ
cho CAQ Thanh Khê.       Ảnh: CÔNG KHANH

Vào Nam “chăn vịt”, ra Bắc bắt cướp!

Nhân chuyện đánh án liên tỉnh, Đại tá Hải nói, trước đó thì không rõ, nhưng kể từ năm 1996, Thanh Khê là đơn vị đầu tiên trong khối Công an (CA) quận, huyện của Đà Nẵng phá một chuyên án đánh bạc ngoài địa bàn thành phố. Kể từ đó đến nay, lính hình sự quận liên tiếp bóc gỡ nhiều vụ án tầm cỡ mà từ Đà Nẵng, mắt xích của nó vươn ra nhiều địa phương khác trên cả nước. “Cũng chẳng phải khác biệt chi, nhưng nó xảy ra trên địa bàn mình, quá trình điều tra thì mở rộng đến Huế, đến Tây Nguyên, cả Đồng Nai hay Thái Nguyên nữa. Có vụ làm hết gần cả năm, bắt hàng chục đối tượng, tài sản vài ba tỷ”.

Trước kia, mỗi khi nhắc đến Thanh Khê là người ta nghĩ ngay đến những điểm nóng như bến xe, nhà ga, dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành hay cửa ngõ Ngã ba Huế. Quá trình đô thị hóa, địa bàn có những đổi thay nhưng nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), ở cách này hay cách khác, chưa bao giờ hạ nhiệt. Quản lý 10 phường với gần 200 nghìn dân, cũng như CA các địa phương khác, CAQ Thanh Khê phải “gồng” thay vì kêu ca “lực lượng mỏng”. “Có vụ án phải tung trinh sát bám địa bàn hàng tháng trời ở nhiều địa phương, đến khi chín muồi, phải huy động tất cả các lực lượng phối hợp. Anh em ít ỏi ở nhà vừa phải xử lý mọi vụ việc vừa phải căng mình giải quyết công việc cho nhân dân. Cho nên, lính hình sự hay được nhận thưởng mỗi khi phá án nhưng thành tích là của chung”, Trung tá Phan Duy Thạch- Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự CAQ tâm sự. Trong câu chuyện chắp nối, người đội trưởng có thâm niên 15 năm lăn lộn với án hình sự không thể quên được chuyên án liên tỉnh đầu tiên mà đồng đội của anh khăn gói ra tận Thái Nguyên ăn dầm nằm dề cả tháng để truy xét. Đối tượng gây ra vụ cướp giật trên địa bàn quận nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã ra khỏi thành phố. “Chúng tôi như mò kim đáy biển, cứ lần được một tí dấu vết thì bị cắt đuôi. Bám mãi đến tận Thái Nguyên mới định vị được. Tinh thần anh em đang lên thì được lệnh rút quân vì án chưa... “chín”. Hồi mới vào nghề, ớn nhất là bày trận ra rồi thu quân về. Giờ thấm nghề anh em mới hiểu, thành bại lại nằm đúng chỗ đó”, Trung tá Thạch kể. Vụ án mà CBCS CAQ Thanh Khê vẫn gọi vui là “đi uống trà Thái Nguyên” đó dường như là mở đầu ấn tượng cho cái duyên phá án liên tỉnh sau này.

Thấy tôi xoắn xuýt, Đại úy Nguyễn Cao Cường- Đội phó Hình sự cười: “Án truy xét thì vụ việc nó đã xảy ra, có khó đến mấy cũng không bằng án trinh sát. Vừa khó, vừa khổ lại vừa dễ thất bại. Nhiều khi như chơi trốn tìm với đối tượng”. Cường  nói “duyên phá án” là nói cho vui thôi, không học hỏi, không kinh qua, không bầm dập, thiếu tập thể thì có duyên đằng trời. Trong câu chuyện với tôi, Cường nhắc đến vụ án “chăn vịt” ở tận Đồng Nai như một điển hình của sự kiên trì, sáng tạo và hiệp đồng tác chiến. Hỏi vì sao gọi đó là vụ án “chăn vịt”, Cường và anh em tủm tỉm: “Nhờ con vịt, nhờ đi chăn vịt mới bắt được đối tượng cầm đầu của vụ án”. Giữa năm 2016, CAQ phá thành công vụ án bắt giữ người trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đòi nợ thuê có địa chỉ thường trú ở nhiều nơi như Gia Lai, Đắc Lắc, TT- Huế đã kết hợp với một số đối tượng tại Đà Nẵng để giăng bẫy, lên kịch bản bắt cóc người, uy hiếp gia đình đòi tiền chuộc. Tương kế tựu kế, các tổ công tác đã cùng lúc bắt giữ 7 đối tượng, bảo vệ nạn nhân an toàn. Vụ án được khởi tố điều tra nhưng đối tượng chủ mưu đã cao chạy xa bay, cơ quan CA phải ra lệnh truy nã toàn quốc đồng thời âm thầm tìm những manh mối nhỏ nhất để “trả hết nợ” cho nhân dân. Cường kể, nhiều lúc trinh sát ghi nhận được những cuộc điện thoại đối tượng gọi về nhà nhưng cả hai bên đều dùng tiếng lóng nên không tài nào có thêm dữ liệu. Cho đến một ngày, trinh sát báo tin về một cuộc trò chuyện hỏi thăm tình hình chăn nuôi vịt đâu đó một tỉnh trong miền Nam thì công tác xác minh mới có hướng. “Nhận định đối tượng đang ở trong nhà người quen làm nghề chăn vịt tận Đồng Nai, phải mất một thời gian dài để khoanh vùng rồi anh em mới lên kế hoạch đi... mua vịt. Đến lúc bị bắt, đối tượng chủ mưu lọc lõi của vụ án cũng ấm ớ không hiểu vì sao. Anh em vẫn hay nói vui là tin “vịt” rất có giá trị”, Cường hài hước.

Không có tập thể thì không có lính hình sự

Đại tá Trần Thanh Hải nói, cũng lâu lắm rồi CATP Đà Nẵng mới có một đơn vị khối quận huyện vinh dự nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Dẫn đầu phong trào thi đua trong một năm của Bộ CA không phải dễ dàng gì, gần như phải trọn vẹn trong mọi mặt công tác. Hình sự có những đóng góp nổi bật trong các vụ án nhưng đây là công sức, trí tuệ tập thể, của nhiều bộ phận. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng CAQ Thanh Khê không dành nhiều thời gian để nói thành tích mà chủ yếu là chia sẻ những thách thức và cả những “trận đánh không trọn vẹn”. Đó mới là những điều tôi luyện nên người lính hình sự bản lĩnh trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm. Mỗi CBCS đều có một thế mạnh, một sở trường trong điều tra phá án, nhưng đó không phải là điều quyết định cho thành công mà quan trọng nhất vẫn là trí tuệ tập thể, sự đoàn kết, đồng lòng. “Nghề này khó khăn, gian khổ, nguy hiểm nhưng dễ tiêu cực và cũng dễ thất bại. Nhiều khi tưởng như thành công đến nơi rồi lại hỏng ăn. Mình từng trải những chuyện như vậy nên hiểu, lúc đó tinh thần anh em xuống lắm. Ngoài việc nghiêm khắc kiểm điểm, mổ xẻ nguyên nhân thì việc chia sẻ, động viên anh em là rất quan trọng. Lính hình sự rất thấm thía câu thắng không kiêu, bại không nản”, Đại tá Hải tâm sự.

Trong thành tích nổi bật của CAQ Thanh Khê thời gian vừa qua có dấu ấn rất đậm nét của Đội Hình sự. Tuy vậy, Đội trưởng Phan Duy Thạch cho rằng, sẽ chẳng có thành công trong bất cứ một vụ án nào nếu không có những người cộng sự đắc lực nhưng âm thầm phía sau. Có thể họ trực tiếp tham gia công tác phá án hoặc có thể làm những việc hậu trường nhưng quan trọng không kém. Trung tá Thạch đơn cử, vụ án tổ chức đánh bạc liên tỉnh năm 2015, để cùng lúc ập vào bắt quả tang 13 đối tượng tại hơn 10 điểm nằm khắp nơi trên địa bàn Huế và Đà Nẵng thì mỗi đội hình sự đã không thể đủ quân số. Chưa nói bảo vệ hiện trường, các vật chứng liên quan chứng minh cho hành vi đánh bạc lên đến hàng tỷ đồng. “Khi tuyên dương, khen thưởng người ta thường thấy lính hình sự. Nhưng đằng sau đó là cả một tập thể, có cả những bộ phận ít ai nghĩ đến và ít khi xuất hiện. Không có họ thì không có lính hình sự”, Trung tá Thạch khẳng định.

Ghi chép: CÔNG KHANH