Lo ngại tình trạng chó thả rông cắn người

Thứ bảy, 11/05/2019 12:37

Thời tiết nắng nóng kéo dài là thời điểm bệnh dại ở chó phát sinh và lây lan. Hình thức nuôi chó, mèo thả rông còn khá phổ biến tại các địa phương, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước không ít trường hợp người dân, đặc biệt là trẻ em bị chó nhà cắn gây thương tích, thậm chí dẫn đến tử vong... Những vụ việc đau lòng từ vấn nạn chó thả rông gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có các biện pháp mạnh để phòng, ngừa việc chó nhà tấn công người dân, gây hệ lụy xấu cho môi trường và các vấn đề khác...

Người dân TP Đà Nẵng thường xuyên phản ảnh tình trạng chó thả rông gây nguy hiểm cho con người trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, trong 3 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 3.000 người đến trung tâm tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại, điều này đồng nghĩa với việc, số người dân bị chó cắn trên địa bàn thành phố là không hề nhỏ... Quả thật, thấy cảnh chó thả rông, không rọ mõm ở khắp nơi, không ít người tỏ ra lo ngại bởi không biết những con chó này đã được tiêm phòng bệnh dại hay chưa và có cắn mình hay không? Và đặc biệt, chó rông luôn là nỗi lo thường trực của các bậc cha mẹ, bởi nhiều trẻ em chưa nhận thức được sự nguy hiểm từ những con chó này. Nói về vấn đề này, chị Trần Thị Mỹ L. (H. Hòa Vang) cho biết: Con trai chị và một bạn cùng lớp với cháu vừa bị chó nhà cô giáo cắn khi các cháu đến thăm nhà cô. Con chó hung dữ xông đến cắn vào bắp tay con chị và chân của bạn cùng lớp khiến cả hai đều bị thương. Nhiều người khuyên đừng nên chích ngừa vì chích ngừa vaccine phòng bệnh dại sẽ dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến tương lai cháu. Băn khoăn lắm, nhưng vì lo ngại cho sức khỏe của con nên gia đình vẫn đưa cháu đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng để chích ngừa... "Những ngày gần đây, theo dõi báo đài, tôi được biết có khá nhiều trường hợp trẻ em bị chó nhà tấn công gây thương vong. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần vào cuộc, ngăn chặn tình trạng chó thả rông, không rọ mõm ở khắp nơi, để không còn trường hợp người dân bị chó cắn nguy hiểm đến tính mạng", chị L. bày tỏ thêm. Một người dân sống tại Q. Cẩm Lệ cũng bức xúc: "Chó thả rông chạy khắp phố phường, sáng đi tập thể dục tôi không sợ gì ngoài mấy con chó không rọ mõm...". Đáng chú ý, nhiều nhà nuôi chó, khi có người đi ngang qua, những con chó này còn nhe hàm răng dữ tợn, sủa liên hồi, thậm chí còn đuổi theo người đi đường... Đã có không ít trường hợp tai nạn giao thông xảy ra bởi chó thả rông để lại hậu quả đau lòng. Mới đây, ngày 6-5, tại Quảng Trị, 3 thanh niên điều khiển xe máy tông phải 1 con chó chạy ngang qua đường khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Hay cái chết thương tâm của 1 phụ nữ ở Tây Ninh cũng bởi tông phải chó thả rông. Những vụ việc trên một lần nữa dấy lên bức xúc của cộng đồng về tình trạng tai nạn, thương tích oan vì chủ vật nuôi thiếu ý thức, trách nhiệm...

Thực tế này đặt ra vấn đề: chủ vật nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì trong những trường hợp gián tiếp gây ra tai nạn dẫn đến chết người, thương tích kể trên? Theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN & PTNT quy định các mức xử phạt hành vi nuôi chó, mèo phải không xích, nhốt hoặc ảnh hưởng vệ sinh môi trường và cộng đồng; không đeo rọ mõm khi ra đường...  sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng. Trong trường hợp để chó ra đường gây tai nạn chết người, chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Quy định là thế, chế tài xử lý là vậy, tuy nhiên nhìn vào thực tế hiện nay, có thể thấy rằng ở hầu hết các địa phương, quy định này dường như chỉ nằm... trên giấy và tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Riêng tại Đà Nẵng, từ cuối năm 2018, UBND TP cũng đã ban hành đề án "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn các quận của TP Đà Nẵng" nhằm khống chế bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và trên người, tiến tới loại trừ bệnh dại trên toàn địa bàn. Theo đó, từ năm 2019, các hộ dân nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND phường, hướng tới mục tiêu trong năm 2019 có 100% phường lập sổ quản lý chó, mèo nuôi theo quy định; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm phòng vaccine dại tại các quận đạt trên 90%; không có ca bệnh dại ở chó, mèo nuôi và người trên địa bàn các quận. Đến năm 2020, trên 95% chó, mèo nuôi tại các quận được tiêm phòng vaccine dại; tiến tới loại trừ hoàn toàn bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn các quận. Đề án cũng quy định các nội dung như Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT. Theo Sở NN & PTNT TP Đà Nẵng, thực hiện Đề án trên trong thời gian từ ngày 30-3 đến ngày 28-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thống kê động vật nuôi trên địa bàn thành phố; chuẩn bị đầy đủ vaccine, vật tư, dụng cụ và lực lượng thú y tổ chức tiêm phòng dại cho động vật nuôi trên địa bàn thành phố.

T.HOA